Tất cả bài viết của Phi Hổ

Đang mò cua, bắt ốc tại làng

Yếu tố phóng đại trong Trạng Vĩnh Hoàng

Người Việt Nam có nhiều từ ngữ khác nhau để chỉ cái việc nói không đúng sự thực: nói dối, nói láo, nói khoác, nói phịa, nói trạng, nói xí gạt v.v…

Nói dối, nói xí gạt thì ai cũng biết rồi, đó là cách nói của thằng Cuội trong chuyện dân gian. Cuội đã gắn liền với việc nói dối trong thành ngữ “dối như Cuội”. Như vậy nói dối là nói những điều không có thực nhằm gạt cho người nghe đánh giá sai tình hình thực tế, tạo điều kiện cho người nói lợi dụng với một mục đích nào đó nhất định.
trai-tran-huu-trang-vinh-hoang
Nói láo cũng là nói những điều không có trong sự thực nhưng không có mục đích xí gạt. Giống như trong bài “Vè láo thiên”:

Ngồi buồn đặt chuyện láo thiên

Thuở hồi tôi còn nhỏ có đi khiêng ông trời…

Tác giả bài vè không có ý làm cho ai tưởng là mình có “đi khiêng ông trời” thật, và ví dù có kẻ ngây thơ tưởng thật thì cũng không vì vậy mà thiệt hại gì cả. Đó chỉ là những chuyện nói cho vui trong lúc “ngồi buồn”. Như thế nói láo có phần hơi gần với nói khoác. Trong bài thơ “nói khoác” mà có người cho là của Nguyễn Văn Giai, có người cho là của Nguyễn Hàm Ninh, tác giả cũng nói toàn chuyện không có thực:

Ta con ông cống, cháu ông nghè
Nói khoác trên trời, dưới đất nghe
Sức khỏe Hạng Vương, cho nửa đấm
Cờ cao Đế thích chấp hai xe
Vượt ngay ra biển co tàu lại
Tốc thẳng lên non bắt cọp về
Mai mốt đem quân vào phủ Chúa
Một đàn công chúa chạy ra ve!

Ở đây, những chuyện không thực được nói ra với mục đích khoe khoang về bản thân, nhưng vì chúng mang tính chất quá phi phỏng, đơm đặt nên thực ra cũng nhằm ý định gây cười hơn là dối gạt.

Nói phịa cũng là nói bịa đặt. Nhưng người nói phịa phải vận dụng nhiều trí tuệ hơn người nói láo, nói khoác. Người “phịa” chuyện không phải chỉ nói bốc trời cho sướng miệng, mà phải vận dụng óc tưởng tượng để xây dựng nên những chuyện rất khó tin nhưng lại phải làm thế nào cho người nghe tưởng thực, để khi khám phá ra mình “bé cái nhầm” họ mới bật lên cười khoái trá… Một số chuyện Ba Phi ở miền Nam có thể kể là chuyện phịa.

Chuyện kể bác Ba Phi dùng ná bắn một hạt mận giắt vào mặt con nai chà, rồi mấy năm sau vào rừng tình cờ gặp một cây mận kỳ lạ, khi bác bẻ cành mận hái trái thì đột nhiên cái cây bỏ chạy và phát ra tiếng kêu của loài nai – thì ra cái hạt mận đã đâm rễ mọc chồi, nên phần trên là cây mận tốt tươi, phần dưới vẫn là con nai chà dạo nọ! Sự kiện trong chuyện hoàn toàn không có thực, nó là bịa đặt, nhưng bịa đặt thông minh và lý thú.

So với những hình thức nói dối, nói láo, nói khoác, nói phịa… thì “nói trạng” trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng có phần khác nhiều. Điểm khác biệt cơ bản là: nói trạng không phải là nói về những điều không có trong sự thực như trong những trường hợp vừa kể, mà là nói phóng đại về một hiện thực vốn có. Điểm khác biệt này sẽ là nét khu biệt chuyện trạng Vĩnh Hoàng với những chuyện cười dân gian khác. Người dân Vĩnh Hoàng khi nói về những phẩm vật của quê hương mình không gán cho chúng những đặc tính không có, mà chỉ cường điệu thêm những đặc tính có thực. Bác nông dân mời khách ăn khoai mà bắt khách phải đeo kính kẻo sợ bột khoai bay mù mắt, bắt khách phải đứng bên cột để lỡ nghẹn thì ôm vào cột mà lắc cho trôi qua cuống họng… bởi vì khoai Vĩnh Hoàng vốn bở, đặc tính bở là vốn có, nó chỉ được phóng đại thêm chứ không phải bịa đặt ra. Tóm lại, nếu ở những hình thức nói dối, nói khoác, nói phịa, người ta phải dựng đứng lên những điều không có – trong những cách nói này, hư cấu là chủ yếu – thì trong chuyện trạng biện pháp chủ yếu lại là phóng đại sự thực hiện có: ở đây, có sự phối hợp khá chặt chẽ giữa hư cấu và sự thực cuộc sống.

