Chuyên mục lưu trữ: Tin Tức

Người kể chuyện trạng bằng cọ

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng từ trước đến nay đều được kể bằng… mồm, ấy vậy mà lại có một cụ ông chất phác dùng… cọ để dẫn chuyện, thi thố.

trang-vinh-hoang-chuyen-co

Sau nhiều năm múa cọ, cụ Chư đã có ngót nghét 300 bức tranh kể chuyện trạng
Vĩnh Hoàng rất đáng quý – Ảnh: Nguyễn Phúc

Cụ ông mà tôi nhắc đến có tên Trần Hữu Chư (76 tuổi, trú làng Huỳnh Công Tây 2, xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Hiện trong giới “trạng sư” ở làng trạng Vĩnh Hoàng, nếu cụ Trần Đức Trí được xem là người có giọng kể biểu cảm, xuất thần nhất thì cụ Chư chính là người có công to nhất làng này khi đã sưu tầm, ghi chép lại những câu chuyện trạng từ cổ chí kim. Chưa hết, vì quá mê trạng mà cụ còn biến mình thành… họa sĩ.

Vực dậy khí phách Vĩnh Hoàng

Cụ Chư có dung mạo khá giống một ông tiên từ trong tưởng tượng của tôi ngày bé, với mái tóc bạc trắng, đôi chân mày cũng lốm đốm bạc.

Cụ Chư bảo, tuổi thơ khốn khó, cụ lớn lên với những câu chuyện trạng mẹ kể hằng đêm. Lúc bé tí, cụ đã thuộc như cháo chảy mấy câu chuyện trạng “đời cũ” như: Bắt bọp quạ, Cây ớt gia truyền, Đi săn trâu ri… Với cụ, chuyện trạng là máu thịt.

Cụ Chư tham gia cách mạng từ rất sớm, và những ngày chiến tranh ác liệt cụ đã đi qua nhiều chốn rừng rú của Quảng Trị như Bến Quan, Cù Bai, Hướng Lập. Đến đâu, cụ cũng mang những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng “phổ biến” cho đồng đội, bà con nhân dân ở đó. Khi đất nước hòa bình, cụ Chư có thời làm ở công ty thực phẩm, trước khi nghỉ hưu, trở về nhà. Nhưng cụ không nghỉ hẳn mà nhận nhiệm vụ mới là Chủ nhiệm hợp tác xã Huỳnh Công Tây. “Ngày đó tinh thần lao động bà con đi xuống lắm, phần nhiều do cán bộ đời trước làm sai nhiều… Sau nhiều đêm ngửa mặt lên trời, tôi ngộ ra rằng chỉ có chuyện trạng Vĩnh Hoàng, thứ “vũ khí” của cha ông để lại mới đủ sức mạnh vực dậy khí phách trong nhân dân”, cụ Chư tâm sự.

Thêm nữa, cụ cũng trăn trở rằng chuyện trạng Vĩnh Hoàng thế giới đã từng biết nhưng đang dần mai một, thất lạc hết. Cuối cùng, cụ đã tìm ra một cách thể nghiệm mới cho chuyện trạng, ấy là sử dụng hội họa, để mọi người có thể chiêm nghiệm chuyện trạng bằng… mắt.

Tô màu… cho chuyện trạng

Vốn thật thà, cụ Chư thú thật mình chưa bao giờ được đi học vẽ một cách đàng hoàng, chỉ may mắn vì có chút hoa tay trời ban.

Bức tranh đầu tiên của cụ được vẽ vào năm 1997 “kể” về câu chuyện Cây ớt gia truyền, cụ treo ở trong nhà và được khen là có hồn phách. Hứng chí, cụ vẽ, hết ngày này qua ngày khác, quên cả giờ cơm, quên cả những lời cằn nhằn của vợ.
Không có tiền, muốn có giấy cụ Chư đã lột mặt sau của những tờ lịch cũ để vẽ tranh lên đó, muốn có màu, cụ chỉ dám mua những hộp màu rẻ tiền và tằn tiện đến mức không bao giờ để màu rơi xuống đất trong lúc vẽ. Ấy thế mà đã có trên dưới 300 bức tranh về đề tài chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã lần lượt ra đời. “Cái khó nhất là phải tưởng tượng chú ạ. Chuyện thì dài mà tui gói gọn chỉ trong 1 bức tranh thì phải chọn lựa chi tiết sao cho đắt để người ta nhìn vào sẽ nhận ra ngay đó là tranh về câu chuyện trạng đó”, cụ Chư nói.

