Chuyên mục lưu trữ: Thơ Văn

Chia sẻ thơ văn, các bài viết về văn hóa của người Quảng Trị

MÙA GẶT

Hai chục năm trước làng mình cũng làm ruộng, mình yêu làng y như ông Hai yêu cái làng chợ Dầu của ông, dù đã xa cách mười mấy năm rồi. Cánh đồng chạy dài trước mặt làng, xung quanh là hai con mương nước trong xanh bốn mùa uốn lượn. Năm làm hai vụ lúa nhưng cứ nhớ nhất là mùa gặt vào khoảng thời gian này, trời vào hè, oi ả, giông tố bất ngờ rung cả lũy tre.

mua-gat

Ảnh minh họa.

Hồi còn nhỏ, nhà không làm ruộng, ba đi bộ đội mẹ đi dạy chỉ nhận thóc từ hợp tác xã, sau giờ dạy về nhà mẹ cởi cái áo sơ mi là khoác lên mình chiếc áo bộ đội của ba để lại gánh đôi triêng giống thoăn thoắt qua ràn (đồng) trồng khoai trồng sắn. Thỉnh thoảng mới thấy mẹ đi mượn chày cối về đâm thóc, ba đứa mắt cứ tròn xoe quanh cái cối gỗ, rồi mẹ giần sàng hạt gạo hồng hào dần dần lộ ra, được mẹ cất cẩn thận để hàng ngày chỉ nấu tầm lon sữa bò độn sắn độn khoai cho ăn. Chao ui, hồi ấy chỉ ước được bữa đau để mẹ cho ăn cơm không với quả trứng gà.

Cánh đồng trước làng cứ hai mùa xanh tốt, người ta trồng thứ lúa gì mình chẳng nhớ tên chỉ biết là cao gấp hai lần lũ trẻ tụi mình khi đó. Lúa tốt bời bời mà chẳng được bao nhiêu thóc, có điều nhìn cánh đồng mơn mởn sức xuân, ngã vàng lượn sóng trước làng thật đẹp. Lũ trẻ con thích thú biết bao trước cảnh tượng nhà nhà đi gặt lúa, già trẻ gái trai ra đồng. Tiếng liềm, tiếng hái loạc xoạc ngọt lịm cứa vào thân lúa. Người gặt lúa đi trước người gặt rạ đi sau, tiếng cười nói vang cả cánh đồng làng, thỉnh thoảng lại có tiếng hò hét vui vẻ vì đuổi theo chú cá tràu (cá lóc) hay cùng nhau bắt con rắn nước.

Lũ bọ muỗm cũng được mẹ vặt gãy cánh đem về nướng cho ăn. Chẳng biết cái nhọc nhằn của những người nông dân vất vả một nắng hai sương là gì, trong mắt bọn trẻ như mình hồi ấy chỉ thấy những ngày mùa sao mà vui đến thế. Thích nhất là đến công đoạn đạp lúa, từng bó lúa được mang vào nhà, rồi mấy o mấy chú, cả ông nội thi nhau ôm lấy cột nhà và lấy chân đạp, đạp rồi cào lên xới xuống cho đến khi chỉ còn rơm mới thôi. Bà nội thì rũ rơm và thu gọn chỗ lúa đã đạp. Mấy chị em léo lẻn đứng nhìn rồi chẳng xin xỏ chi cũng ôm cột nhà và đạp, ông nội nhìn cười sóm sém, chú Bảy cũng cười, thế là mấy đứa không bị nạt nộ chi tha hồ chơi trò đạp lúa. Chẳng biết rằng bàn chân nhỏ xíu trầy trụa và người hăm lên vì bụi lúa. Tối đó về mẹ vừa múc nước giếng tắm vừa quất cho mấy roi mót vào mông, vì rứa nên nhớ đến chừ.

mua-gat

Hết cái thời đạp lúa bằng chân, nhớ nhất cái cảnh sang nhà bác giáo Cần, bác đạp lúa bằng cái ròng rọc đúc bằng bê tông, trãi lúa ra đầy sân rồi kéo cái ròng rọc ấy chà đi chà lại trên ngọn lúa cho đến khi hết hạt mới thôi. Cả bọn trẻ xúm xít quanh sân nhìn ngắm. Trăng sáng tỏa đầy sân, từng hạt thóc vàng lấp lánh và những giọt mồ hôi cũng ướt đầm vai áo bác giáo già.

