Lưu trữ cho từ khóa: nguon goc trang vinh hoang

Chuyện Làng Trạng Vĩnh Hoàng

Đặc điểm của Trạng Vĩnh Hoàng (Tức Trạng Huỳnh Công)

Trạng Vĩnh Hoàng xuất xứ từ trong dân gian, là một nét văn hóa rất độc đáo. Nó mang đặc trưng tính cách riêng của người Huỳnh Công mà không một nơi nào có.

nguon-goc-trang-vinh-hoang-quang-tri

Chuyện bắt đầu từ một sự việc có thực rồi họ bắt đầu nhân cách hoá, cường diệu hoá, hư cấu thành một chuyện hiển nhiên như thực, rất tự nhiên và rất hài hước. Đặc biệt trong hoàn cảnh càng khó khăn, gian khổ và ác liệt thì chuyện Trạng lại càng nỡ rộ.

Trong cuộc sống, trong lao động sản xuất cho đến trong chiến đấu ác liệt, sự gian khổ, hy sinh không thể làm cho họ chùn bước.

Nói trạng là một món ăn tinh thần không thể thiếu đới với người Huỳnh Công. Với những tiếng cười đầy sảng khoái, càng làm cho họ có thêm nghị lực, chiến đấu bền bỉ, sống lạc quan và yêu đời.

Trạng Huỳnh Công đã có từ lâu đời, cách đây hơn 700 năm về trước, khi chưa có xã Vĩnh Hoàng. Xã Vĩnh Hoàng ra đời đầu năm 1950, vào thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cán bộ xã Vĩnh Hoàng thường được cử đi hội họp hoặc dự các lớp huấn luyện trên chiến khu Thuỷ Ba, Ba Lòng…Trong những giờ nghỉ giải lao, họ thường hay kể chuyện Trạng cho vui, lâu cũng thành quen, vì thế anh em các địa phương khác thường hay kéo đến bắt người Vĩnh Hoàng cứ kể hết chuyện này đến chuyện khác. Chuyện kể ngày càng hấp dẫn và lôi cuốn, đã trở thành thói quen, hễ gặp người Vĩnh Hoàng là bắt kể chuyện cho bằng được. Từ đó cái tên trạng Vĩnh Hoàng xuất hiện và trở nên thân thiết với mọi người. Trạng Vĩnh Hoàng đã trở thành một “thương hiệu”.

Sau này Tiến sỹ Võ Xuân Trang đã tìm hiểu và biên soạn thành sách để giới thiệu với mọi người.Trong chuyện trạng của Tiến sỹ Võ Xuân Trang, có một số mẩu chuyện cần được đính chính lại vì nó không mang đặc trưng tính cách của trạng Vĩnh Hoàng.

Đến nay, trạng Vĩnh Hoàng do người Huỳnh Công biên soạn theo tính cách đặc trưng của người Huỳnh Công nhưng vẫn được mang tên là trạng Vĩnh Hoàng vì nó đã trở thành như một “thương hiệu” rất gần gũi,  thân thiết với mọi người và đã trở thành dấu ấn đậm  nét trong ký ức không thể phai mờ .

 Mảnh đất quê hương chuyện Trạng

Tìm đến trạng Vĩnh Hoàng tức là phải tìm đến cội nguồn, nơi xuất xứ ra trạng Vĩnh Hoàng.

Vào thời sơ khai cách đây  trên 700 năm, các dòng họ các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình đến Thanh Hoá vào đây khai khẩn và lập nên làng Huỳnh Công. Trong đó Huỳnh Công Tây là nơi có nhiều điển tích làm căn cứ sản sinh ra chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Huỳnh Công Tây hồi đó có rất nhiều rừng rú, rú liền rú vào sát tận bìa làng, rất thích hợp cho các loài muông thú kéo nhau về đây trú ngụ và sinh sống. Cu, chim đủ loài, thú rừng như hươu, nai, trâu ri, bò tót, cọp beo vv…, nhiều vô kể. Cọp thường ăn lẫn lộn với bò để bắt mồi, cho nên có chuyện bắt nhầm  cọp để cày.

Cọp thường vào làng để bắt người. Nay còn có lòi rú gọi là “lòi mụ Sài”. cọp đã bắt bà ấy vào lòi này ăn thịt, cho nên người ta đặt tên cho lòi rú đó là “lòi mụ Sài”.

Hoặc rừng rú cò những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cu chim thường ăn và thải hạt ớt vào trên ngọn cây, cho nên có những cây ớt tự tạo, gốc có thể cưa được mấy cấp săng ấm và còn làm được mấy xác nhà Rường….

Huỳnh Công Tây nơi đây là vùng đất có 9 phần là đất cát, còn một phần là đất đỏ bazan. Thiên nhiên không được ưu đãi lắm. Hai mùa nắng gió khắc khổ.

Mùa hè ngọn gió Lào kéo về nắng rát đến nổ tre. Mùa đông ngọn gió Đông Bắc kéo theo mưa phùn lạnh tê tái. Ruộng lúa rất hiếm hoi.

Họ sống chỉ nhờ vào cây khoai, cây sắn, còn gạo thì rất khan hiếm, quý hơn vàng. Họ cho hạt gạo là “hòn ngọc nhà trời”.

Thiếu ruộng không đủ gạo ăn, họ tìm cách bù đắp bằng trồng dưa đỏ trên cát để tạo nên hàng hoá trao đổi. Họ làm dưa đỏ đã trở thành làng nghề. Dưa đỏ đã trở nên món hàng đặc biệt. Lái buôn đã về đây mua chở vào Nam, ra Bắc để tiêu thụ.

Có giống dưa đặc biệt là ngon, đã được đưa vào cống tiễn trong cung vua, để vua ngự lãm. Giống dưa đó được gọi là dưa ngự.

Quạ ở đây cũng nhiều vô kể. Dưa đỏ là món ăn mà quạ thích nhất, cho nên có chuyện một đàn quạ từ trong quả dưa chui ra, bắt bọp đến mỏi tay và chỉ có nơi đây mới có.

Nhờ có nghề làm dưa đỏ để trao đổi lấy lúa gạo, họ mới thêm bát cơm để bù đắp.

Từ trên mảnh đất mà tổ tiên đã tạo dựng nên, họ phải vật lộn, bươn chải, đào bới trong đất, để làm ra cây khoai, cây sắn nuôi sống họ trong những ngày ba, tháng tám, những lúc giáp hạt, những năm mất mùa, khoai sắn đã nuôi sống họ không bị chết đói, cho nên họ vẫn bám giữ mảnh đất này “một tấc không đi, một ly không rời”.

Cũng giống như những cây trâm bầu quê họ, khi rễ đã cắm sâu vào lòng đất thì nắng vẫn không khô, hạn vẫn không héo, bão táp mưa sa vẫn đứng vững giữa trời, làm thành vành đai chắn bảo vệ con người, giữ cho làng xóm được yên vui.

Mảnh đất quê hương chuyện Trạng

Tìm đến trạng Vĩnh Hoàng tức là phải tìm đến cội nguồn, nơi xuất xứ ra trạng Vĩnh Hoàng.

Ai về Vĩnh Tú nhớ ghé lại Huỳnh Công Tây Để thăm làng Trạng nơi đây một lần.

Làng Trạng xưa nay  đã được sự mến mộ của xa gần. Từ trong gian khó đã biết đấu tranh để sinh tồn. Từ chất trạng đã tiếp thêm cho họ nguồn sinh lực, trong nắng gió, trong gay gắt, họ đã nếm được hương vị ngọt ngào.

Quả dưa đỏ ăn vào đã cho ta vị ngọt mát thanh tao.

Ai qua đây chưa được nếm thử, coi như chưa có một lần vào.

Vừa ăn dưa đỏ vừa kể chuyện “bắt bọp” thế nào mà chẳng ngon.

Lại còn chuyện lội suối, trèo non, lên rừng bứt tranh, bứt nhầm đuôi cọp, tưởng như chuyện hoang đường, rứa mới hay.

Còn như chuyện bắt cọp để cày và bao chuyện khác nữa, kể dài dài vẫn hay.

chuyen-bat-cop-di-cay

Chuyện Trạng nảy sinh ra thời nào cũng có:

Thời sơ khai:

Cuộc sống của họ là phải đào bới, khai phá đất đai, phần phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, phần phải chống chọi với thú dữ. Họ vẫn thể hiện được khí phách và tính hài hước. Họ có chuyện Đi săn trâu ri, chuyện Bắt cọp để cày, chuyện Cây ớt gia truyền  vv…

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Họ đã rào làng chiến đấu.Chính những rặng giẻ, rặng trâm bầu đã trở nên thành luỹ, cản bước tiến của giặc, để cho du kích có điều kiện đặt bẫy, gài bom. Có ngày họ đã đánh 12 trận trên đường Cạp Lài và Khe Chuối . Ông Võ Vãng  – một xã đội trưởng gan dạ và mưu trí là người chỉ huy.

Những chiến công lẫy lừng của dân quân Vĩnh Hoàng đã làm cho giặc Pháp phải bạt vía kinh hồn. Tiếng tăm đánh giặc của Vĩnh Hoàng đã vang ra cả nước. Những người con ưu tú như Trần Thị May (tức Cam), Trần Thị Nghẹ đã được bầu chọn đi dự đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua năm 1952.

Xã Vĩnh Hoàng được nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng nhất và nhiều huân chương các loại khác.

Họ đánh đã giặc giỏi, họ lại nói trạng càng hay.

Họ có: Chuyện  Dưa đỏ mà biết đánh Tây.

Chuyện Vít cổ tàu bay.

Chuyện Quả bí bổ có hai cuống vv…

Thời kỳ chiến tranh chống giặc Mỹ:

Địa điểm Bia Công Tích là pháo đài đánh Mỹ. Bãi Cồn Hoi là trận địa liên hoàn, các loại pháo tầm thấp, tầm cao bổ vây giặc lái Mỹ, phối hợp với bộ đội chủ lực bắn tan xác nhiều con ma, thần sấm bắt sống giặc lái Mỹ.

Rú trâm bầu là nơi hậu cứ, chỗ cất dấu kho tàng vũ khí và lương thực.

Họ quyết bám đất giữ làng, vừa sản xuất,vừa chiến đấu.

Bom đạn giặc Mỹ trút xuống ngày đêm không ngớt. Máy bay phản lực Mỹ gầm rít, cũng không át nổi tiếng cười của họ.

Họ có chuyện Đào địa đạo xuyên lục địa.

Chuyện Đầu tét bom bi

Chuyện Thừa một đứa con v v…

Thời hoà bình:

Họ phải đổ nhiều mồ hôi, công sức và còn phải đổ máu, để hàn gắn vết thương chiến tranh, để xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Chiến tranh đã cướp đi của họ tất cả. Họ phải làm lại từ đầu, để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Họ lao vào công cuộc tái thiết, phải tất bật bươn chải, ai nấy đều hăm hở lao động sản xuất, để tạo dựng nên một cuộc sống no đủ và đi đến giàu có. Cuộc sống của họ dẫu có tất bật, hối hả, nhưng họ vẫn không quên tiếng cười, không quên nói trạng.

Họ có chuyện Cây khoai bò qua hai tỉnh.

Chuyện Ớt mà tưởng ngà voi

Chuyện Đi bán sắn bị kiểm lâm bắt v v…

Chính chất men trạng đã ngấm vào họ, đã đi vào từng thớ thịt với đường gân. Với cách ứng xử của họ đã toát ra hơi trạng. Trạng Vĩnh Hoàng chỉ có người Vĩnh Hoàng kể nghe mới hấp dẫn. Vì nó còn ẩn chứa trong ngôn từ, trong thổ ngữ của người Huỳnh Công.

Từ người già đến lớp trẻ, họ đều nói trạng. Thật đúng vậy đó, bạn có về đây, có tiếp xúc thì mới thấu hiểu.

Trần Hữu Chư