Nói đoạn, cụ cầm bức tranh Bắt cọp đi cày rồi vừa kể chuyện: “Dân tui có nói trạng mô, này nhé, bữa nớ nhà còn mấy đám ruộng nên trời chưa sáng, tui đã xéc bù nác (bình đựng nước) lùa bò đi một mạch ra tận rú Ông Đồn. Thấy trời chưa sáng, tui cho bò ăn một chặp (một lúc). Sau đó, tui mới bắt bò đi cày, sờ từng con thấy con mô con nấy cũng láng (béo) cả, không biết con nào là con Ô, con nào là con Dề.

Tui mới bắt hai con vô cày. Mới đầu hắn đi rất mau, tui vừa đi vừa chạy mới kịp theo hắn. Chỉ mới loáng cái mà tui đã cày xong một vạt ruộng. Qua vạt thứ hai, tui mới cày được mấy đàng (đường) tự nhiên hắn dừng lại không chịu đi nữa. Tức máu quá, tui mới quất cho mấy roi, hắn lồng lên rồi hắn xây cái mặt lại với tui, chằm vằm ra như cái mâm. Trời đã sáng tỏ, rõ ràng đây là cọp đực chứ có phải là Ô Dề mô! Sẵn cái rựa, tui chặt một nhát làm cái niệt cày đứt làm đôi, tháo cho cọp chạy. Rứa là hắn đã làm tui lỡ mất một bữa cày!”.

Có một “kho” tranh Vĩnh Hoàng đồ sộ nhưng từ trước đến nay, cụ Chư chỉ cho nếu ai thích chứ không bán kiếm tiền. Có nhiều đoàn khách tham quan làng trạng thấy cụ lặng lẽ vẽ tranh cũng muốn mua tranh hay ủng hộ ít tiền để có chút lận lưng, đặng làm tiếp công việc ý nghĩa của mình nhưng cụ đều lắc đầu. “Ai mà thích quá thì tôi tặng, tôi biếu chứ tiền bạc mần chi. Việc tôi đang làm đây là gìn giữ hồn phách cho làng tui, cho con cháu đời sau, nếu đụng đến tiền bạc thì hư hao đôi phần ý nghĩa. Hơn nữa mục tiêu tối thượng của tui cũng là làm sao để chuyện trạng bay xa. Họ cầm tranh của tui tức là họ giúp tui rồi…”, cụ Chư trải lòng.

Nguyễn Phúc Báo Thanh Niên

 

Thần đồng làng Trạng Vĩnh Hoàng

Dù chỉ mới 12 tuổi nhưng Trần Quốc CườngTrần Nhật Khanh (ở thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã nổi danh khắp làng, khắp xã về tài nói trạng.  

than-dong-lang-trang

Trần Nhật Khanh (trái) và Trần Quốc Cường, hai “thần đồng” đất trạng – Ảnh: Nguyễn Phúc

Truyền nhân của cụ Chư

Như đã viết ở bài trước, cụ Trần Hữu Chư (76 tuổi, ở thôn Huỳnh Công Tây) được xem là bậc thầy kể chuyện trạng, là báu vật sống của làng trạng Vĩnh Hoàng. Khi được hầu chuyện cụ, người viết mới nghe cụ khiêm tốn nói rằng, cuộc đời mình chưa làm được gì nhiều cho quê hương ngoài việc bỏ công sưu tầm chuyện trạng và đào tạo được một đứa học trò nhỏ ưng ý.

Đứa học trò nhỏ mà cụ Chư nhắc đến chính là Trần Nhật Khanh. Đó là một chú bé bình thường như tất cả các chú bé khác ở làng trạng, duy chỉ có đôi mắt to, đen láy như hớp hồn người đối diện và cái miệng mỏng lém lỉnh là khác biệt. “Hồi nớ em mới 10 tuổi, hầu như ngày nào cũng qua nhà cụ Chư. Lúc đầu thì em chỉ ngồi nghe, sau rồi cụ dạy cho em cách kể những câu chuyện cũ, còn gần đây cụ sáng tác cho em nhiều chuyện mới chỉ để dành riêng cho em kể”, vuốt mái tóc le te phủ trán, chú bé nói.

Với kinh nghiệm hơn chục lần bước lên các sân khấu lớn nhỏ của xã, của huyện nên khi được yêu cầu, Khanh lập tức kể ngay một câu chuyện rất sinh động, với gương mặt hết sức biểu cảm: “Trưa nớ, tui ngồi sau quả dưa đào mấy cái lộ (hố) bắt mấy con tiên tiến chơi cho bui (vui). Rứa là ông tôi mới kêu: Cu Khanh ơi cu Khanh. Tui mới dạ một cấy thiệt to. Ông tui mới cười khà khà nói: “Ui cha chà, té ra thằng cu miềng nấp sau quả dưa mà miềng (mình) nỏ (không) chộ”. Rồi đó ông tui với tui mới đi về nhà. Thẳng đàng, cát nóng quá e lốt cả cẳng (chân), rứa nên tui mới đem ông tui ra ngoài đàng nhựa để bỏ ông lên côi ván trượt cho ông trượt về nhà. Thôi chừ tui không biết ông tui trượt tới mô rồi, tui chào bà con tui đi tìm ông tui cái đã”.

“Tam Mao” của làng Huỳnh Công

Tam Mao, cậu bé có 3 chỏm tóc, là một nhân vật trong bộ truyện tranh rất nổi tiếng của Trung Quốc Chuyện đời lưu lạc của Tam Mao (sau này được chuyển thể thành phim, được chiếu trên truyền hình VN). Còn “Tam Mao” của làng Huỳnh Công Tây có tên là Trần Quốc Cường (học lớp 6 Trường THCS Vĩnh Tú). Cái biệt danh đó gắn với Cường cách đây 2 năm, khi chú bé bước lên sân khấu, thấy khuôn mặt của chú ngồ ngộ, nên có người hét: “A, cái thằng Tam Mao…”. Thế là từ đó ai cũng gọi Cường bằng cái tên đó.

Người viết đã mất cả một buổi chiều để tìm “ông trạng con” vì người nhà cũng chẳng biết cậu bé tinh nghịch đi đâu. Đến cuối giờ chiều mới tìm được “Tam Mao” ở sân bóng. Cậu tâm sự biết bập bẹ chuyện trạng từ năm học lớp 3 và nói như người lớn rằng niềm đam mê của em là làm cho người khác cười.

Điều làm cho “Tam Mao” trở nên nổi tiếng là bởi ngoài việc nhớ các câu chuyện cũ, cậu có thể từ đó bịa thêm tình tiết mới, có lúc còn cập nhật cả tình hình thời sự. Ví dụ, với chuyện Cá đô bốn món, cậu kể theo một phiên bản cực “độc”: “Trưa nớ, cha tui cầm cái lại (lưỡi) câu phất ngang cuống họng con nghé, vứt ra giữa bàu Thủy Ứ. Đến lúc chiều chập choạng, nghe nước động hung, cha tui mới nói “Cú ni là trúng lớn rồi đây”. Đang nỏ biết mần răng thì có đoàn dân quân đi qua, tui mới mừng rợ kêu mấy chú giúp một tay, tí nữa có chi chia chắc. Mấy chú dân quân đánh trần cùng cha con tui lấy hết sức kéo thì mới kéo được đực cá to lên bờ.

Rứa bơ đoạn nớ, cha con tui với đoàn dân quân cầm dao, cuốc, rạ để phát cho hết bộ vảy của con cá, còn đống thịt thì chia chắc, mỗi người mỗi đực bao tạ. Một chặp tự nhiên cha tui hỏi: “Ơ, cái thằng con miềng hôm ni lạ hè, thịt đó ăn không hết mi còn tiếc chi mà lấy đống vảy với xương?”.

Xem video Trần Quốc Cường nói trạng:

https://www.youtube.com/watch?v=nwMGhn4qY6w

Đoạn nớ tui mới nói: “Cha nờ, cha có biết đống vảy với xương ni mần chi không. Cô hiệu trưởng con dạy rồi lá lành phải đùm lá rách. Thôi, miềng ủng hộ chọ vảy ni ra ngoài đảo Trường Sa để cho ngư dân họ lợp lại cái mái của tàu để chống cái vòi rồng của tàu Trung Quốc cha nờ. Còn đống xương cha cũng gửi ra ngoài nớ luôn cho họ đóng tàu to, chống lại quân thù khi chúng gây gổ trên biển Đông”. Đoạn nớ, cha tui mới đánh 2 đực container về, một đực chở bộ vảy, một đực chở bộ xương. Ra đến ngoài đảo rồi. Từ đó, tháng mô ngư dân Trường Sa cũng gửi cá vô cha con tui tê, cha con tui phải chia cho cả làng vì ăn không hết…”.

Nói hai chú nhóc Cường và Khanh là “tương lai của làng trạng” quả… hơi tội, vì dù sao chúng chỉ mới 12 tuổi mà phải gánh trọng trách quá lớn. Nhưng nghe những lời khen “thiệt roọt” của người dân làng trạng dành cho hai đứa mới biết, làng trạng đặt kỳ vọng vào hai cậu rất nhiều.

[nguon]Nguồn: http://thanhnien.vn/van-hoa/truyen-ky-lang-trang-vinh-hoang-than-dong-lang-trang-549568.html[/nguon]

Hãy cứu lấy bàu Thuỷ Ứ Vĩnh Tú

Nói đến bàu Thủy Ứ – một địa danh chắc hẳn đã không còn xa lạ với những ai đã từng sống, từng đến và từng biết về làng quê Vĩnh Tú. Bàu Thủy Ứ là mạch nguồn, là trái tim, lá phổi, là nguồn sống của người dân nơi đây. Và cũng là một trong những nguồn cội để bắt đầu câu chuyện trạng của ngày xửa, ngày xưa: con cá Đô làm bảy món, vảy cá chép để lợp nhà

bau-thuy-u-vinh-tu

Phải nói rằng bàu Thủy Ứ là một trong những ưu đãi tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Vĩnh Tú. Bao đời nay, Bàu thủy Ứ đã nuôi sống nhiều gia đình bởi nguồn thủy sản tôm, cá, dồi dào vô kể. Ngoài những nguồn lợi về thủy sản, bàu còn là một cảnh quan sinh thái tuyệt vời, khí hậu mát mẻ, trong lành. Hai bên bàu làng quê trù phú xanh tươi với phong cảnh sơn thủy hữu tình ít nơi nào có được. Nhiều thế hệ đã lớn lên trưởng thành từ con sông quê với cái tên mộc mạc, giản dị này. Nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều cơ quan, xí nghiệp như Bảo tàng, Xí nghiệp in, Đoàn nghệ thuật Bình Trị Thiên đã về đóng quân bên hai bờ bàu.

https://www.youtube.com/watch?v=xQJ1HJqrFRM

Đây là nơi tiếp nhận thương binh từ tiền tuyến ra, và là nơi tạm nghỉ chân của lớp lớp đoàn quân chuẩn bị vào tiếp sức cho Miền Nam. Địa danh bàu Thủy Ứ dường như đã trở nên quen thuộc trong tâm trí của bao người. Bàu được gắn với những ký ức đẹp đẽ về một thời hào hùng, oanh liệt của cả dân tộc, cùng với những câu chuyện trạng hài hước và đầy sảng khoái mang khí chất của con người Vĩnh Tú, chiếc nôi của quê hương nói trạng Vĩnh Hoàng.

Theo những người già trong làng kể lại: Bàu Thủy Ứ được nuôi dưỡng bởi hai nguồn nước chính. Nguồn nước thứ nhất là từ giếng mội. Long mạch này bắt nguồn từ đầu làng, nằm giữa một khu rừng nguyên sinh cây cối quanh năm tốt tươi, trù phú. Có lẽ thế nên người dân Vĩnh Tú gọi là rú Trù. Phía đông tiếp giáp với địa phận xã Vĩnh Trung, phía nam giáp với Vĩnh Nam. Miệng giếng rất to và mạch nước ngầm phun lên rất mạnh. Nước trong veo, ngọt lừ, dù sâu thăm thẳm nhưng vẫn nhìn thấy tận đáy. Để tận dụng nguồn nước quý này, các thế hệ đi trước đã đào một con mương dẫn nước ra bàu. Nguồn nước thứ hai là ngầm nước mạch tự nhiên trong lòng bàu, cùng với những mội nhỏ nằm san sát bên bờ, thường xuyên phun lên giống như những chiếc giếng nhỏ góp phần tăng thêm nguồn nước cho bàu Thủy Ứ và tưới tắm cho những sinh vật phù du sống gần bờ. Mang tên là bàu Thủy Ứ nhưng nước trong lòng bàu vẫn luôn vận động, lưu thông ra biển.

bau-thuy-u-Panorama

Ngày xưa, dường như ý thức sâu sắc về giá trị của bàu Thủy Ứ, để bảo vệ, giữ gìn báu vật của làng không bị bồi lấp, xâm hại, các thế hệ cha ông đã quyết giữ cánh rừng nguyên sinh bên kia bàu, gọi là rú Hàn. Những cây trâm bầu, cây ve, cây dẻ đủ loại, làm thành tầng, thành lớp, thành một vành đai chắn cát rất hiệu quả. Xa hơn nữa là bạt ngàn rừng dương liễu, bạch đàn chống gió, chống cát từ động cát Voi, Vĩnh Thái thổi vào. Hồi đó, chúng tôi hay sang rú Hàn hái củi khô. Không ai dám chặt phá cây vì sợ ông Thương giữ rú bắt phạt. Bàu Thủy Ứ quê tôi dưới sự nâng niu, bảo vệ của bao người vẫn giữ được nguyên vẹn hình hài, với dòng nước xanh trong, mát lạnh và nuôi dưỡng trong lòng nó vô vàn thủy sản, tôm, cá và các loại động vật như ba ba, rùa, cứ ngày một sinh sôi nảy nở làm thành nguồn lợi lớn cho cả làng. Ngoài nguồn lợi tôm cá phong phú đủ các chủng loại từ trong lòng bàu Thủy Ứ, người dân quê tôi thường tận dụng hai bên bờ bàu để cấy nếp cái. Đất bùn hai bên bờ tốt đến nỗi chỉ cần cắm mạ xuống, chẳng cần chăm sóc, vun bón gì chỉ chờ đến khi thu hoạch. Cây nếp vẫn tốt tươi, trĩu cành, nặng hạt. Vui nhất là vào mùa tháng tám, khi những trận mưa lũ ào về, nước bàu dâng to, cả làng tôi rủ nhau đi gặt, lội nước oàm ạp, vừa gặt nếp vừa bắt được những con cá chép to, vàng ươm mỡ màng. Cả làng chuyện trò cười nói rôm rả, vui như ngày hội. Gặt xong, gia đình nào cũng chọn những bó nếp xanh làm món cốm rang. Bên ngoài trời mưa rả rích, nằm cuộn tròn trong chăn vừa đọc sách, vừa nhai tí tách những hạt cốm thơm dai, béo ngậy. Cảm giác thật hạnh phúc, thật ấm áp.

Không ai có thể tin được rằng, sau gần ba mươi năm, những câu chuyện có thật ấy chỉ còn là cổ tích đối với lớp trẻ, và kỷ niệm nằm lòng trong ký ức xa xưa của những người lớn tuổi. Bàu Thủy Ứ hiện nay đã không còn như trước nữa. Nguồn nước đang cạn kiệt. Lòng sông nhỏ hẹp dần bởi đất hai bên bờ bồi lấp một cách nhanh chóng. Các sinh vật phù du có ích lần lượt bị triệt tiêu. Thay vào đó là các loại rong rêu trơn trượt và các loại vật có hại như đỉa ngày một sinh sôi nảy nở. Không chỉ biến đổi về hình dạng, nguồn thủy sản tôm cá trong lòng bàu cũng đang cạn kiệt, bởi nguồn nước không còn trong lành như trước và cách khai thác tùy tiện, mang tính hủy diệt tận gốc của con người. Tận mắt chứng kiến sự biến đổi bất thường của con sông quê, tôi cảm thấy xót xa, đau đớn như bị mất mát một phần cơ thể. Qua tìm hiểu những người cao tuổi trong làng, tôi được biết một phần nguyên nhân làm bàu Thủy Ứ ngày càng “suy kiệt”.

hay-cu-lay-bau-thuy-u

Bắt đầu từ công cuộc sáp nhập hợp tác xã bậc cao là rừng dương bị triệt phá hoàn toàn, Rú Hàn cũng tan hoang không còn dấu tích kéo theo bao nhiêu hệ lụy khác về môi trường. Cát bắt đầu lấn dần xuống bờ bên kia của bàu Thủy Ứ. Dù bây giờ Rú Hàn đã được thay thế bằng rừng trồng, nhưng không thể giữ được cát lấp như trước đây. Vào những năm trước, để có đất trồng cây cao su, người ta đã chặt phá Rú Trù và san lấp giếng Mội không chút đắn đo, cân nhắc, suy xét hậu quả. Để rồi long mạch của làng, cũng như mạch nước ngầm lớn nhất cung cấp cho bàu Thủy Ứ đã không còn nữa. Một nguyên nhân khác là từ trước đến nay, nguồn nước trong lòng bàu Thủy Ứ luôn giữ một lưu lượng nhất định, vì dòng mương chảy ra biển hẹp, con mương này được các thế hệ cha ông tạo ra như một sự điều tiết cần thiết vào mùa lũ để nước không làm ngập hai bên bờ làng mạc. Mùa hè nước chỉ chảy một lượng rất nhỏ. Còn bây giờ, trong quá trình khai thác ti tan, những động cát ông Voi đã bị phá hủy, gần như san bằng, không còn dòng mương điều tiết nên mùa mưa, hay mùa hè  lượng nước hàng năm từ bàu chảy ra biển rất lớn. Tất cả lý do đó đã làm cho dòng sông cứ cạn dần đi. Hình hài của nó cũng biến dạng. Có chăng bàu chỉ còn giữ lại một phần dưới hạ nguồn Mỹ Tú.

Phải nhìn nhận một cách khách quan rằng: Trong công cuộc đổi mới, quê hương đã có những đổi thay thật sự đáng mừng. Ta nhìn thấy tận mắt, sờ tận tay những điều làm được, cảm nhận rõ ràng những thay đổi lớn lao đang hiển hiện trong đời sống hàng ngày. Bên cạnh niềm vui, niềm hãnh diện ấy, vẫn còn nhiều nỗi buồn, thất vọng bởi những giá trị đích thực của cuộc sống đang bị mất dần đi mà ít ai cảm nhận được. Vẫn biết trong cuộc đời luôn song hành những điều được mất, chúng ta chấp nhận sự đánh đổi để có những điều thay đổi lớn lao hơn. Nhưng sao vẫn thấy ngậm ngùi, đau xót. Thiên nhiên vốn rất ưu ái với con người nhưng cũng rất nghiệt ngã nếu con người không biết bảo vệ, trân trọng, giữ gìn, chỉ biết tận hưởng, khai thác nó một cách triệt để, không thương tiếc. Chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho hành động vô cảm trước thiên nhiên. Tất nhiên sự trả giá này không phải ngày một, ngày hai và ai cũng có thể cảm nhận được. Chính sự thờ ơ, vô cảm, cũng như tầm nhìn hạn hẹp của con người đã vô tình đánh mất những giá trị quý giá mà cha ông ngày trước quyết tâm giữ gìn, bảo vệ, nâng niu. Sẽ là bất hiếu với cha ông, và có tội với con cháu mai sau, khi chúng ta không giữ gìn và bảo vệ được “báu vật” của làng. Những giá trị làm nên sự giàu có trong tâm hồn người Việt. Đi xa ngàn dặm vẫn đau đáu nhớ thương, lòng vẫn hướng về nguồn cội với những hình ảnh thân thương, gần gũi như cây đa, bến nước, sân đình.

Mấy năm trước, trong một dịp về thăm nhà, nghe cha tôi hồ hởi khoe: nghe nói sắp tới sẽ có một dự án lớn khôi phục và xây dựng khu du lịch sinh thái hai bên bờ bàu Thủy Ứ. Một con đường rộng sẽ được mở chạy dọc theo bờ bàu từ Thôn Tây đến Mỹ Tú. Bàu Thủy Ứ sẽ trở thành khu du lịch lý tưởng với một môi trường sinh thái trong lành, cùng với việc bảo tồn văn hóa phi vật thể chuyện trạng Vĩnh Hoàng… Tôi đã rất vui mừng và hồ hởi chờ đợi dự án này, hy vọng nó sẽ làm cho bàu Thủy Ứ sống lại và làm thay đổi diện mạo hai bên bờ bàu, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho người dân Vĩnh Tú trong công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn mới. Nhưng rồi nhiều năm qua đi, dự án mà người dân mong đợi vẫn chưa thấy triển khai gì. Trong khi đó bàu Thủy Ứ đang từng ngày, từng giờ chống chọi với sự bồi lấp, xâm lấn và sự khai thác bừa bãi của con người.  

Xin hãy cứu lấy dòng sông, cứu lấy bàu Thủy Ứ. Những người con của làng, những người đi xa, những người đang ở lại, kể cả những người có trách nhiệm hãy một lần lắng nghe lời kêu cứu từ bàu Thủy Ứ, làm điều gì đó để cứu lấy dòng sông trước khi chưa quá muộn…

Nguồn Tạp Chí Cửa Việt