Tất cả bài viết của Mr Bom

Đang chăn trâu, chặt chuối , cắt cỏ tại làng

Quảng Trị “Nhà sáng chế” nông dân

Chứng kiến sự vất vả, cực nhọc của bà con nông dân khi lao động sản xuất bằng các phương pháp thủ công, ông Văn Đức Quynh, thôn Long Hưng, xã Hải Phú (Hải Lăng, Quảng Trị) đã quyết tâm sáng chế ra những chiếc máy hữu ích với mục đích góp phần giải phóng sức lao động con người. Điều đặc biệt là người được bà con nông dân gọi là “Nhà sáng chế” ấy cũng là một nông dân chân đất, trình độ học vấn mới hết lớp 9.

nguoi-nong-dan-sang-che-quang-tri

Ông Văn Đức Quynh nghiên cứu để hoàn thiện chiếc máy lọc tinh bột nghệ

Xưởng cơ khí của ông Quynh nằm ngay sát quốc lộ, sản phẩm của xưởng cơ khí này chủ yếu là những sáng chế của ông từ nhiều năm nay, được người tiêu dùng đặt hàng sản xuất. Hôm chúng tôi đến, ông Quynh đang nghiên cứu để hoàn thiện sáng chế thứ 7 của mình- chiếc máy xay và lọc tinh bột nghệ. Ông Quynh cho biết: Máy lọc tinh bột nghệ ông đã hoàn tất từ đầu năm 2015 để tham dự cuộc thi Sáng kiến kỹ thuật do tỉnh tổ chức. Tuy nhiên, điều ông chưa hài lòng là chiếc máy chỉ có chức năng lọc tinh bột, chưa xay được nghệ củ. Vì vậy, hiện nay ông đang tập trung nghiên cứu, đưa thêm bộ phận xay nghệ vào để hoàn thiện máy, giúp người dân thuận lợi hơn trong quá trình lọc tinh bột nghệ.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, học đến lớp 9, ông Quynh phải nghỉ học để lao động kiếm sống. Sau mỗi mùa vụ kết thúc, tận dụng thời gian nông nhàn, ông dựng quán nhỏ ven đường sửa chữa xe đạp kiếm thêm thu nhập. Sau khi tích lũy được ít vốn, ông Quynh học thêm cách sửa chữa máy móc, nông cụ rồi mua sắm đồ nghề, dụng cụ để sửa chữa xe kéo tay, máy tuốt lúa đạp chân, các công cụ lao động phục vụ người dân trong vùng. Mỗi khi quán nhỏ hết việc, ông Quynh thường đến các xưởng cơ khí ở khu vực lân cận để tìm hiểu, học thêm nghề cơ khí. Tự tìm tòi học hỏi, chỉ sau một thời gian ngắn ông Quynh đã thành thạo nghề cơ khí, đã có thể sản xuất được cuốc, xẻng, các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thấy bà con trong thôn, xóm phải nhọc nhằn vất vả mỗi khi bước vào vụ sản xuất, thu hoạch, công sức lao động bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả không cao, ông Quynh bắt đầu nảy sinh ý tưởng sẽ sáng chế ra những loại máy để giải phóng sức lao động cho con người.

Ông tâm sự: “Ước mơ của tôi là làm được nhiều loại máy để giải phóng sức lao động cho nông dân, nhưng khi bắt tay vào thực hiện tôi gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn để mua sắm thiết bị, trình độ còn hạn chế. Bằng quyết tâm của mình, tôi đã dần vượt qua những khó khăn đó để cho ra đời những chiếc máy hữu ích, phục vụ quá trình lao động sản xuất của nông dân”.

Năm 2003, ông bắt tay vào làm máy tách hạt ngô. Để có nguyên liệu thực hiện, hàng ngày ông đến các cơ sở thu gom phế liệu trên địa bàn để mua từng thanh sắt, tấm thép vụn. Với vốn nghề cơ khí và khả năng tự thiết kế, chế tạo, lắp đặt, chỉ trong thời gian ngắn, chiếc máy tách hạt ngô đã hoàn thành. Ông xách máy đến đầu xóm, mượn ngô của bà con để tách thử nghiệm nhưng không được, ông lại đem máy về tháo ra, gia công thêm rồi đi thử tiếp. Sau 4 năm vật lộn với thử nghiệm, tháo lắp máy, cuối cùng đến cuối năm 2007, chiếc máy tách hạt ngô đã được hoàn thiện và xuất xưởng, công suất tách hạt ngô từ 3-5 tạ/ giờ. Từ khi máy tách ngô của ông Quynh ra đời, việc bóc tách hạt ngô trở nên đơn giản hơn, người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng ngô để nâng cao thu nhập.

Trên cơ sở thành công ban đầu, được sự tin yêu, động viên, giúp đỡ của người dân trong thôn xóm, ông Quynh tiếp tục sáng chế ra nhiều loại máy hữu ích, chẳng hạn như máy dập vỏ lon bia giúp những người thu mua phế liệu đóng gói gọn gàng hơn; máy cắt đa năng giúp nông dân thu hoạch mùa vụ kịp thời; máy băm thức ăn cho chăn nuôi phục vụ nhu cầu của những người nuôi thủy sản và các trang trại chăn nuôi; máy cắt măng, gừng, hành, ớt, tỏi dùng trong các cơ sở chế biến thủy sản và cơ sở làm mắm, dưa chua; máy đánh vảy cá dùng trong các nhà hàng, siêu thị hay chợ; máy khoan giếng đá phục vụ nước sinh hoạt cho người dân có độ sâu từ 50-70 m; máy xay bột tươi, khô phục vụ các cơ sở chế biến nông sản… Đặc biệt, nhiều sáng chế của ông Quynh đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh và khu vực.

Từ những hữu ích mà các loại máy do ông Quynh sáng chế mang lại, đã có nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tìm đến xưởng ông đặt hàng. Trong đó, riêng loại máy cắt đa năng, mỗi năm ông Quynh sản xuất khoảng trên 100 cái theo nhu cầu của người dân, các loại máy còn lại bình quân sản xuất từ 5-7 cái/năm. Một điều đặc biệt mà ông Quynh chia sẻ với chúng tôi là người dân trong và ngoài tỉnh khi mua sản phẩm do ông sáng chế đều tìm đến tận xưởng sản xuất để đặt hàng, tuyệt nhiên không mua sản phẩm của ông khi được bày bán tại các cửa hàng khác. Lý do mà người mua giải thích là chỉ khi đến tận xưởng sản xuất mới tin tưởng sản phẩm chính là của ông Quynh, còn khi mua ở cửa hàng sợ gặp phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Đây cũng chính là điều mà ông Quynh luôn trăn trở với chính sản phẩm của mình.

“Xuất phát từ thực tế đó, tôi muốn thành lập doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình để đưa ra tiêu thụ dễ dàng trên thị trường, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân”, ông Quynh cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một sản phẩm muốn xây dựng được thương hiệu thì cần phải có thiết kế kỹ thuật theo tiêu chuẩn công nghiệp. Trong khi đó, toàn bộ sản phẩm do ông Quynh sáng chế đều ra đời trên cơ sở ý tưởng của cá nhân. Nên chăng, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có năng lực thiết kế cơ khí nông nghiệp để hoàn thiện các sản phẩm sáng chế của ông Quynh theo quy trình, quy phạm của nhà nước, góp phần đưa mỗi sáng chế của ông Quynh trở thành sản phẩm công nghiệp hiện đại. Trên cơ sở đó, một doanh nghiệp cơ khí công nghiệp có uy tín sẽ hỗ trợ, hợp tác sản xuất các sản phẩm trên cơ sở ý tưởng của ông Quynh để đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Khi sản phẩm có thông số kỹ thuật, chỉ số chất lượng và thương hiệu rõ ràng chắc chắn sẽ được người tiêu dùng đón nhận vì những lợi ích thiết thực mà sản phẩm mang lại.

