Lưu trữ cho từ khóa: kinh te

Cây môn Vĩnh Linh – Quảng Trị

Cây môn trồng trên đất huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho củ ăn ngon chi lạ, vì rứa mới sinh ra chuyện trạng Vĩnh Hoàng “ăn môn sáp ” được chớ….

cay-mon-vinh-linh

Môn Vĩnh Linh được trồng thâm canh cho năng suất cao

Ngon nổi tiếng Chị Hoàng Dạ Hương, cán bộ Văn hóa xã Vĩnh Tú tự hào như vậy khi tiếp thị về cây môn, một sản vật nổi tiếng ở đất Vĩnh Linh để rồi khi nghe chị nói xong ai cũng muốn mua môn củ nấu ăn. Mà đã ăn môn Vĩnh Linh rồi thì dù ở đâu xa cũng tìm môn vùng đất này mà mua.

Là người có khiếu kể chuyện nên khi dẫn tôi thăm ruộng môn chị Hương nói cây môn với nhiều giống như sáp, nịch, trắng trồng ở đất Vĩnh Linh củ vừa to, vừa dẻo, ăn rất ngon. Độ dẻo và bột của môn thì khỏi phải nói.

Chuyện “ăn môn sáp” trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng (vùng đất thuộc các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Nam, Vĩnh Tú và Vĩnh Thái bây giờ của huyện Vĩnh Linh) kể rằng ngày trước có lần một vị khách đến nhà người dân Vĩnh Tú chơi và được mời ăn môn củ. Vừa ăn vừa nói chuyện vì môn quá ngon, bỗng dưng chủ nhà hỏi khách “hàng tiền đạo” (mấy chiếc răng cửa) của anh mất đâu rồi? Giật mình, vị khách đưa củ môn lên xem thì ra do môn quá dẻo nên khi cắn môn ăn mấy chiếc răng cửa của vị khách mắc theo, những chiếc răng trắng in rõ trên màu vàng của môn sáp. Chủ nhà hối hả chở khách đến bác sĩ nha khoa trồng lại răng. Bác sĩ mang sổ khám bệnh ra hỏi liền có phải anh ở Vĩnh Tú không? Trong danh sách những người trồng răng ở đây, dân Vĩnh Tú chiếm nhiều nhất, do ăn phải củ môn sáp vàng ở đó…

Câu chuyện trạng muốn nói lên rằng không có nơi nào có giống môn ngon và chất lượng như môn Vĩnh Linh. Ngày nay, những người bán hàng lưu niệm ở di tích địa đạo Vịnh Mốc thường đem môn đến bán và kể lại chuyện trạng ấy cho du khách nghe, nhiều đoàn rất thích thú, vì thế họ mua sản vật này một thành hai, củ môn ở Vĩnh Linh càng có tiếng đi xa.

Về Vĩnh Linh lần này tôi được chị Hương đãi một bữa môn sáp vàng, đây là những bụi môn được chị trồng sớm nhất để ăn dần trong năm, chứ không phải đợi chính mùa là tháng ba, tháng tư sang năm mới thu hoạch. Bụi môn được đào lên cho củ gần 1 kg. Chị Hương chiêu đãi món đầu tiên là môn sáp nấu chín ăn với đường cát. Tùy theo khẩu vị của mỗi người mà chấm đường ngọt, nhạt khác nhau.

Cầm miếng môn lên lột sạch vỏ, cắn ngập răng vào mà nhai nhè nhẹ, cảm giác vừa béo, vừa bùi, vừa thơm khiến không ai khỏi muốn cắn ngay miếng thứ hai, thứ ba rồi mà trong lòng luôn muốn ăn thêm. Bởi độ bùi, độ dẻo của môn sáp Vĩnh Linh không chỉ ăn đứt các loại môn khác mà còn bỏ xa nhiều loại trong các giống cây cho củ.

Chị Hương quả quyết với môn sáp ngon nhất vẫn là nấu chè. Khi nấu môn chín, bóc vỏ, thái lát mỏng cho vào nồi, thêm một nắm gạo nếp, nếp chín dùng đũa bếp khuấy đều cho nhuyễn rồi đổ đường vào tùy theo khẩu vị ưa ngọt nhiều hay ít. Sau đó giã nhỏ củ gừng tươi, vắt lấy nước cho vào khuấy đều đến khi nồi chè môn sôi sền sệt một lần nữa là chè đã chín, bắc xuống. Khi ấy múc vào chén ăn cơm hoặc ly, ai ưa dùng nóng cứ dùng, ai ưa nguội thì cứ việc, ăn còn dư cho vào tủ lạnh ăn dần

Chị Hương mời cứ ăn một lần rồi nhớ tới vị ngọt, bùi, dẻo, thơm đặc trưng của môn sáp, vị cay nhè nhẹ của gừng non, tất cả tạo thành một món chè hảo hạng nhưng dân dã, anh muốn ăn nữa thì cứ về Vĩnh Linh.

Theo ông Nguyễn Văn Bài, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị, trước đây người dân ở Vĩnh Linh chưa xem môn là cây kinh tế chính, họ chỉ quen trồng cây lúa, cao su, hồ tiêu.Dù giống môn có ở đây từ lâu lắm, cho củ ngon thơm, dẻo và bùi, nhưng người dân ai siêng chỉ trồng mỗi nhà chừng vài chục bụi để ăn và biếu người quen làm quà miệt vườn.Nhưng kể từ năm trước khi bão tố dồn dập nhiều lần, không ít diện tích cây cao su gãy đổ để lại đất trống, nông dân Vĩnh Linh vốn có tầm nhìn và làm ăn linh động nên liền chọn cây môn thay thế vào để có được đồng tiền sớm nhất khi cao su đang trên đà bình phục. Do đó cây môn được đà đi lên trở thành cây trồng ngắn ngày, lợi thế nhất ở vùng này và đang được thị trường ưa chuộng.

