Lưu trữ cho từ khóa: vo chong noi trang

Cặp vợ chồng “siêu trạng”

Cùng là con dân làng Vĩnh Hoàng (nay thuộc xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), hai cụ Trần Đức Trí (77 tuổi) và Trần Thị Liễu (75 tuổi) đã yêu và lấy nhau nhờ “bà nguyệt” là những câu chuyện trạng. Sau mấy chục năm chung sống, họ là cặp đôi duy nhất ở làng này vẫn thường ngồi đối đáp thi thố nói trạng.

vo-chong-sieu-trang

Dù tuổi cao nhưng tình yêu của hai cụ Trí và Liễu dành cho chuyện trạng vẫn vẹn nguyên như ngày đầu – Ảnh: Nguyễn Phúc

Ngôi nhà của hai vợ chồng già được xây 2 tầng khá khang trang, cao hơn hẳn những ngôi nhà ở làng nghèo này. Ấy vậy mà nghe tôi khen nhà lớn, cụ Trí cau mày: “Chú đừng nói rứa mà ôốc dôộc (ngại), nhà ri ở làng tui mới chỉ được gọi là… lều” (!).

Đi “ve” bằng chuyện trạng

Dù tuổi già nhưng cụ Trí, cụ Liễu còn minh mẫn lắm, có vẻ như việc mang tiếng cười đến cho mọi người làm cho họ trẻ lâu hơn. Cụ Trí nói giọng bông lơn: “Mối lương duyên của vợ chồng tui lạ lắm. Người ta yêu nhau thì chân thật với nhau còn chúng tôi đi “ve” (tán tỉnh) nhau thì toàn… bốc phét”.

Cụ Trí kể, hồi đó cụ là công nhân xí nghiệp cưa xẻ gỗ, thường cùng mọi người đi lao động, khi giải lao cụ hay ngồi giữa một vòng tròn người để kể chuyện trạng cho vui. Dần dà, ai cũng biết cụ có tài ăn nói, trong đó có cô Liễu, cũng là một “hạt giống” trong phong trào văn nghệ địa phương.

“Hồi nớ Phòng Văn hóa huyện đi tìm người kể chuyện trạng như đi tìm diễn viên. Lần đầu tiên tui lên sân khấu chính thức bên bàu Thủy Ứ, tui mần liều kể chuyện Đào địa đạo xuyên lục địa mần người ngợm cười bò lê bò càng”, cụ Trí nói. Chuyện rằng khu đội Vĩnh Linh yêu cầu các xã đào địa đạo, sau này khi có kết quả, các xã tranh nhau báo cáo những con số kỷ lục về chiều dài, chiều sâu địa đạo, riêng anh Vĩnh Hoàng không nghe nói năng gì nên ông cán bộ huyện hỏi: “Chả nhẽ các anh không đào được mét nào à?”. Anh Vĩnh Hoàng lắc đầu có vẻ buông xuôi: “Đào thì có đào nhưng không thể đo được”. Ông cán bộ huyện lại quát: “Xã đồng chí không có ai học hành để làm phép tính cộng à?”. Đến đoạn này, anh Vĩnh Hoàng mới phân bua: “Mô, không phải rứa, chúng tôi đào quyết liệt lắm, đào mãi thì gặp một toán người.

Nhìn kỹ chúng tôi mừng rỡ reo lên, hai bên ôm chầm nhau: Chúng ta gặp bạn Cuba rồi, gặp con cháu Phi Đen rồi. Rứa là địa đạo tui đào xuyên lục địa, lấy thước tấc mô đo cho xuể…”. (Thực tế, lúc xã Vĩnh Hoàng đang đào địa đạo thì có đoàn đại biểu Cuba sang, chui xuống địa đạo thăm, tìm hiểu. Vịn vào đó, ông Trí mới trạng ra câu chuyện như trên).