Vì vậy mà cần có sự phân biệt giữa chuyện nói trạng của Vĩnh Hoàng với chuyện về các ông Trạng của đồng bào miền bắc. Trạng Quỳnh, Trạng Lợn là loại chuyện về Trạng, chứ không phải chuyện nói trạng. Đó là loại hệ thống chuyện cười kết thành xâu chuỗi quanh một nhân vật, giống như chuyện Xiển Bột ở Thanh Hóa, chuyện ông Ó ở miền Nam, chuyện ông đồ Tuất (3) ở Quảng Bình… Tất cả những chuyện này có màu sắc nội dung giống nhau ở chỗ mang tính chất phản kháng phong kiến hoặc thực dân rất quyết liệt; loại chuyện cười thành xâu chuỗi này vận dụng nhiều biện pháp gây cười khác nhau. Nhưng điều đáng lưu ý là hầu như không có biện pháp phóng đại.

Phân tích kỹ, ta sẽ thấy chuyện trạng Vĩnh Hoàng có màu sắc gần gũi với loại chuyện Ba Phi ở miền Nam. Cái cười ở đây không mang tính chất chua chát, giễu đời mà là tiếng cười khỏe khoắn, hồn nhiên của người lao động. Tuy vậy, như trên đã nói, chuyện Ba Phi là chuyện phịa, chúng không sử dụng biện pháp phóng đại hiện thực mà chỉ dựa vào sự hư cấu hoàn toàn của trí tưởng tượng. Trong chuyện Ba Phi cũng có những chuyện mà biện pháp rất giống chuyện trạng như chuyện “Nếp Dẻo”, chuyện “Ếch U Minh” (4) nhưng đó chỉ là số ít, không tạo thành màu sắc chủ đạo.
di-cat-tranh-cat-nham-duoi-cop
Thực ra, xét cho cùng thì phóng đại là một thủ pháp mà không có tác phẩm văn học nào không dùng đến, dù là văn học lãng mạn hay hiện thực, trào phúng hay trữ tình.

Yếu tố phóng đại rất quan trọng trong việc làm tăng phần sinh động cho hình tượng được xây dựng. Nhưng thực ra, trong văn học dân gian Việt Nam, yếu tố này chỉ được sử dụng như biện pháp chủ yếu để cấu tạo hình tượng là trong hai loại tác phẩm: Thần thoại – truyền thuyết và chuyện trạng.

Trong thần thoại, người ta hình tượng hóa lực lượng tự nhiên thành những hình ảnh kỳ vĩ tuyệt vời. Những vị thần là biểu hiện của sức mạnh tạo vật. Sức mạnh ấy được cường điệu đến mức tối đa: Thần trụ trời có thể đắp đất thành núi, quẳng đá thành gò; thần núi ở Rú Mưa có thể bạt cả một góc đồi để lấp vào vùng biển; vị thần ở núi Túy Vân và núi Linh Thái (5) thì để lại dấu chân khổng lồ trên đá… Thông thường khi nghe nói đến sự so sánh giữa biện pháp xây dựng chuyện trạng thì phản ứng đầu tiên của người nghe là hoài nghi và phủ nhận, vì hai loại truyện cách nhau rất xa về thời gian cũng như về mục đích sáng tác. Nhưng khi ta so sánh sự cường điệu về kích thước và tính chất của dây khoai, củ khoai, quả dưa, con cá, quả bí trong chuyện Vĩnh Hoàng … thì ta sẽ thấy những hình ảnh ở đây cũng được xây dựng bằng một con đường như nhau.

Tuy vậy, không thể vì thế mà đi đến chỗ lẫn lộn giữa hai thể loại. Có người dẫn chuyện “Ông Thồ Lồ” – một vị thần khổng lồ truyền thuyết ở Vĩnh Linh – và cho rằng đây là chuyện trạng cổ nhất của Vĩnh Hoàng. Đây là một nhận định cần được kiểm chứng. Chuyện Thồ Lồ không phải chuyện cười, nó là chuyện giải thích tự nhiên. Chỗ khác biệt giữa thần thoại, – truyền thuyết và chuyện trạng là: trong thần thoại, – người ta xây dựng những hình tượng kỳ vĩ vì lòng khâm phục tự nhiên, một tự nhiên quá lớn lao mà con người chưa lý giải được, chỉ có thể giải thích bằng tưởng tượng. Còn trong chuyện trạng, người ta chỉ phóng đại phẩm tính của con người và những gì do con người sáng tạo ra. Ở đây, sự cường điệu đến từ lòng tự hào về quê hương, về những sản vật tuyệt vời do bàn tay người dân Vĩnh Hoàng làm nên để cống hiến cho cuộc sống. Nếu hình tượng thần thoại được xây dựng bởi con người nhỏ bé trước thế giới bao la thì hình tượng chuyện trạng được xây dựng để khẳng định và ngợi ca những phẩm chất ưu tú của con người. Cái cười trong chuyện trào phúng, châm biếm đến từ chỗ phát hiện chỗ yếu của đối phương, từ đó “lật tẩy” được cái mâu thuẫn giữa bề ngoài cao cả và bề trong thấp hèn của đối tượng đả kích. Cái cười đó thường xoáy quanh vấn đề đối kháng giai cấp và được sinh thành trong một xã hội phong kiến tiểu nông, trong đó những mâu thuẫn lâu đời chằng chịt đã đào tạo cho con người một chất hài sắc bén và đầy chất trí tuệ. Còn cái cười trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng là cái cười phát sinh từ một vùng đất mới, cái cười của những con người cùng đi cày với cọp. Người Vĩnh Hoàng thuần phục mảnh đất “Ô châu ác địa” ấy chưa bao lâu thì đã bước vào cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Vì vậy trong chuyện trạng, mâu thuẫn giai cấp ít được nói đến, mà mâu thuẫn chính là mâu thuẫn giữa con người với thiên nhiên và với những kẻ xâm lược. Hoàn cảnh khắc nghiệt, những khó khăn như luôn luôn chực nuốt chửng lấy con người khiến người ta có nhu cầu phải cất lên một tiếng cười ngạo nghễ, xem thường mọi kẻ địch – kẻ địch đó có thể là cọp, là thằng Tây, thằng Mỹ… Tiếng cười ấy nêu bật chỗ mạnh của chính mình để ngợi khen, nó phát sinh từ một bản lĩnh phi thường trước những gian nguy phải vượt qua trong cuộc sống.
lang-noi-trang-vinhhoang-2015
Trong những năm chiến tranh khốc liệt người Vĩnh Hoàng không để bị phủ nhận, họ đã hiên ngang khẳng định sự tồn tại của mình trong chiến đấu và chuyện trạng là một vũ khí tinh thần góp phần cổ động niềm tin. Người ta đề cao lòng dũng cảm của mình qua chuyện “Không cho ca nông cổ” “Quèo máy bay”… Chuyện người dân Vĩnh Hoàng nằm đè trên quả ca nông khiến nó không làm sao nổ được là chuyện nói trạng, nhưng lòng can đảm, quyết liều mạng với quân thù và sức mạnh vô biên của ý chí con người lại là hiện thực. Bom dội ngày đêm những mong quét đi tất cả dấu vết của sự sống, nhưng người dân Vĩnh Hoàng vẫn điềm nhiên cười và còn cả gan mượn luồng hơi bom đưa mình sang bên kia sông cho đỡ tốn tiền đò… Tiếng cười Vĩnh Hoàng, từ cái cười hồn nhiên thoải mái trong đời sống, đã mang một ý nghĩa chiến đấu lớn lao và một lần nữa xác nhận lời nói của Buranních: “Tiếng cười là vũ khí của người mạnh”.

