Lưu trữ cho từ khóa: lang trang vinh hoang

Yếu tố phóng đại trong Trạng Vĩnh Hoàng

Người Việt Nam có nhiều từ ngữ khác nhau để chỉ cái việc nói không đúng sự thực: nói dối, nói láo, nói khoác, nói phịa, nói trạng, nói xí gạt v.v…

Nói dối, nói xí gạt thì ai cũng biết rồi, đó là cách nói của thằng Cuội trong chuyện dân gian. Cuội đã gắn liền với việc nói dối trong thành ngữ “dối như Cuội”. Như vậy nói dối là nói những điều không có thực nhằm gạt cho người nghe đánh giá sai tình hình thực tế, tạo điều kiện cho người nói lợi dụng với một mục đích nào đó nhất định.
trai-tran-huu-trang-vinh-hoang
Nói láo cũng là nói những điều không có trong sự thực nhưng không có mục đích xí gạt. Giống như trong bài “Vè láo thiên”:

Ngồi buồn đặt chuyện láo thiên

Thuở hồi tôi còn nhỏ có đi khiêng ông trời…

Tác giả bài vè không có ý làm cho ai tưởng là mình có “đi khiêng ông trời” thật, và ví dù có kẻ ngây thơ tưởng thật thì cũng không vì vậy mà thiệt hại gì cả. Đó chỉ là những chuyện nói cho vui trong lúc “ngồi buồn”. Như thế nói láo có phần hơi gần với nói khoác. Trong bài thơ “nói khoác” mà có người cho là của Nguyễn Văn Giai, có người cho là của Nguyễn Hàm Ninh, tác giả cũng nói toàn chuyện không có thực:

Ta con ông cống, cháu ông nghè
Nói khoác trên trời, dưới đất nghe
Sức khỏe Hạng Vương, cho nửa đấm
Cờ cao Đế thích chấp hai xe
Vượt ngay ra biển co tàu lại
Tốc thẳng lên non bắt cọp về
Mai mốt đem quân vào phủ Chúa
Một đàn công chúa chạy ra ve!

Ở đây, những chuyện không thực được nói ra với mục đích khoe khoang về bản thân, nhưng vì chúng mang tính chất quá phi phỏng, đơm đặt nên thực ra cũng nhằm ý định gây cười hơn là dối gạt.

Nói phịa cũng là nói bịa đặt. Nhưng người nói phịa phải vận dụng nhiều trí tuệ hơn người nói láo, nói khoác. Người “phịa” chuyện không phải chỉ nói bốc trời cho sướng miệng, mà phải vận dụng óc tưởng tượng để xây dựng nên những chuyện rất khó tin nhưng lại phải làm thế nào cho người nghe tưởng thực, để khi khám phá ra mình “bé cái nhầm” họ mới bật lên cười khoái trá… Một số chuyện Ba Phi ở miền Nam có thể kể là chuyện phịa.

Chuyện kể bác Ba Phi dùng ná bắn một hạt mận giắt vào mặt con nai chà, rồi mấy năm sau vào rừng tình cờ gặp một cây mận kỳ lạ, khi bác bẻ cành mận hái trái thì đột nhiên cái cây bỏ chạy và phát ra tiếng kêu của loài nai – thì ra cái hạt mận đã đâm rễ mọc chồi, nên phần trên là cây mận tốt tươi, phần dưới vẫn là con nai chà dạo nọ! Sự kiện trong chuyện hoàn toàn không có thực, nó là bịa đặt, nhưng bịa đặt thông minh và lý thú.

So với những hình thức nói dối, nói láo, nói khoác, nói phịa… thì “nói trạng” trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng có phần khác nhiều. Điểm khác biệt cơ bản là: nói trạng không phải là nói về những điều không có trong sự thực như trong những trường hợp vừa kể, mà là nói phóng đại về một hiện thực vốn có. Điểm khác biệt này sẽ là nét khu biệt chuyện trạng Vĩnh Hoàng với những chuyện cười dân gian khác. Người dân Vĩnh Hoàng khi nói về những phẩm vật của quê hương mình không gán cho chúng những đặc tính không có, mà chỉ cường điệu thêm những đặc tính có thực. Bác nông dân mời khách ăn khoai mà bắt khách phải đeo kính kẻo sợ bột khoai bay mù mắt, bắt khách phải đứng bên cột để lỡ nghẹn thì ôm vào cột mà lắc cho trôi qua cuống họng… bởi vì khoai Vĩnh Hoàng vốn bở, đặc tính bở là vốn có, nó chỉ được phóng đại thêm chứ không phải bịa đặt ra. Tóm lại, nếu ở những hình thức nói dối, nói khoác, nói phịa, người ta phải dựng đứng lên những điều không có – trong những cách nói này, hư cấu là chủ yếu – thì trong chuyện trạng biện pháp chủ yếu lại là phóng đại sự thực hiện có: ở đây, có sự phối hợp khá chặt chẽ giữa hư cấu và sự thực cuộc sống.

Vì vậy mà cần có sự phân biệt giữa chuyện nói trạng của Vĩnh Hoàng với chuyện về các ông Trạng của đồng bào miền bắc. Trạng Quỳnh, Trạng Lợn là loại chuyện về Trạng, chứ không phải chuyện nói trạng. Đó là loại hệ thống chuyện cười kết thành xâu chuỗi quanh một nhân vật, giống như chuyện Xiển Bột ở Thanh Hóa, chuyện ông Ó ở miền Nam, chuyện ông đồ Tuất (3) ở Quảng Bình… Tất cả những chuyện này có màu sắc nội dung giống nhau ở chỗ mang tính chất phản kháng phong kiến hoặc thực dân rất quyết liệt; loại chuyện cười thành xâu chuỗi này vận dụng nhiều biện pháp gây cười khác nhau. Nhưng điều đáng lưu ý là hầu như không có biện pháp phóng đại.

Phân tích kỹ, ta sẽ thấy chuyện trạng Vĩnh Hoàng có màu sắc gần gũi với loại chuyện Ba Phi ở miền Nam. Cái cười ở đây không mang tính chất chua chát, giễu đời mà là tiếng cười khỏe khoắn, hồn nhiên của người lao động. Tuy vậy, như trên đã nói, chuyện Ba Phi là chuyện phịa, chúng không sử dụng biện pháp phóng đại hiện thực mà chỉ dựa vào sự hư cấu hoàn toàn của trí tưởng tượng. Trong chuyện Ba Phi cũng có những chuyện mà biện pháp rất giống chuyện trạng như chuyện “Nếp Dẻo”, chuyện “Ếch U Minh” (4) nhưng đó chỉ là số ít, không tạo thành màu sắc chủ đạo.
di-cat-tranh-cat-nham-duoi-cop
Thực ra, xét cho cùng thì phóng đại là một thủ pháp mà không có tác phẩm văn học nào không dùng đến, dù là văn học lãng mạn hay hiện thực, trào phúng hay trữ tình.

Yếu tố phóng đại rất quan trọng trong việc làm tăng phần sinh động cho hình tượng được xây dựng. Nhưng thực ra, trong văn học dân gian Việt Nam, yếu tố này chỉ được sử dụng như biện pháp chủ yếu để cấu tạo hình tượng là trong hai loại tác phẩm: Thần thoại – truyền thuyết và chuyện trạng.

Trong thần thoại, người ta hình tượng hóa lực lượng tự nhiên thành những hình ảnh kỳ vĩ tuyệt vời. Những vị thần là biểu hiện của sức mạnh tạo vật. Sức mạnh ấy được cường điệu đến mức tối đa: Thần trụ trời có thể đắp đất thành núi, quẳng đá thành gò; thần núi ở Rú Mưa có thể bạt cả một góc đồi để lấp vào vùng biển; vị thần ở núi Túy Vân và núi Linh Thái (5) thì để lại dấu chân khổng lồ trên đá… Thông thường khi nghe nói đến sự so sánh giữa biện pháp xây dựng chuyện trạng thì phản ứng đầu tiên của người nghe là hoài nghi và phủ nhận, vì hai loại truyện cách nhau rất xa về thời gian cũng như về mục đích sáng tác. Nhưng khi ta so sánh sự cường điệu về kích thước và tính chất của dây khoai, củ khoai, quả dưa, con cá, quả bí trong chuyện Vĩnh Hoàng … thì ta sẽ thấy những hình ảnh ở đây cũng được xây dựng bằng một con đường như nhau.