Cũng dịp này, cụ Liễu cũng trổ tài với câu chuyện Ăn khoai phải đeo kính. Trước đó, để nói về độ bở của khoai quê mình, người Vĩnh Hoàng đã từng khoe rằng: “Mỗi lần ăn khoai phải ôm cột nhà để nót xuống, không thì mắc nghẹn”. Nhưng chuyện của cụ Liễu còn vô đối hơn. Chuyện rằng, có lão nông Vĩnh Hoàng đứng ngoài đồng ăn khoai, bị mắc nghẹn rồi… mù mắt. Vợ ông hoảng quá đưa liền lên bệnh viện. Đến nơi bác sĩ hỏi: “Rứa bác có lăn tàu bổ xe chi không? Có bị đùi lẻ chi đâm vô mắt không?”, lão nông đều lắc đầu. Bí quá, bác sĩ chuyển lão qua khoa mắt, tại đây người ta khêu ra trong mắt lão một đống bột. Số bột này sau khi xét nghiệm được xác định là… bột khoai lang. Mọi người mới ớ ra là vì khoai Vĩnh Hoàng bở quá nên khi ăn, ngoài bị nghẹn, còn có thể bị bụi bay vô mắt. Từ đó về sau, người Vĩnh Hoàng ăn khoai đều phải đeo kính.

Với tài nói trạng, người tám lạng, kẻ nửa cân, cụ Trí với cụ Liễu đến với nhau như một lẽ tự nhiên. Có người làng còn tếu táo: “Hai cụ nói phét như thế, ai dám tin nên chỉ có hai cụ mới dám lấy nhau”.

Tình yêu và giấc mơ chiếu trạng

Cho đến tận bây giờ, cụ Trí vẫn được coi là người có giọng kể biểu cảm và độc đáo nhất làng Vĩnh Hoàng. Trong khoảng mấy chục năm qua, cụ đã được rước đi nhiều nơi, được trọng vọng chỉ để làm mỗi một cái việc duy nhất là… nói trạng. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên chuyện có hôm cụ được mời vào Đông Hà để bốc phét, nhưng đến muộn. Khi lên sân khấu, cụ mới phân bua: “Sáng ni chưa ăn sáng mà vô nên khi qua đôộng dưa tui hái một quả lót dạ. Nào ngờ có con quạ mô từ trời bay xuống, cắp trái dưa rồi cắp tui đi luôn. Đoạn hắn bay qua Đông Hà, tui chộ bà con miềng dưới ni chờ tui rồi mà giãy giụa mãi không xuống được. Khi con quạ thả tui xuống thì đã tới Triệu Phong nên tui phải chạy bộ từ trong nớ ra đây cho kịp”.

Dù có kinh nghiệm đầy mình, nhưng cụ Trí thừa nhận, có lúc cụ cũng gặp sự cố. Ấy là hôm vào Thừa Thiên nói trạng, cụ nói bở hơi tai mà người ta không cười, bởi lẽ người ta không nghe được giọng Vĩnh Hoàng.

Còn cụ Liễu, tất nhiên, cũng không phải… dạng vừa. Đều đặn 2, 3 năm, địa phương tổ chức chương trình Xuân nói chuyện trạng cụ đều tham gia và giật giải cao. Dù không có chất giọng hay bằng chồng nhưng đổi lại cụ lại có trí nhớ tốt và thói quen ghi chép. Đang làm việc mà nghĩ ra một tứ chuyện hay, cụ đều ghi vào sổ tay, đặng về sau sẽ hữu dụng. “Càng về già, vợ chồng tui càng ước mong làm sao ngành văn hóa và chính quyền phục dựng được các chiếu trạng Vĩnh Hoàng. Đó là cách tổ chức cho cả chục người ngồi trong một chiếu, thi nhau kể chuyện trạng thâu đêm suốt sáng…”, cụ Liễu lắng lòng.

Nguồn Báo Thanh Niên