Cây ngắn ngày kinh tế nhất

Từ lâu, môn là loại cây trồng ngắn ngày rất phù hợp với đất đai thổ nhưỡng của huyện Vĩnh Linh. Ông Nguyễn Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạch cho biết hiện tại cây môn là một trong những cây trồng chủ lực của xã, cho thu hồi vốn nhanh, tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Vụ này, Vĩnh Thạch trồng hơn 100 ha môn. Trồng môn vừa cho lấy thân cây bán tươi, làm dưa, khi cây già lấy củ làm thức ăn. Trồng môn rất dễ, bên cạnh những diện tích đất lấy môn làm cây trồng chính, thì môn còn được trồng xen canh trong những lô cây cao su chưa khép tán hay trong quanh vườn nhà, các thửa đất nho nhỏ gần bờ ao, bờ ruộng.

Ngoài ra, môn không chỉ trồng đất đỏ mà còn trồng bên những thửa ruộng cát đang bỏ trống hay được trồng khoai lang rải rác, những vùng môn xanh ngút trên những khoảnh đất cao, đất thấp khiến cảnh quan làng xóm được sinh động, tươi tắn hơn. “Trồng môn tuy cực nhọc nhưng nhìn cây môn lên xanh tốt và cho thu nhập khá là bà con mình thấy sướng mắt lắm”, ông Sinh nói.

Cây môn chính vụ được người dân Vĩnh Linh bắt đầu trồng vào thời điểm tháng 7, tháng 8 hàng năm với những giống chủ yếu như môn sáp, môn nịch, môn trắng. Trồng môn đòi hỏi đất tơi xốp nên cần nhiều lần làm đất và lên luống thật cao.

Hiện nay môn đang được giá, thương lái nhiều khi phải đến tận nhà, tận nơi trồng để thu mua môn. Thông thường thì ra năm mới và đến tháng 2, tháng 3 mới thu hoạch môn, nhưng những ngày này thương lái đã đến gửi tiền trước cho những gia đình có diện tích môn nhiều. Giá môn củ hiện tại như môn sáp và môn nịch từ 20.000 – 25.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Hà, thôn An Đông, xã Vĩnh Thạch cho biết mùa rồi nhà bà trồng 1 sào giống môn nịch thu hoạch hơn 3 tạ môn củ, có củ nặng đến gần 1 kg, 5 sào môn cho thu hoạch đến gần 2 tấn. Khi bán mỗi kg có giá 20.000 đồng nên gia đình bà đã thu được khoản tiền không nhỏ. Về chi phí đầu tư trồng môn, chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Vĩnh Tân cho biết 1 sào môn nịch cần bón khoảng 1 tấn phân xanh, khoảng 20 kg lân, 20 kg đạm và kali. Ngoài ra, chi phí mua 500 mặt môn giống có giá 100 đồng/mặt.

Trong việc trồng môn khâu đầu tư quan trọng nhất là giống môn. Nhà nào giữ được giống môn là nhà đó thắng lợi trong SX. So với cây lúa, cây lạc, những cây ngắn ngày khác thì trồng môn lợi gấp nhiều lần. Cũng nhờ cây môn góp vô mà nhiều người ở đây vừa có thêm tiền nuôi con học đại học vừa sắm xe máy, nhà nào cũng hai, ba chiếc để chở môn xuống chợ. Chị Nguyễn Thị Hằng, một thương lái chuyên mua môn để nhập cho các thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cho biết giá môn phụ thuộc phần lớn vào thị trường, có năm được mùa thì giá môn hạ, năm nay mất mùa thì giá lại cao. Môn củ được trồng tại Vĩnh Linh rất được ưa chuộng tại các thị trường ngoài Bắc, trong Nam bởi chất lượng môn rất ngon và giá trị dinh dưỡng cao.

Nhiều người còn mua môn vùng này trộn lẫn môn các nơi khác rồi lấy thương hiệu môn Vĩnh Linh bán cho được giá hơn bình thường. Theo các tài liệu dinh dưỡng thì không kể tác dụng chữa được một số bệnh từ các bộ phận của cây môn khi dùng riêng hoặc nấu với các loại cây dược liệu khác, chỉ nói về dinh dưỡng khoai môn có giá trị cao hơn khoai tây gấp 1,5 lần, tinh bột mịn hơn các loại khoai, ngũ cốc khác, khi nấu chín sẽ là thực phẩm giàu năng lượng nhờ có đủ chất đạm, béo, các loại vitamin và chất xơ, dễ tiêu hóa nhờ enzym tiêu hóa amylose chiếm tới 14 – 19%. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Linh nói rằng nhiều hộ dân ở huyện này đổi đời nhờ trồng môn. Môn đã trở thành mô hình cây trồng chính có giá trị kinh tế cao trong tái cơ cấu SXNN của huyện. Môn là cây trồng ngắn ngày, vừa trồng thâm canh, xen canh, thu nhập từ trồng môn hơn 200 triệu đồng/ ha. Toàn huyện Vĩnh Linh hiện có gần 500 ha môn.

Hiện tại môn Vĩnh Linh chưa xuất khẩu, mới tiêu thụ thị trường trong nước nhưng cũng khá ổn định. Huyện xem môn là một thế mạnh trong những cây trồng ngắn ngày của địa phương.

Nguồn Báo Nông Nghiệp