Những mùa gặt cứ thế đi vào kí ức của tuổi thơ vô cùng dữ dội. Ba về, chiều loang lỗ nghiêng bóng hàng tre, 9 giờ đêm ba còn giăng đèn măng song khai hoang đất đai. Những ngày nhọc nhằn vất vả để kiến tạo lại cuộc sống, năm ấy mình lên mười. Ba về, lúa chiêm, lúa bát ba không trồng nữa. Ba chọn giống lúa mới cây thấp là IER 38 đưa vào gieo cấy, ba mẹ làm gần mẫu ruộng, một trang sách mới mở ra. Chính thức kể từ ấy, ba đứa mỗi lần leo lên cành khế lại véo von câu hát: “Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa, tía em là một người nông dân, tía em cũng là người nông dân”!

Và rồi, ngày mùa lại đến, lúa càng ngày càng nhiều hơn trước. Trong gian nhà tranh thấp lè tè, ba căng bạt ngoài sân, thắp cái đèn dầu tù mù, vác cái bàn ra bên cạnh cái máy tuốt. Mẹ chia lúa cho ba đạp, tiếng rù rù, phành phạch suốt đêm. Những ngày này đang là mùa thi, ba đứa con gái ngồi dưới ngọn đèn dầu, tiếng muỗi, tiếng máy quay lúa, bụi bặm nóng nực, nỏ học được chữ mô cả. Ơn trời, nhờ phước ai mà năm nào cũng được học sinh giỏi…!

Khi lớn hơn một chút cả mấy chị em đều phải ra đồng, đứa mô cũng gặt lúa nhanh thoăn thoắt, đưa tay liềm ngọt lịm! Mặt trời lên hết đầu ngọn tre, đổ cái nóng xuống lưng mấy cô thiếu nữ, mặt đứa nào cũng đỏ lên, mồ hôi nhễ nhại tóc ướt quạnh. Ba bắt đầu thu dọn và bó lúa vác lên xe bò, mấy mẹ con gặt tiếp đám ruộng còn dang dỡ, lúa nặng tay, nhọc nhằn nhưng niềm vui tỏa rạng, bãi ruộng gặt xong chỉ còn trơ lại gốc rạ ngắn cũn, võ dưa đỏ vứt ngổn ngang hai bên bờ. Trông chừng công việc đã vơi, mẹ khi nào cũng ưu tiên cho mình về trước lo cơm nước, bữa cơm ngày mùa có bát canh khế nấu cá tràu ăn thanh mát nhớ mãi đến bây giờ.

mua-gat02Mùa Gặt

Những mùa vàng cứ thế theo về, từ nhà tranh nhà mình lên nhà ngói, nhà xây kiên cố có mái bằng và bia-tăng-đa để phơi thóc. Những ngày này, thóc được phơi đầy sân, đầy mái bằng, đầy bia-tăng-đa. Làng đã có máy tuốt, vèo một cái tuốt luôn cả mẫu ruộng, lúa ra lúa, rơm ra rơm không còn phải thức cả đêm để đạp cái máy quay cũ. Mẹ dặn: “Mây lên rừng thì dợ, mây xuống chợ thì mưa”. Nói thiệt, khi mô cũng trông mây lên rừng, chứ không một mình vật vã với mấy tạ thóc chỉ có mà kêu trời.

Có hôm mây sầm, bất ngờ vừa hốt vừa la làng, nước mắt hòa nước mũi khóc không lên tiếng. Thế rồi cũng qua, những buổi chiều đứng cào lúa trên bia-tăng-đa, phóng tầm mắt ra xa mà ngó bốn phương mười hướng, mà ngắm làng quê mình xanh một màu xanh bình yên, ngắm những ngôi nhà ngói đỏ, nhớ ngọn khói lam chiều trên mái bếp, vương vấn đến tận tương lai.

Rồi, đùng một cái, làng bỏ ruộng, mình trở về khi đã ra trường và đi làm. Cánh đồng làng trước mặt không còn nữa thay vào đó là những hồ cá lớn. Những ruộng lúa bây giờ trồng cỏ nuôi bò. Mấy trăm năm trồng lúa không làm cho người dân giàu lên được, người làng bây giờ thoát ly hết, lao động ít, ruộng đất nhiều, chuột bọ phá lắm, tính về lợi nhuận làm ruộng chẳng được là bao. Biết thế nhưng vẫn xót xa nhớ cánh đồng xưa biết bao!.

Mỗi mùa đông đến lại nhớ mùi cốm thơm mà trong cặp đứa nào cũng mang theo một túi bóng. Nếp được trồng ở ruộng nẩy gần Khe Đỏ. Mùa về, lũ học trò lại chạy băng xuống khe, xuống đám ruộng nhà ông Hải “ăn trộm” nếp. Những hạt nếp tròn mẫy đang chuyển sang màu vàng được tuốt lấy tuốt để rồi ngả nắp soong bắc lên bếp. Những hạt thóc nếp nở bung trắng như những bông hoa nhỏ, thơm lừng góc bếp, thơm cả kí ức tuổi học trò.

Hôm nay đi làm về, chạy qua đường Hai Mươi thấy cơ man là thóc rạ trên đường. Người dân cào quét lúa, mùi lúa thơm cả con đường, mùi rơm rạ theo chân người qua đường đi khắp. Bỗng thấy nhớ làng, nhớ mùa gặt, nhớ cả cánh đồng bất tận của một thời đã qua.

Nhung Nguyễn

Bài ca Vĩnh Linh

cauhienluong

Vĩnh Linh ơi trăm mến ngàn thương
Quê ta đó đứng đầu sóng gió ơ…. ớ ờ..

Vĩnh Linh là một huyện phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp huyện Hướng Hóa; phía Nam giáp huyện Gio Linh và phía Bắc giáp huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Dân số 89.027 người trong đó có 2.175 người dân tộc Vân Kiều, toàn huyện có 20.323 hộ; 22 xã, thị trấn; 191 làng, bản, khóm, phố.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Vĩnh Linh trở thành địa đầu giới tuyến. Ngày 25/8/1954, tên thực dân Pháp cuối cùng rút qua cầu Hiền Lương sang bờ Nam. Vĩnh Linh hoàn toàn giải phóng. Và cũng ngày này, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh chọn làm ngày truyền thống của mình.

Mười năm hòa bình ngắn ngủi (1954 – 1964) Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh được sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, đồng bào cả nước và bằng tất cả sự thông minh, năng động cần cù của mình, Vĩnh Linh đã nhanh chóng đổi thịt thay da.

Từ một vùng quê nghèo “ăn cơm bữa diếp” (ba ngày mới có một bữa cơm) trở thành “viên kim cương đầu giới tuyến” như nhà văn Nguyễn Tuân đã ca ngợi.Ngày 8/2/1965, thất bại trước chiến trường miền Nam, Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Vĩnh Linh bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Để đảm bảo cho chiến đấu, 4,5 vạn người dân Vĩnh Linh  (người già, trẻ em) được sơ tán ra miền Bắc. Lực lượng còn lại bám trụ quê hương vừa sản xuất vừa chiến đấu ở cả ba chiến trường (bảo vệ Vĩnh Linh, chi viện cho đảo Cồn Cỏ, chia lửa với bà con Gio Linh, Cam Lộ). Bảy năm chiến đấu kiên cường chống chiến tranh phá hoại khốc liệt của giặc Mỹ, quân và dân Vĩnh Linh tiếp tục lập nên nhiều chiến công vang dội

cauhienluong

Sông  Hiền Lương lại xanh mềm lá cỏ
Vết chém Hiền Lương trái đất chưa nguôi  
Câu hỏi lớn biển dập dồn hỏi đá
HỠI TỰ DO CHO MỖI ĐỜI NGƯỜI !

Bảy năm chiến đấu kiên cường chống chiến tranh phá hoại khốc liệt của giặc Mỹ, quân và dân Vĩnh Linh tiếp tục lập nên nhiều chiến công vang dội, xứng đáng với vị trí lịch sử mà tổ quốc giao phó … Với khẩu hiệu “một tấc không đi, một li không rời”, “mỗi làng xã là một pháo đài chiến đấu”, đến cuối năm 1968, gần 70 làng của 15 xã, thị trấn ở Vĩnh Linh đã có làng hầm, địa đạo với tổng chiều dài lên đến trên 40km. “Làng hầm” lúc này không chỉ đơn thuần là những đường hầm trú ẩn và chiến đấu như Củ Chi mà trở thành một không gian sinh tồn.

Sự hiện diện của hệ thống “làng hầm” đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Khu ủy Vĩnh Linh trong thời khắc quyết định của lịch sử; là minh chứng cho ý chí quyết tâm cao độ, sức sống mãnh liệt và sự lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của quân dân Vĩnh Linh trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ.

Ngày 1/1/1967, với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Vĩnh Linh – một địa phương tương đương cấp tỉnh đầu tiên của cả nước được Quốc hội và Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến nay toàn huyện có 36 đơn vị, 17 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT và Anh hùng lao động, 185 bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 9 mẹ còn sống đang được phụng dưỡng), nhiều đơn vị hai lần được tuyên dương anh hùng.

Ngó bên tê Trường Sơn một dải
Nghe bên ni sóng vỗ Cửa Tùng
Vĩnh Linh ơi trăm mến ngàn thương

Đặc biệt quân và dân Vĩnh Linh có 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen. Trên mảnh đất Vĩnh Linh lũy thép anh hùng hiện có 68 di tích lịch sử văn hóa được Trung ương, Tỉnh xếp hạng và có 3 di tích là địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương, bến đò B Tùng Luật được xếp hạng đặc biệt cấp quốc gia.

Vĩnh Linh Thép và Hoa

https://www.youtube.com/watch?v=qo8PVInA_ac

Thơ và lời bình – Trạng Vĩnh Hoàng

Nghe Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng 

Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò
Đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp
Người kể chuyện quả quyết rằng có thật
Ai chưa tin xin mời đến làng tôi.

Người kể chuyện xoè hai bàn tay
Săn mùi đất và chai lì vỏ hến
Người nghe chuyện thường say tán thưởng
Chẳng nghi ngờ câu chuyện của anh

Tôi đã nghe dễ đến trăm lần
Và tôi yêu như yêu màu đất đỏ
Yêu bao điều như hạt tiêu kỳ lạ
Yêu mắt nhìn sinh ngọn gió bình yên

Vĩnh Linh ơi từ địa đạo bước lên
Tưởng trắng rợn một  màu tang trắng
Ai ngờ dưới tro những câu  chuyện trạng
Lại lên xanh lấp lánh mắt cười. .
Một củ khoai phải luộc đến năm nồi
Chuyện như chẳng thể nào tin được
Nhưng đến Vĩnh Linh vốc lên từng  nắm đất
Hiểu thêm sự tích lạ lùng hơn.

Ngô Minh

LỜI BÌNH: TIẾNG CƯỜI LẠC QUAN CỦA MỘT VÙNG ĐẤT QUA BÀI THƠ“NGHE CHUYỆN TRẠNG VĨNH HOÀNG”

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng (Vĩnh Linh) thì nhiều người đã nghe, nhưng chuyện kể vào thơ thì e rằng cũng hiếm. Đó là trường hợp bài thơ”Nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng” của nhà thơ Ngô Minh.

    Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò
Đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp
Người kể chuyện quả quyết rằng có thật
Ai chưa tin xin mời đến làng tôi.

Nhà thơ đã nắm bắt được khẩu khí dân gian, đến cả giọng điệu, hơi thở của chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Tác giả cũng đã lựa chọn những chi tiết điển hình. Ngày xưa đi bứt tranh, gặp cọp ai không khiếp vía, hồn xiêu phách lạc. Vậy mà người dân Vĩnh Hoàng tỉnh bơ,”bứt nhầm cả đuôi cọp”. Sau này Vĩnh Linh là “túi bom” trong chiến tranh huỷ diệt của đế quốc Mỹ; và đạn bom nào phải chuyện đùa, sống chết trong gang tấc, nhưng chẳng hề gì, “Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò”- người Vĩnh Hoàng cười đùa trước hiểm nguy, thử thách. Tiếng cười dân gian vui nhộn, thoải mái, hào sảng đã hoá giải mọi điều ác, mọi tai ương; và chỉ có sức mạnh dân gian thâm hậu mới làm nổi điều này, làm nên bản lĩnh Vĩnh Linh- Quảng Trị. Tiếng cười lạc quan, tự tin đã mạnh hơn cái chết và làm nền cho sự sống đâm chồi. Nhà thơ đã đồng điệu và bắt nhịp được âm hưởng dân gian.

Người kể chuyện xoè hai bàn tay
Săn mùi đất và chai lì vỏ hến
Người nghe chuyện thường say tán thưởng
Chẳng nghi ngờ câu chuyện của anh

Tôi đã nghe dễ đến trăm lần
Và tôi yêu như yêu màu đất đỏ
Yêu bao điều nên hạt tiêu kỳ lạ
Yêu mắt nhìn sinh ngọn gió bình yên

Thì nào ai có nghi ngờ gì những câu chuyện trạng mang đậm chất Vĩnh Linh đã ngấm vào thịt da, máu tuỷ của người dân nơi đây. Chỉ có những con ngưới làm lụng kiên cường, bất khuất, yêu đất đai như con cái của mình và ”biết cười từ trong bào thai” mới biết sáng tạo ra chuyển trạng Vĩnh Hoàng, mới sinh hạ nên những nghệ sĩ dân gian làm rạng rỡ văn hoá quê nhà:

Vĩnh Linh ơi từ địa đạo bước lên
Tưởng trắng rợn một màu tang trắng
Ai ngờ dưới tro nhữmg câu chuyện trạng
Lại lên xanh lấp lánh mắt cười

Phép lạ của tiếng cười dân gian chính là ở đó. Trong mưa bom bão đạn, trong tang tóc rợn người thì tiếng khóc ra đời, âu cũng là điều dễ hiểu. Song kì lạ thay tiếng cười đã cứu rỗi mọi điều, đã đứng cao hơn tất thảy, thức dậy một niềm tin sự sống. Tiếng cười đã hoá thành một gia tài vô giá:

Nắng lè lưỡi mà mưa thâm trời
Như ngày nào đạn bom tối mặt
Tất cả sẽ ra đi, chỉ tiếng cuời trẻ nhất
Cha trao con như kỷ vật trên đời

Những ai từng sống, từng biết đến mảnh đất ”ô châu ác địa” hẳn sẽ thấu hiểu phần nào con người nơi đây phải chống chọi với “ giặc trời”- giặc ngoại xâm như thế nào để bảo toàn sự sống. Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ riêng tiếng cười là trẻ mãi không già. Có thể đời trướ không truyền lại cho đời sau nhiều của nả, nhưng hậu sinh được thừa kế những tiếng cười lạc quan như thế cũng đã giàu có về mặt tâm hồn. Đó là điều may mắn của một vùng đất, mà dẫu có bạc vàng cũng không thể mua bán được:

Một củ khoai phải luộc đến năm nồi
Chuyện như chẳng thể nào tin được
Nhưng đến Vĩnh Linh vốc lên ừng nắm đất
Hiểu thêm sự tích lạ lùng hơn

Chính sự nếm trải, sự đồng cảm đã khiến nhà thơ kết thúc bài thơ như một phát hiện sâu sắc, một kinh nghiệm sống quý báu. Luỹ thép Vĩnh Linh từng là niềm tự hào một thời không chỉ riêng của Quảng Trị, mà còn của cả nước.

Phạm Dũng