Có lẽ cũng cần nói thêm một ưu điểm lớn của chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Trong thần thoại, yếu tố phóng đại là phi tự giác. Người dân cổ thời, với tư duy trẻ thơ, tưởng những điều mình bịa đặt là sự thực nên đã thờ cúng những vị thần do chính mình sáng tạo ra. Còn chuyện trạng lại là tác phẩm của những con người trưởng thành và tỉnh táo. Người Vĩnh Hoàng luôn luôn bộc lộ cái khuynh hướng phân biệt ranh giới giữa trạng và thực – trong một số chuyện đặc biệt mà người ta tạm gọi là chuyện “trạng lý” ta có thể thấy rõ khuynh hướng đó. Trong loại “trạng lý” này, dường như người Vĩnh Hoàng muốn nói với chúng ta: “cẩn thận đấy nhé, những điều chúng tôi nói là những điều phóng đại để cổ võ niềm tin, niềm vui trong cuộc sống, đừng để chúng huyễn hoặc mình, đừng tưởng đấy là sự thực một trăm phần trăm để rồi ngủ quên trong ảo tưởng”.

Chúng ta đã đi rất xa thời kỳ của thần thoại, nhưng qua mọi thời và cho đến nay, “bệnh” nói trạng không tự giác – trạng mà cứ tưởng thực vẫn cứ là một “bệnh” xã hội. Thiết tưởng cần phải truyền bá rộng rãi hơn tinh thần của chuyện trạng Vĩnh Hoàng: cả dân tộc hãy cùng Vĩnh Hoàng nói trạng, để chúng ta trở thành những con người can đảm, gan dạ, tự tin, đồng thời rất tỉnh táo, sáng suốt, không chút tự mãn chủ quan. Hãy đem tiếng cười Vĩnh Hoàng đi theo trong suốt hành trình xây dựng đất nước tươi đẹp này.

TIỂU PHƯỢNG

Địa đạo Vịnh Mốc – Di tích làng hầm

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, sông Bến Hải là ranh giới quân sự tạm thời. Vĩnh Linh, một huyện của tỉnh Quảng Trị trở thành địa đầu của miền Bắc. Lịch sử đã chọn nơi đây thành điểm đối đầu quyết liệt nhất giữa hai thế lực chính nghĩa và phi nghĩa, giữa khát vọng thống nhất và dã tâm chia cắt.

dia-dao-xuyen-luc-diaĐường hầm địa đạo Vịnh Mốc

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ với mưu đồ xâm lược, bắt đầu mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc, trong đó Vĩnh Linh là mục tiêu hàng đầu, bởi đây không những là tiền đồn mà còn là địa bàn trực tiếp chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Một mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 820km2 như Vĩnh Linh lại phải chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ của đế quốc Mỹ từ nhiều hướng dội vào. Từ năm 1965-1972, kẻ thù đã ném xuống nơi đây hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại, tính bình quân mỗi người dân Vĩnh Linh phải gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ. Nhưng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, nhân dân Vĩnh Linh đã kiên cường bất khuất, đã sáng tạo ra một công trình phòng tránh bom đạn tuyệt vời và độc đáo và có thể nói là vĩ đại mà bây giờ nó đã trở thành “huyền thoại” của thế kỷ XX.

Huyện Vĩnh Linh có 20 xã, trong đó có 3 xã miền núi, 3 xã đồng bằng không đào được địa đạo. Còn lại 14 xã và 1 thị trấn đã có 114 làng hầm địa đạo với độ nối dài là 40km. Trong đó có làng địa đạo Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch là công trình được bảo tồn nguyên vẹn, là công trình tiêu biểu cho hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh.

vinhmocMột gia đình ở địa đạo Vịnh Mốc

Vịnh Mốc là một làng quê nằm trên khu đồi đất đỏ bazan, sát bờ biển, cách cửa Tùng (sông Bến Hải) 6km về phía bắc. Làng Vĩnh Mốc có 3 địa đạo chính được nối thông nhau thành một hệ thống liên hoàn, khép kín với quy mô lớn. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài 1.701m với 13 cửa ra vào (7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi). Ở hai bên đường hầm được khoét sâu và tạo ra những căn hộ đủ cho 2 đến 4 người sinh hoạt. Mặt bằng đường hầm được đào nghiêng từ 2 – 3o để dễ dàng thoát nước. Toàn bộ đường hầm được chia thành 3 tầng (tầng 1 cách mặt đất 8m, tầng 2 cách mặt đất 15m, tầng 3 cách mặt đất 23 đến 25m). Trong hệ thống đường hầm có hội trường (chứa được khoảng 60 người, dùng làm nơi hội họp, xem phim), bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại… Đặc biệt, trong gần 10 năm ở dưới địa đạo, các làng hầm địa đạo Vĩnh Linh đã có 60 em bé được sinh ra. Riêng làng hầm địa đạo Vịnh Mốc có 17 cháu bé cất tiếng khóc chào đời từ trong lòng đất.

Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất đã nói lên sự kỳ diệu của con người ở nơi đây. Hơn thế, họ không chỉ thụ động tránh bom đạn, bảo toàn mạng sống mà còn tổ chức đánh địch ngay trên quê hương, tập kết vận chuyển vũ khí, cấp cứu thương binh và vận chuyển hàng trăm chuyến hàng cảm tử cho đảo Cồn Cỏ (cách bờ 28km). Làng địa đạo Vịnh Mốc đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương 2 lần anh hùng LLVTND và năm 1976, Bộ Văn hóa-Thông tin đã công nhận Làng địa đạo Vĩnh Mốc là di tích Quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng. Từ đấy cơ quan chức năng vào cuộc trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy tác dụng. Du khách trong và ngoài nước đến đây ngày càng đông để chiêm ngưỡng kỳ tích độc đáo này, để cảm nhận, thán phục trước tài trí, ý chí của con người Vĩnh Linh, của Việt Nam.

Làng địa đạo Vịnh Mốc, một huyền thoại của thời chống Mỹ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước sinh động cho các thế hệ trẻ, là điểm du lịch kỳ thú, hấp dẫn, độc đáo cho khách tham quan, như một du khách người Úc đã ghi: “Địa đạo Vịnh Mốc như một tòa lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín bao điều kỳ lạ của những người làm ra nó và thời đại mà nó được sinh ra”.

PHẠM HUY TƯỞNG

Đôi bờ Hiền Lương và nỗi đau chia cắt

Vốn cũng bình thường như bao mảnh đất khác ở miền Trung và mọi miền đất nước Việt Nam, song đến khi đế quốc Mỹ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng thì dòng sông Bến Hải – Hiền Lương đã trở nên nổi tiếng, được cả thế giới biết đến.

cauhienluongCầu Hiền Lương. Ảnh tư liệu

Bất cứ ai trong hành trình xuôi Nam, ngược Bắc đều muốn thấy tận mắt “nhân chứng lịch sử” hơn hai mươi năm mang trong mình nỗi đau chia cắt của đất nước, từng chứng kiến một quá khứ bi thương mà hào hùng, oanh liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ngược trở về quá khứ, Hiệp định Geneva năm 1954 đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải thơ mộng ở tỉnh Quảng Trị chảy qua làm ranh giới. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm.

Ghi dấu quá khứ hào hùng

Trong hơn 20 năm chia cắt, không mảnh đất nào chịu đựng nhiều đau thương như ở Bến Hải, Hiền Lương. Hiền Lương đã trở thành biểu tượng của sự cách trở, chờ đợi, ngóng trông, sự chia ly và nỗi đau mất mát…

“Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ,
Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa…”

Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước, nơi đã chứng kiến nhiều vô cùng cảnh tang tóc, đau thương. Thế nhưng, trước cảnh gông cùm xiềng xích và máu đổ thịt rơi, lòng người không hề nao núng. Đồn bốt được kẻ thù dựng lên bằng sắt thép, lưỡi lê, bằng xe tăng đại bác, nhưng không có sức mạnh nào khuất phục được lòng quả cảm, trí thông minh và niềm tin son sắt vào chân lý nhất định sẽ chiến thắng của nhân dân đôi bờ. Nhà điện ảnh Thụy Điển Giôrít Iven khi được chứng kiến đã phải thốt lên: “Vĩ tuyến 17 – nơi “trưng bày” sự man rợ đến tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam”.

Hơn 20 năm sau ngày chia cắt, đại thắng mùa xuân năm 1975 đã nối hai bờ sông Bến Hải. Và đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải đã trở thành cụm di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.Ngày 17/9/2003, khu di tích được chính thức khởi công phục hồi, tôn tạo, để cho đến hôm nay, khi đến với mảnh đất này, ta vẫn như còn thấy hiện ra trước mắt một quá khứ hào hùng và vô cùng sống động.

cauĐó là cây cầu Hiền Lương, nơi đã diễn ra nhiều cuộc tập kết lực lượng của ta và địch và cũng chính là nơi diễn ra nhiều câu chuyện cảm động giữa hai miền Nam-Bắc.

