Lưu trữ cho từ khóa: lang trang

Cặp vợ chồng “siêu trạng”

Cùng là con dân làng Vĩnh Hoàng (nay thuộc xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), hai cụ Trần Đức Trí (77 tuổi) và Trần Thị Liễu (75 tuổi) đã yêu và lấy nhau nhờ “bà nguyệt” là những câu chuyện trạng. Sau mấy chục năm chung sống, họ là cặp đôi duy nhất ở làng này vẫn thường ngồi đối đáp thi thố nói trạng.

vo-chong-sieu-trang

Dù tuổi cao nhưng tình yêu của hai cụ Trí và Liễu dành cho chuyện trạng vẫn vẹn nguyên như ngày đầu – Ảnh: Nguyễn Phúc

Ngôi nhà của hai vợ chồng già được xây 2 tầng khá khang trang, cao hơn hẳn những ngôi nhà ở làng nghèo này. Ấy vậy mà nghe tôi khen nhà lớn, cụ Trí cau mày: “Chú đừng nói rứa mà ôốc dôộc (ngại), nhà ri ở làng tui mới chỉ được gọi là… lều” (!).

Đi “ve” bằng chuyện trạng

Dù tuổi già nhưng cụ Trí, cụ Liễu còn minh mẫn lắm, có vẻ như việc mang tiếng cười đến cho mọi người làm cho họ trẻ lâu hơn. Cụ Trí nói giọng bông lơn: “Mối lương duyên của vợ chồng tui lạ lắm. Người ta yêu nhau thì chân thật với nhau còn chúng tôi đi “ve” (tán tỉnh) nhau thì toàn… bốc phét”.

Cụ Trí kể, hồi đó cụ là công nhân xí nghiệp cưa xẻ gỗ, thường cùng mọi người đi lao động, khi giải lao cụ hay ngồi giữa một vòng tròn người để kể chuyện trạng cho vui. Dần dà, ai cũng biết cụ có tài ăn nói, trong đó có cô Liễu, cũng là một “hạt giống” trong phong trào văn nghệ địa phương.

“Hồi nớ Phòng Văn hóa huyện đi tìm người kể chuyện trạng như đi tìm diễn viên. Lần đầu tiên tui lên sân khấu chính thức bên bàu Thủy Ứ, tui mần liều kể chuyện Đào địa đạo xuyên lục địa mần người ngợm cười bò lê bò càng”, cụ Trí nói. Chuyện rằng khu đội Vĩnh Linh yêu cầu các xã đào địa đạo, sau này khi có kết quả, các xã tranh nhau báo cáo những con số kỷ lục về chiều dài, chiều sâu địa đạo, riêng anh Vĩnh Hoàng không nghe nói năng gì nên ông cán bộ huyện hỏi: “Chả nhẽ các anh không đào được mét nào à?”. Anh Vĩnh Hoàng lắc đầu có vẻ buông xuôi: “Đào thì có đào nhưng không thể đo được”. Ông cán bộ huyện lại quát: “Xã đồng chí không có ai học hành để làm phép tính cộng à?”. Đến đoạn này, anh Vĩnh Hoàng mới phân bua: “Mô, không phải rứa, chúng tôi đào quyết liệt lắm, đào mãi thì gặp một toán người.

Nhìn kỹ chúng tôi mừng rỡ reo lên, hai bên ôm chầm nhau: Chúng ta gặp bạn Cuba rồi, gặp con cháu Phi Đen rồi. Rứa là địa đạo tui đào xuyên lục địa, lấy thước tấc mô đo cho xuể…”. (Thực tế, lúc xã Vĩnh Hoàng đang đào địa đạo thì có đoàn đại biểu Cuba sang, chui xuống địa đạo thăm, tìm hiểu. Vịn vào đó, ông Trí mới trạng ra câu chuyện như trên).

Cũng dịp này, cụ Liễu cũng trổ tài với câu chuyện Ăn khoai phải đeo kính. Trước đó, để nói về độ bở của khoai quê mình, người Vĩnh Hoàng đã từng khoe rằng: “Mỗi lần ăn khoai phải ôm cột nhà để nót xuống, không thì mắc nghẹn”. Nhưng chuyện của cụ Liễu còn vô đối hơn. Chuyện rằng, có lão nông Vĩnh Hoàng đứng ngoài đồng ăn khoai, bị mắc nghẹn rồi… mù mắt. Vợ ông hoảng quá đưa liền lên bệnh viện. Đến nơi bác sĩ hỏi: “Rứa bác có lăn tàu bổ xe chi không? Có bị đùi lẻ chi đâm vô mắt không?”, lão nông đều lắc đầu. Bí quá, bác sĩ chuyển lão qua khoa mắt, tại đây người ta khêu ra trong mắt lão một đống bột. Số bột này sau khi xét nghiệm được xác định là… bột khoai lang. Mọi người mới ớ ra là vì khoai Vĩnh Hoàng bở quá nên khi ăn, ngoài bị nghẹn, còn có thể bị bụi bay vô mắt. Từ đó về sau, người Vĩnh Hoàng ăn khoai đều phải đeo kính.