Tuy vậy, không thể vì thế mà đi đến chỗ lẫn lộn giữa hai thể loại. Có người dẫn chuyện “Ông Thồ Lồ” – một vị thần khổng lồ truyền thuyết ở Vĩnh Linh – và cho rằng đây là chuyện trạng cổ nhất của Vĩnh Hoàng. Đây là một nhận định cần được kiểm chứng. Chuyện Thồ Lồ không phải chuyện cười, nó là chuyện giải thích tự nhiên. Chỗ khác biệt giữa thần thoại, – truyền thuyết và chuyện trạng là: trong thần thoại, – người ta xây dựng những hình tượng kỳ vĩ vì lòng khâm phục tự nhiên, một tự nhiên quá lớn lao mà con người chưa lý giải được, chỉ có thể giải thích bằng tưởng tượng. Còn trong chuyện trạng, người ta chỉ phóng đại phẩm tính của con người và những gì do con người sáng tạo ra. Ở đây, sự cường điệu đến từ lòng tự hào về quê hương, về những sản vật tuyệt vời do bàn tay người dân Vĩnh Hoàng làm nên để cống hiến cho cuộc sống. Nếu hình tượng thần thoại được xây dựng bởi con người nhỏ bé trước thế giới bao la thì hình tượng chuyện trạng được xây dựng để khẳng định và ngợi ca những phẩm chất ưu tú của con người. Cái cười trong chuyện trào phúng, châm biếm đến từ chỗ phát hiện chỗ yếu của đối phương, từ đó “lật tẩy” được cái mâu thuẫn giữa bề ngoài cao cả và bề trong thấp hèn của đối tượng đả kích. Cái cười đó thường xoáy quanh vấn đề đối kháng giai cấp và được sinh thành trong một xã hội phong kiến tiểu nông, trong đó những mâu thuẫn lâu đời chằng chịt đã đào tạo cho con người một chất hài sắc bén và đầy chất trí tuệ. Còn cái cười trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng là cái cười phát sinh từ một vùng đất mới, cái cười của những con người cùng đi cày với cọp. Người Vĩnh Hoàng thuần phục mảnh đất “Ô châu ác địa” ấy chưa bao lâu thì đã bước vào cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Vì vậy trong chuyện trạng, mâu thuẫn giai cấp ít được nói đến, mà mâu thuẫn chính là mâu thuẫn giữa con người với thiên nhiên và với những kẻ xâm lược. Hoàn cảnh khắc nghiệt, những khó khăn như luôn luôn chực nuốt chửng lấy con người khiến người ta có nhu cầu phải cất lên một tiếng cười ngạo nghễ, xem thường mọi kẻ địch – kẻ địch đó có thể là cọp, là thằng Tây, thằng Mỹ… Tiếng cười ấy nêu bật chỗ mạnh của chính mình để ngợi khen, nó phát sinh từ một bản lĩnh phi thường trước những gian nguy phải vượt qua trong cuộc sống.
lang-noi-trang-vinhhoang-2015
Trong những năm chiến tranh khốc liệt người Vĩnh Hoàng không để bị phủ nhận, họ đã hiên ngang khẳng định sự tồn tại của mình trong chiến đấu và chuyện trạng là một vũ khí tinh thần góp phần cổ động niềm tin. Người ta đề cao lòng dũng cảm của mình qua chuyện “Không cho ca nông cổ” “Quèo máy bay”… Chuyện người dân Vĩnh Hoàng nằm đè trên quả ca nông khiến nó không làm sao nổ được là chuyện nói trạng, nhưng lòng can đảm, quyết liều mạng với quân thù và sức mạnh vô biên của ý chí con người lại là hiện thực. Bom dội ngày đêm những mong quét đi tất cả dấu vết của sự sống, nhưng người dân Vĩnh Hoàng vẫn điềm nhiên cười và còn cả gan mượn luồng hơi bom đưa mình sang bên kia sông cho đỡ tốn tiền đò… Tiếng cười Vĩnh Hoàng, từ cái cười hồn nhiên thoải mái trong đời sống, đã mang một ý nghĩa chiến đấu lớn lao và một lần nữa xác nhận lời nói của Buranních: “Tiếng cười là vũ khí của người mạnh”.

Có lẽ cũng cần nói thêm một ưu điểm lớn của chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Trong thần thoại, yếu tố phóng đại là phi tự giác. Người dân cổ thời, với tư duy trẻ thơ, tưởng những điều mình bịa đặt là sự thực nên đã thờ cúng những vị thần do chính mình sáng tạo ra. Còn chuyện trạng lại là tác phẩm của những con người trưởng thành và tỉnh táo. Người Vĩnh Hoàng luôn luôn bộc lộ cái khuynh hướng phân biệt ranh giới giữa trạng và thực – trong một số chuyện đặc biệt mà người ta tạm gọi là chuyện “trạng lý” ta có thể thấy rõ khuynh hướng đó. Trong loại “trạng lý” này, dường như người Vĩnh Hoàng muốn nói với chúng ta: “cẩn thận đấy nhé, những điều chúng tôi nói là những điều phóng đại để cổ võ niềm tin, niềm vui trong cuộc sống, đừng để chúng huyễn hoặc mình, đừng tưởng đấy là sự thực một trăm phần trăm để rồi ngủ quên trong ảo tưởng”.