[nguon]Nguồn: baoquangtri[/nguon]

Địa đạo Vịnh Mốc, điểm đến hấp dẫn Việt Nam chưa được khám phá

Địa đạo Vịnh Mốc, một trong những điểm du lịch lịch sử cách mạng nằm ở Quảng Trị, Việt Nam vừa được Thrillist chọn là điểm đến hấp dẫn châu Á nhưng chưa được khám phá.

Cũng như địa đạo Củ Chi, Vịnh Mốc là công trình ngầm và mang tính lịch sử độc đáo của Việt Nam.  

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri

Vịnh Mốc nằm ở Quảng Trị, Việt Nam

Vịnh Mốc tọa lạc trong một quả đồi sát biển ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị. Địa đạo được xem là công trình tiêu biểu và quy mô nhất trong số hơn 100 địa đạo lớn nhỏ được đào trên toàn huyện Vĩnh Linh.

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri-1

Vịnh Mốc nằm sát biển và cách cầu Hiền Lương vài cây số

Vịnh Mốc gồm 3 tầng hầm liên thông dưới lòng đất, tầng một cách mặt đất từ 12 đến 15m, tầng 3 cách mặt đất 22m. Toàn bộ chiều dài của địa đạo gần 2km và có 13 cửa. Địa đạo là một thế giới ngầm được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt, từ 1965 – 1972, cho đến nay dường như vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất, người dân không thể sống trên mặt đất nên đã di chuyển xuống dưới lòng đất và Vịnh Mốc là “công trình” được kiến tạo để tránh bom đạn, duy trì cuộc sống và là căn cứ quân sự của quân – dân huyện Vĩnh Linh. Chỉ với đôi bàn tay thô sơ, người dân Quảng Trị đã xây dựng một địa đạo mà cho đến giờ, rất nhiều du khách nước ngoài khi được tận mắt chứng kiến cũng phải xuýt xoa và ca ngợi về sự thông minh cũng như sáng tạo, kiên cường của những con người Việt Nam nhỏ bé.

Có rất nhiều dòng cảm xúc về nơi này: “Địa đạo Vịnh Mốc giống như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín biết bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và thời đại nó đã sinh ra”.

Địa đạo được xây dựng thông minh nên dù nằm sâu dưới lòng đất vẫn có hệ thống thông gió tự nhiên và ánh sáng đầy đủ. Các khu vực để nhân dân ở, vào thời điểm đông nhất có thể chứa được hơn cả ngàn người, các khu vực sinh hoạt như trên mặt đất như nhà bếp để nấu ăn, phòng sinh hoạt, phòng họp, nhà hộ sinh, y tế, giếng nước,… đều đủ cả. Người ta gọi địa đạo Vịnh Mốc là “làng hầm” cũng vì vậy.

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri-2

Địa đạo Vịnh Mốc mang đầy dấu ấn và sự sáng tạo của quân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, từ 1965 – 1972.

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri-3

Ngoài địa đạo Vịnh Mốc của Việt Nam, tờ Thrillist còn nhắc đến nhiều điểm du lịch khác như Tu viện Tatev – Armenia, Tu viện Taktsang Palphug của Bhutan, Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddien của Brunei, Sông Irrawaddy ở Myanmar, Cung điện Mulee Aage – Maldives, Cánh đồng muối Taepyeong – Hàn Quốc, ruộng bậc thang Banaue ở Philippines, Annapurna Circuit ở Nepal và vách đá Flaming ở Mông Cổ.

[nguon]Nguồn: http://motthegioi.vn/luxury-living/du-lich/vinh-moc-diem-den-hap-dan-viet-nam-chua-duoc-kham-pha-257626.html[/nguon]

 

Mùa phá lạc trên cánh đồng Quảng Trị quê tôi

Đã đến lúc cái nắng sớm mai chạm trên mặt sông cũng rát bỏng. Gió phơn Tây nam bắt đầu thổi những đợt đầu tiên. Đó là cuối tháng ba âm lịch. Cha giục tôi dậy cùng cha ra đồng để phá lạc.

Cánh đồng nằm dọc con sông, bước ra khỏi cửa ngõ là cánh đồng nằm ngay ở đó. Tôi hí hửng cầm sợi dây dắt trâu đi. Cha vác cái cày cong cong bước đi rộn ràng trong nắng sớm. Tiếng mõ trâu khua giữa đồng, tiếng cười nói xôn xao, tiếng trẻ con gọi nhau í ới.

mua-pha-lac-o-quang-tri-que-toi

Mùa lạc

Tôi dành hết thuở thiếu thời của mình để quan sát, để ngẫm nghĩ. Bởi thế, khi những đứa bạn kéo nhau trèo tít lên cây xoài hái quả, tôi đứng cách đó chừng một trăm mét ngước nhìn. Khi chúng nhảy xuống sông tum tủm thì tôi đứng trên bờ cười hóm hỉnh, sau đó mới nhảy xuống ngụp lặn dưới sông. Với chúng tôi hạnh phúc đơn sơ là thế. Một cánh đồng, bầy trâu bò nhởn nhơ, con sông, vài ba cây xoài mọc ngay giữa đồng để chúng tôi hái quả. Khi cánh đồng vào mùa phá lạc, cũng là lúc cây xoài lủng lẳng trái mặc sức chúng tôi trèo hái quả để chấm muối.

Mùa phá lạc là lúc chúng tôi được nghỉ ngơi. Đấy là mùa hội của trẻ con, là bữa tiệc thịnh soạn của những đứa trẻ mục đồng. Những quả bắp còn sót lại giữa ruộng lạc, quả bắp khô được cho vào bếp nổ lên đôm đốp rồi đem ra ngấu nghiến ngon đến lạ lùng. Lạc tươi cũng được ném nguyên cây vào lửa. Khi lửa cháy rừng rực liếm vào vỏ lạc, chúng tôi canh chừng lúc lạc chín rồi dập tắt lửa đi. Những hạt lạc thơm bùi, những hạt lạc ném vào mồm còn sôi lên trong miệng. Khi ăn xong cả lũ kéo nhau ra sông trong cái nắng gắt gao. Vừa uống nước sông, vừa tắm. Chúng tôi lớn lên ở những cánh đồng làng, ký ức đầy ắp những hình ảnh đẹp về làng quê, tiếng mõ trâu, tiếng ve kêu lúc sang hè và cả tiếng nước chảy rì rào của con sông mùa hè nước vơi đi gần hết.

Mùa phá lạc cũng là mùa hội của đàn trâu, đàn bò. Trước khi cày lạc, trâu bò mặc sức ăn cây. Từ đầu làng đến cuối xóm, trâu bò mặc sức thênh thang trên những ruộng lạc. Người nông dân gặt hái mùa màng bằng những quả lạc thì đàn trâu được đền đáp cho những ngày còng lưng kéo cày bằng cách thả sức ăn cây lạc. Tuy nhiên, cái công cày sức nặng chỉ đặt lên lưng một vài con trâu. Và sự nhọc nhằn, khốn khó của người nông dân như cơn gió phơn chạy qua những miền nhất định.

Mấy năm nay cứ hạn hán mất mùa. Cánh đồng lạc ngày xưa được trồng xen cây sắn. Tháng ba rồi cũng đến, người dân quê tôi ra đồng nhổ lạc. Trâu bò không còn được thưởng thức mùa phá lạc. Vì nếu thả chúng ra cây sắn trồng xen canh sẽ bị hư hại. Kéo theo đó, những đứa trẻ giờ rất thưa thớt trên cánh đồng. Có lẽ, những chiếc ti vi, đầu đĩa với những bộ phim hấp dẫn đã neo chân chúng ở trong căn phòng.

Và màn hình vi tính với những trò chơi game online khiến chúng không thể rời mắt. Mới có chục năm mà quá nhiều thay đổi, mới có chục năm mà bóng trẻ thấp thoáng trên đồng, tiếng cười rộn ràng ở bờ sông giờ đây vắng lặng. Tôi cất lại tuổi thơ của mình như một gia tài quý giá, đêm đêm kể cho con nghe, đêm đêm tượng thanh tiếng mõ trâu trong câu chuyện kể. Con tôi nghiền nghe những câu chuyện này, nhưng chúng cứ nghĩ đó là miền xa cổ tích. Xa rồi những thanh âm của cuộc sống, xa rồi những cơ cực bần hàn. Và xa luôn những hình ảnh đẹp, những tiếng nói hay tiếng cười rộn rã vui như ngày hội của nông thôn mỗi mùa phá lạc.

Tôi là người hay nhớ chuyện xưa, dường như đó là nguồn dưỡng sinh cho tâm hồn của mình. Cả cánh đồng từ đầu làng đến cuối xóm người người cười nói rổn rảng, tiếng cu gáy thả ra trên đồng như lời cổ vũ động viên để người nông dân vượt qua nỗi nhọc nhằn. Thời tiết ngày một khắc nghiệt, những đồng tiền vớt lên từ cánh đồng lạc không đủ trang trải cho nhu cầu sống ngày một cao.

Người nông dân phải làm đủ thứ nghề khác. Người trồng rừng, người làm vườn, người chăn nuôi, người làm thuê làm mướn… cuộc sống đã bị trượt theo những nhu cầu thiết yếu của thời đại trong khi đó sự gồng gánh vẫn chính là đôi vai gầy nhẫn nại của người nông dân. Đôi lúc nhìn những cánh đồng trên ti vi, nhìn những nụ cười của người nông dân trên những trang viết và cả trong thơ, trong nhạc… dường như nó đẹp đến lung linh và nguồn sống tưởng như chừng đó là niềm ao ước.

Ai có lội ra từ con sông quê, có đưa tay xuống nhổ bụi lạc hay vén liềm cắt một lọn thóc mới thấy bát cơm bưng trên tay được đánh đổi bằng mồ hôi, có khi là nước mắt. Và cả sự cầu khẩn, tôi còn nhớ câu đồng dao cầu mưa của người dân quê tôi “cầu trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy cơm tôi ăn…” thì đó là cả một sự cầu khẩn cho những mơ ước gạo cơm nuôi mình trong cuộc sống.

Chiều tháng ba, ngồi ở nhà ngó ra cánh đồng vắng không một bóng người, không một con trâu, không có tiếng trẻ. Cái nắng tươm tươm rót lên những hàng lạc được phơi dưới chân những hàng sắn xanh chừng nửa mét, lòng chợt bùi ngùi nhớ đến tuổi thơ. Con sông Hiếu vẫn chảy hiền hòa, bến đò xưa giờ nằm trong lặng lẽ. Ký ức tôi đó là một miền xa, có khi rất xa. Cứ mỗi mùa phá lạc là tôi lại nhớ về cha tôi.

Nhớ cái dáng mảnh khảnh của cha, nhớ nụ cười nhăn nheo hằn lên đôi mắt sáng. Tôi nhớ nhất vẫn là cái cách cha nướng lạc trên cánh đồng. Ông chất một chọ củi khô rồi cho cây lạc tươi lên đó, xong châm lửa đốt, khoảng mười phút lửa cháy là có ngay một bữa lạc thơm bùi. Cách cha nướng lạc khô đơn giản hơn, ông đốt ngay thân cây lạc khô để nướng giòn củ lạc.

Cha khoái nhất món này, nhìn ông ăn và cười rất tươi, tôi biết hạnh phúc của người nông dân trên cánh đồng thật giản đơn. Cha ăn một ít lạc sau đó uống thêm ly nước chè. Trưa hôm đó cha không ăn cơm, ông cũng không ăn thêm bất cứ thứ gì nhưng nhìn cha vẫn vui tươi, ngạo nghễ. Hình ảnh đó là hạnh phúc trong tôi, tôi chụp lại bằng chính nỗi nhớ đã lên liếp trong trái tim của mình khi sang tháng ba, thêm một mùa phá lạc…

[nguon]Báo Quảng Trị[/nguon]