Với tài nói trạng, người tám lạng, kẻ nửa cân, cụ Trí với cụ Liễu đến với nhau như một lẽ tự nhiên. Có người làng còn tếu táo: “Hai cụ nói phét như thế, ai dám tin nên chỉ có hai cụ mới dám lấy nhau”.

Tình yêu và giấc mơ chiếu trạng

Cho đến tận bây giờ, cụ Trí vẫn được coi là người có giọng kể biểu cảm và độc đáo nhất làng Vĩnh Hoàng. Trong khoảng mấy chục năm qua, cụ đã được rước đi nhiều nơi, được trọng vọng chỉ để làm mỗi một cái việc duy nhất là… nói trạng. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên chuyện có hôm cụ được mời vào Đông Hà để bốc phét, nhưng đến muộn. Khi lên sân khấu, cụ mới phân bua: “Sáng ni chưa ăn sáng mà vô nên khi qua đôộng dưa tui hái một quả lót dạ. Nào ngờ có con quạ mô từ trời bay xuống, cắp trái dưa rồi cắp tui đi luôn. Đoạn hắn bay qua Đông Hà, tui chộ bà con miềng dưới ni chờ tui rồi mà giãy giụa mãi không xuống được. Khi con quạ thả tui xuống thì đã tới Triệu Phong nên tui phải chạy bộ từ trong nớ ra đây cho kịp”.

Dù có kinh nghiệm đầy mình, nhưng cụ Trí thừa nhận, có lúc cụ cũng gặp sự cố. Ấy là hôm vào Thừa Thiên nói trạng, cụ nói bở hơi tai mà người ta không cười, bởi lẽ người ta không nghe được giọng Vĩnh Hoàng.

Còn cụ Liễu, tất nhiên, cũng không phải… dạng vừa. Đều đặn 2, 3 năm, địa phương tổ chức chương trình Xuân nói chuyện trạng cụ đều tham gia và giật giải cao. Dù không có chất giọng hay bằng chồng nhưng đổi lại cụ lại có trí nhớ tốt và thói quen ghi chép. Đang làm việc mà nghĩ ra một tứ chuyện hay, cụ đều ghi vào sổ tay, đặng về sau sẽ hữu dụng. “Càng về già, vợ chồng tui càng ước mong làm sao ngành văn hóa và chính quyền phục dựng được các chiếu trạng Vĩnh Hoàng. Đó là cách tổ chức cho cả chục người ngồi trong một chiếu, thi nhau kể chuyện trạng thâu đêm suốt sáng…”, cụ Liễu lắng lòng.

Nguồn Báo Thanh Niên

Người kể chuyện trạng bằng cọ

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng từ trước đến nay đều được kể bằng… mồm, ấy vậy mà lại có một cụ ông chất phác dùng… cọ để dẫn chuyện, thi thố.

trang-vinh-hoang-chuyen-co

Sau nhiều năm múa cọ, cụ Chư đã có ngót nghét 300 bức tranh kể chuyện trạng
Vĩnh Hoàng rất đáng quý – Ảnh: Nguyễn Phúc

Cụ ông mà tôi nhắc đến có tên Trần Hữu Chư (76 tuổi, trú làng Huỳnh Công Tây 2, xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Hiện trong giới “trạng sư” ở làng trạng Vĩnh Hoàng, nếu cụ Trần Đức Trí được xem là người có giọng kể biểu cảm, xuất thần nhất thì cụ Chư chính là người có công to nhất làng này khi đã sưu tầm, ghi chép lại những câu chuyện trạng từ cổ chí kim. Chưa hết, vì quá mê trạng mà cụ còn biến mình thành… họa sĩ.

Vực dậy khí phách Vĩnh Hoàng

Cụ Chư có dung mạo khá giống một ông tiên từ trong tưởng tượng của tôi ngày bé, với mái tóc bạc trắng, đôi chân mày cũng lốm đốm bạc.

Cụ Chư bảo, tuổi thơ khốn khó, cụ lớn lên với những câu chuyện trạng mẹ kể hằng đêm. Lúc bé tí, cụ đã thuộc như cháo chảy mấy câu chuyện trạng “đời cũ” như: Bắt bọp quạ, Cây ớt gia truyền, Đi săn trâu ri… Với cụ, chuyện trạng là máu thịt.

Cụ Chư tham gia cách mạng từ rất sớm, và những ngày chiến tranh ác liệt cụ đã đi qua nhiều chốn rừng rú của Quảng Trị như Bến Quan, Cù Bai, Hướng Lập. Đến đâu, cụ cũng mang những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng “phổ biến” cho đồng đội, bà con nhân dân ở đó. Khi đất nước hòa bình, cụ Chư có thời làm ở công ty thực phẩm, trước khi nghỉ hưu, trở về nhà. Nhưng cụ không nghỉ hẳn mà nhận nhiệm vụ mới là Chủ nhiệm hợp tác xã Huỳnh Công Tây. “Ngày đó tinh thần lao động bà con đi xuống lắm, phần nhiều do cán bộ đời trước làm sai nhiều… Sau nhiều đêm ngửa mặt lên trời, tôi ngộ ra rằng chỉ có chuyện trạng Vĩnh Hoàng, thứ “vũ khí” của cha ông để lại mới đủ sức mạnh vực dậy khí phách trong nhân dân”, cụ Chư tâm sự.

Thêm nữa, cụ cũng trăn trở rằng chuyện trạng Vĩnh Hoàng thế giới đã từng biết nhưng đang dần mai một, thất lạc hết. Cuối cùng, cụ đã tìm ra một cách thể nghiệm mới cho chuyện trạng, ấy là sử dụng hội họa, để mọi người có thể chiêm nghiệm chuyện trạng bằng… mắt.

Tô màu… cho chuyện trạng

Vốn thật thà, cụ Chư thú thật mình chưa bao giờ được đi học vẽ một cách đàng hoàng, chỉ may mắn vì có chút hoa tay trời ban.

Bức tranh đầu tiên của cụ được vẽ vào năm 1997 “kể” về câu chuyện Cây ớt gia truyền, cụ treo ở trong nhà và được khen là có hồn phách. Hứng chí, cụ vẽ, hết ngày này qua ngày khác, quên cả giờ cơm, quên cả những lời cằn nhằn của vợ.
Không có tiền, muốn có giấy cụ Chư đã lột mặt sau của những tờ lịch cũ để vẽ tranh lên đó, muốn có màu, cụ chỉ dám mua những hộp màu rẻ tiền và tằn tiện đến mức không bao giờ để màu rơi xuống đất trong lúc vẽ. Ấy thế mà đã có trên dưới 300 bức tranh về đề tài chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã lần lượt ra đời. “Cái khó nhất là phải tưởng tượng chú ạ. Chuyện thì dài mà tui gói gọn chỉ trong 1 bức tranh thì phải chọn lựa chi tiết sao cho đắt để người ta nhìn vào sẽ nhận ra ngay đó là tranh về câu chuyện trạng đó”, cụ Chư nói.

Nói đoạn, cụ cầm bức tranh Bắt cọp đi cày rồi vừa kể chuyện: “Dân tui có nói trạng mô, này nhé, bữa nớ nhà còn mấy đám ruộng nên trời chưa sáng, tui đã xéc bù nác (bình đựng nước) lùa bò đi một mạch ra tận rú Ông Đồn. Thấy trời chưa sáng, tui cho bò ăn một chặp (một lúc). Sau đó, tui mới bắt bò đi cày, sờ từng con thấy con mô con nấy cũng láng (béo) cả, không biết con nào là con Ô, con nào là con Dề.

Tui mới bắt hai con vô cày. Mới đầu hắn đi rất mau, tui vừa đi vừa chạy mới kịp theo hắn. Chỉ mới loáng cái mà tui đã cày xong một vạt ruộng. Qua vạt thứ hai, tui mới cày được mấy đàng (đường) tự nhiên hắn dừng lại không chịu đi nữa. Tức máu quá, tui mới quất cho mấy roi, hắn lồng lên rồi hắn xây cái mặt lại với tui, chằm vằm ra như cái mâm. Trời đã sáng tỏ, rõ ràng đây là cọp đực chứ có phải là Ô Dề mô! Sẵn cái rựa, tui chặt một nhát làm cái niệt cày đứt làm đôi, tháo cho cọp chạy. Rứa là hắn đã làm tui lỡ mất một bữa cày!”.

Có một “kho” tranh Vĩnh Hoàng đồ sộ nhưng từ trước đến nay, cụ Chư chỉ cho nếu ai thích chứ không bán kiếm tiền. Có nhiều đoàn khách tham quan làng trạng thấy cụ lặng lẽ vẽ tranh cũng muốn mua tranh hay ủng hộ ít tiền để có chút lận lưng, đặng làm tiếp công việc ý nghĩa của mình nhưng cụ đều lắc đầu. “Ai mà thích quá thì tôi tặng, tôi biếu chứ tiền bạc mần chi. Việc tôi đang làm đây là gìn giữ hồn phách cho làng tui, cho con cháu đời sau, nếu đụng đến tiền bạc thì hư hao đôi phần ý nghĩa. Hơn nữa mục tiêu tối thượng của tui cũng là làm sao để chuyện trạng bay xa. Họ cầm tranh của tui tức là họ giúp tui rồi…”, cụ Chư trải lòng.

Nguyễn Phúc Báo Thanh Niên