Chúng ta đã đi rất xa thời kỳ của thần thoại, nhưng qua mọi thời và cho đến nay, “bệnh” nói trạng không tự giác – trạng mà cứ tưởng thực vẫn cứ là một “bệnh” xã hội. Thiết tưởng cần phải truyền bá rộng rãi hơn tinh thần của chuyện trạng Vĩnh Hoàng: cả dân tộc hãy cùng Vĩnh Hoàng nói trạng, để chúng ta trở thành những con người can đảm, gan dạ, tự tin, đồng thời rất tỉnh táo, sáng suốt, không chút tự mãn chủ quan. Hãy đem tiếng cười Vĩnh Hoàng đi theo trong suốt hành trình xây dựng đất nước tươi đẹp này.

TIỂU PHƯỢNG

Mài sáng viên ngọc dân gian

Gần mười năm nay, có một ông lão ở vùng quê xưa kia nỗi tiếng với những câu chuyện Trạng (nay là xã Vĩnh Tú – Vĩnh Linh – Quảng Trị) đã cất công đi sưu tầm, rồi vẽ minh họa những câu câu chuyện đó với mong muốn lưu giữ nét văn hóa độc đáo này. Ông là Trần Hữu Chư – năm nay 70 tuổi, người chuẩn bị in một cuốn sách về truyện Trạng Vĩnh Hoàng.

tran-huu-chu-trang-vinh-hoang

Trạng Vĩnh Hoàng là một hiện tượng trào phúng độc đáo của văn hóa dân gian Quảng Trị, xuất hiện cách đây khoảng ba bốn trăm năm. Đây là món ăn tinh thần, là loại chuyện kể “độc nhất vô nhị” không thể lẫn lộn với các truyện cười ở vùng khác. Có người đã so sánh Trạng Vĩnh Hoàng có nhiều đặc trưng như làng cười Gabrôv (Bulgaria). Trạng Vĩnh Hoàng bắt nguồn từ những sự việc thật, được người kể biến hóa  bằng cách cường điệu, hư cấu một cách có lý, mang tính hài hước làm cho người nghe tưởng tượng, ngạc nhiên mà cười để quên đi những khó khăn, gian khổ mà người dân phải chịu đựng.

Như truyện “Cải cọp mà cày” nói về anh nông dân buổi sáng sớm dắt bò đi cày, nhưng đến sáng mới ngã ngửa mình cày bằng con cọp; truyện “Bắt bọp” ca ngợi dưa hấu Vĩnh Hoàng to đến mức cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn mà “giết đến mỏi tay không hết” đàn quạ; hay sự lạc quan của người Vĩnh Hoàng trong chiến tranh là một ông lão bị lính Mỹ bắn đạn vào đầy đầu, đến khi thấy ngứa ngỡ là chấy, chải xuống thì toàn đầu là đạn (truyện “Chấy đạn”)…

Trong chiến tranh, Vĩnh Linh là vùng chiến đấu ác liệt nhất, đã phải chịu đựng sức hủy diệt tới 7 tấn bom và 70 quả đạn trên một cây số vuông. Nhưng người Vĩnh Hoàng vẫn lạc quan và họ vẫn nói Trạng và kể chuyện Trạng trong sinh hoạt hàng ngày, trong các hội nghị của huyện, trong chiến hào, trên mâm pháo, dưới địa đạo. Trải qua thời gian, Trạng Vĩnh Hoàng đã không còn giữ được “thương hiệu” sau mấy trăm năm tồn tại, nhất là những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đến  nay, số người kể chuyện Trạng chỉ đếm dầu ngón tay.

Nhiều câu chuyện Trạng bị tam sao thất bản và cách kể chuyện Trạng cũng dần dần mất đi.“Đắm đuối” với Trạng Vĩnh HoàngSinh ra và lớn lên ở làng Huỳnh Công Tây (Vĩnh Tú  – Vĩnh Linh – Quảng Trị) – nơi được xem là cái nôi của Trạng Vĩnh Hoàng, vì thế mà những câu chuyện Trạng đã gắn chặt với cuộc đời của ông Trần Hữu Chư ngay từ bé. Ông Chư cho biết: Mỗi lần đi hội họp ở đâu, rỗi rãi, biết tui là người Vĩnh Hoàng, anh em ở các xã, huyện khác đều bắt tui kể chuyện Trạng cho bằng được.Ông Chư kể: Tui có một người bác họ tên là Trần Hữu Khuê, vốn là một giáo viên thời Pháp thuộc, ông cùng gia đình tản cư vào Nam hoạt động cách mạng.

Thời Mỹ – Ngụy, ông Khuê đã bị kết án 20 năm tù khổ sai và 10 năm biệt xứ đày ra Côn Đảo. Sau ngày giải phóng, ông trở về sống tại TP. Hồ Chí Minh, hai bác cháu vẫn thường xuyên thư từ với nhau. Hơn 10 năm trước, tui có nhận dược một bức thư của bác kèm theo lời gợi ý là phải ghi lại những câu chuyện dân gian của quê hương. Đọc xong thư, tui suy nghĩ nhiều lắm vì bác mình ở quê xa nhà bao nhiêu năm rồi, sức đã yếu vậy mà vẫn nhớ về cội nguồn, nhớ tới quê hương. Từ nỗi nhớ đau đáu của người bác họ, tui nghĩ mình phải khôi phục, sưu tầm những câu chuyện Trạng bằng được, nếu không con cháu mai sau sẽ không còn biết Trạng Vĩnh Hoàng là thế nào. Lúc này, ông Chư đã đến tuổi về hưu, công việc cũng thư thả, ông có nhiều thời gian chuyên tâm hơn cho việc sưu tầm.

Ông Chư cho biết: Quá trình tìm tòi, sưu tầm gian nan lắm. Do tìm hiểu sưu tầm muộn màng nên những “cây” kể chuyện Trạng lần lượt qua đời, người còn thì tuổi đã cao, sức yếu như cụ Nguyễn Sở, Võ Nông, các cụ nhớ câu được câu mất. Nhiều câu chuyện hiện nay có dấu hiệu tam sao thất bản như “Bọ mạ mi mô?”. Hành trình sưu tầm, biên soạn của tui gặp khó khăn nhất chính là ngôn ngữ của Trạng. Do yếu tố lịch sử thiếu ngữ âm, từ cổ xưa giờ rất ít sử dụng trong đời sống hiện nay. Trong lúc đó, đặc điểm giọng nói của người Vĩnh Hoàng nặng, mất thanh ngữ, phát âm rất đặc biệt ở thanh hỏi (?), ngữ điệu thay đổi nhanh ở đầu, kéo dài ở cuối, lên cao xuống thấp… tạo cho giọng kể sự ngộ nghĩnh và lôi cuốn người nghe.

Một đặc điểm nữa của Trạng Vĩnh Hoàng là lớp từ cổ, từ địa phương pha từ đệm nghe rất hài như: hấy, há, đực bọ, lạo, ôốc doộc, ôông ngai. Như trong các chuyện “Bắt bọp”, “Cây ớt”, “ăn khoai lang nghẹn cổ”, “Cây khoai bò hai tỉnh”, “Đi câu các đô”… đã tạo nên đặc thù riêng cho Trạng Vĩnh Hoàng. Nhưng đến nay, do chịu ảnh hưởng chung của việc giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền nên những từ này ít được sử dụng nên Trạng hôm nay không truyền đạt được trọn vẹn nội dung.

Để sưu tầm được những câu chuyện cổ nhất, tui thường đến nhà các cụ cao niên trong làng. Mỗi lần như vậy, tôi vừa nghe vừa ghi để đưa những câu chuyện Trạng về đúng nguyên bản của nó. Sau gần 10 năm chịu khó tìm tòi, sưu tầm, đến nay tui đã sưu tầm được hơn 30 câu chuyện Trạng, tui dự đinh sẽ xuất bản một cuốn sách Trạng Vĩnh Hoàng mà tui cùng một số anh em sưu tầm, biên soạn được.

Họa sĩ làng Từ ngày đi sưu tầm Trạng Vĩnh Hoàng, mọi người thầy ông Chư ngồi cặm cụi bên giá vẽ. Lúc đầu ông vẽ trên những tờ giấy học trò, sau thấy bà con hàng xóm tấm tắc khen, ông lại vