Hương vị quê nhà: Đậm đà ốc biển

Bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 8 hàng năm, khi nước ở rạn đá vùng biển thôn Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh, Quảng Trị) trở nên xanh trong hơn, cũng là lúc nhiều ngư dân trong thôn bắt đầu vào mùa lặn ốc biển. Những ai có dịp đến thôn Vịnh Mốc vào mùa này sẽ được người dân nơi đây hào phóng đãi khách món ốc thơm nồng hương vị biển khơi.

oc-qtri-9-12

Hơn 6 giờ sáng một ngày cuối tuần, ngư dân Nguyễn Phơi (thôn Vịnh Mốc) cùng tôi có mặt tại bãi biển. Với đồ nghề đơn giản gồm kính lặn, thanh sắt ngắn, túi lưới nhỏ, tôi cùng anh Phơi chờ thủy triều xuống thấp. Khi thủy triều xuống, anh Phơi bảo tôi ngồi trên bờ còn anh nhanh chóng bơi ra rạn đá để lặn ốc.

oc-qtri4-9-12

Theo anh Phơi, muốn bắt được ốc to và ngon thì phải chọn những rạn đá sâu khoảng 2m để lặn. Với ốc nón (loại ốc to hơn nắm tay), khi lặn xuống rạn đá, anh Phơi phải dùng thanh sắt để bẫy ốc từ khe đá ra. Còn các loại ốc khác như ốc bàn tay, ốc đá, ốc gai, ốc đắng, sò lông… thì chỉ cần lặn xuống lần tìm ở rạn đá sau đó nhặt cho vào túi lưới. Sau mấy tiếng đồng hồ lặn ngụp, anh Phơi mang túi lưới đựng ốc đã đầy lên bờ và cùng tôi về nhà anh.

oc-qtri3-9-12

Nhận túi lưới đựng ốc từ tay chồng, chị Thi (vợ anh Phơi) cho vào chậu nước ngọt để rửa sạch sau đó chị nhặt riêng ốc đá, ốc gai, ốc bàn tay. Số ốc còn lại, chị Thi cho vào nồi đã được lót một lớp lá sả, chanh rồi cho nước vào luộc. Chị Thi cho biết, để giữ được vị ngọt, giòn của ốc biển thì khi luộc phải cho ít nước và cho thêm chút muối. Khi nước đã sôi thì nhanh tay đảo đều ốc rồi chờ thêm khoảng 3 phút là nhấc nồi xuống cho ốc ra rổ. Ốc luộc thường ăn kèm với nước mắm gừng.

oc-qtri2-9-12

Với số ốc nhặt riêng, chị Thi làm món ốc nướng. Để làm món ốc nướng, chị Thi phải dùng dao đập một lổ vừa trên lưng con ốc, sau đó chị cho gia vị gồm hạt tiêu xanh, lá sả, hành, chanh băm nhỏ vào ruột ốc qua lổ vừa đập. Còn anh Phơi đều tay quạt bếp than hồng. Ốc được chị Thi cho lên bếp chỉ một lúc sau đã tỏa mùi thơm nồng của ruột ốc xen lẫn với mùi thơm của gia vị. Ăn món ốc nướng, người ăn không thể quên được vị ngọt, giòn của thịt ốc cùng với vị mặn, cay nồng của muối tiêu hòa nước cốt chanh cho thêm vài lát ớt của chén nước chấm.

oc-qtri1-9-12

Ngoài món ốc luộc, ốc nướng, chị em phụ nữ thôn Vịnh Mốc còn chế biến thêm nhiều món ăn hấp dẫn khác từ ốc biển như món gỏi ốc rau sống, ốc tái chanh, ốc hấp sả, ốc nướng mọi hoặc nướng mỡ hành…

Chỉ cần thưởng thức một lần là khó mà quên được khi có dịp đến thôn Vịnh Mốc.

SẮN VĨNH HOÀNG

Gặp một bà cụ đang phơi sắn, tôi hỏi:

– Sắn Vĩnh Hoàng cụ to không mệ?

Bà cụ móm mém đang nhai trầu nhoẻn miệng cười, lùa hết cả đường nhăn trên mặt về hai khóe mắt:

– Cũng khá eng ạ. Eng coi, có một cái tút sắn lọi mà tui xắt phơi được chừng ni đây nì! – Bà cụ vừa nói vừa tay chỉ cả một cươi sắn.

– Mệ nói thiệt hay đùa rứa? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

– Bảy tám mươi tuổi như tui, ai lại đi đùa với eng. Hôm qua, trời nắng to, ông nhà tui đi cày về, ông ra bới ít sắn vô tui xắt. Uống xong một đọi nước chè đứng đụa, ông vác cuốc và gióng gánh đi.

Ở nhà tui nấu cơm xong, đợi mãi không thấy ông đem sắn về để xắt. Tui nói thằng út ra gọi bọ về. Đến vạt sắn, nó thấy một bụi sắn đang bới nửa chừng nhưng không thấy bọ đâu, liền gọi “Bọ ơi, bọ ơi, về ăn cơm!”. Không nghe tiếng trả lời. Nhìn kỹ, nó thấy một đường hào mới đào từ gốc sắn đi ra và dưới hào có một củ sắn. Nó liền chạy theo đường hào toát cả mồ hôi. Đến nơi, thấy bọ đang hì hục đào cái tút sắn bị lọi. Té ra, củ sắn mò được cái giao thông hào thời chống Pháp bị lấp, thế là đi miết qua tận bên đất Quảng Bình. Hai cha con vất vả lắm mới đào cái tút lên. Riêng cái tút đó mà tiu xắt được bảy nôống đại.

Ghi chép trong “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” của Võ Xuân Trang.

THỦY LỢI VÀ CÂY TRỒNG PHÁT TRIỂN CHƯA ĐỒNG BỘ

Giống đậu lạc trước đây nhiều lắm. Nhưng một lần có một chị đưa lạc ra cống thủy nông để rửa. (Cái cống rộng lắm đường kín đến sãi tay chứa chả chơi) Rửa xong chị khoan thai đem lạc về để kịp luộc đãi khách.

Ngay tối hôm đó nước ở đâu tràn về, cả làng bị ngập lụt nặng. Tất cả lúa ướt sạch, lạc nổi lềnh bềnh… Mấy tay thanh niên vội nhảy lên trên từng củ lạc ngồi chèo đi cứu dân.


Ngay hôm sau, dân Vĩnh Hoàng phát đơn kiện là mấy anh cán bộ thủy nông làm an bừa bãi, tháo nước không đúng lúc, mương máng không khơi thông… tạo ra hiện tượng úng lụt thất thường, gây thiệt hại mùa màng tài sản nhà nông. Người ta liền thành lập một đoàn đi điều tra tìm ra nguyên nhân của sự việc. Khi đến chổ cái cống chị nông dân rửa lạc hôm nọ, thì thấy nước ở đó không chảy thoát đi đâu được mf cứ ngày một dâng cao. Họ cho người lặn xuống xem thử thì ra có một củ lạc bị sơ sẩy trong lúc rửa, chui vào làm tác nghẽn cả đường cống gây úng lụt nặng. Từ đó người ta phải bỏ giống lạc ấy đi vì thủy lợi và cây trồng phát triển chưa đồng bộ.

HỮU ĐẠT [Blogger]