Là Cột cờ Hiền Lương,biểu tượng của niềm tin, ý chí thống nhất của đồng bào miền Nam ruột thịt đang ngày đêm hướng về miền Bắc, hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu. Để lá cờ tung bay trên đỉnh cột, giữ vững biểu tượng sức mạnh chiến thắng của dân tộc, các chiến sĩ đồn Công an Hiền Lương đã chiến đấu anh dũng hơn 300 trận lớn nhỏ dưới mưa gió, bão đạn để bảo vệ lá cờ. Đã có nhiều tấm gương giữ cờ vô cùng cảm động, như tấm gương của mẹ Nguyễn Thị Diệm, mặc dù đã già yếu nhưng không đi sơ tán, kiên quyết ở lại vá cờ.

Là đồn công an Hiền Lương, nơi không chỉ để tố cáo sự vi phạm Hiệp định của Mỹ – ngụy với tổ chức quốc tế mà còn là nơi diễn ra các cuộc đấu tranh gay gắt giữa ta và địch để bảo vệ quy chế khu phi quân sự.

Là hệ thống loa phát thanh tuyên truyền. Một vũ khí tâm lý hữu hiệu của quân đội nhân dân Việt Nam nhằm vạch trần âm mưu xâm lược đất nước ta của chính quyền Mỹ – ngụy và động viên, tiếp sức cho nhân dân miền Nam vững bước đấu tranh. Và đó còn là công trình mang tên “Cụm tượng đài khát vọng thống nhất” đặt ở bờ Nam sông Bến Hải.

Trên mạch nối giao thông giữa hai miền Nam – Bắc, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Di tích đặc biệt cấp quốc gia, vẫn luôn là điểm sáng trong hành trình của du khách tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt. Để từ đó hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hòa bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do, để có một đất nước Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.

Đổi thay trên “vùng đất lửa”

Nằm bên con sông lịch sử, toàn thể chính quyền cùng nhân dân hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh đang nỗ lực phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội nhằm bù đắp những mất mát mà chiến tranh đã gây ra.

[30/04/2010 4:07:16 PM] N?m trong ho?t d?ng L? h?i Th?ng nh?t non sông, sáng 30/4/2010, t?i khu v?c phía b?c c?u Hi?n Luong trên sông B?n H?i,huy?n Vinh Linh ,t?nh Qu?ng Tr? dã di?n ra l? Thu?ng c? T? qu?c và l? nh?n nu?c t? su?i Lê Nin(Cao B?ng)và sông H?u (H?u Giang) , chào m?ng 35 nam Gi?i phóng hoàn toàn mi?n Nam, th?ng nh?t d?t nu?c và hu?ng t?i k? ni?m 1000 nam Thang Long – Hà N?i . Trong ?nh: Ðua thuy?n trên sông B?n H?i trong ngày h?i.?nh: Van Son-TTXVNĐua thuyền trên sông Bến Hải trong ngày hội Thống nhất non sông. Ảnh: Văn Sơn-TTXVN

Vùng đất chết năm xưa loang lổ dấu vết bom cày đạn xới thì nay đã nhường chỗ cho những đồng lúa, rừng cao su, hồ tiêu… xanh ngút ngàn, những vùng nuôi tôm trù phú. Đi dọc bờ sông Bến Hải, qua các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Giang của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) là vùng nuôi tôm trù phú. Ngược lên vùng gò đồi phía thượng nguồn Bến Hải là những nông trường cao su, hồ tiêu xanh mướt. Chỉ riêng cây cao su đóng góp một nửa tổng thu ngân sách toàn huyện Vĩnh Linh, góp phần quan trọng cho huyện nhà trở thành Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Còn ở bờ Nam sông Bến Hải giờ là vựa lúa của huyện Gio Linh. Với lợi thế có 2 cửa lạch quan trọng là Cửa Việt và Cửa Tùng, Gio Linh còn là trọng điểm về nghề khai thác đánh bắt thủy sản, chiếm 2/3 sản lượng khai thác của tỉnh Quảng Trị, góp phần không nhỏ vào việc ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

39 năm sau ngày đất nước thống nhất, đôi bờ Hiền Lương nay đã thay da đổi thịt, đi đến đâu cũng thấy khí thế hăng say sản xuất. Người dân nơi đây đang đồng lòng chung tay xây dựng quê hương đổi thay từng ngày.

Video Cầu Hiền Lương  – Vĩ tuyến 17 được quay bằng  Flycam :

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN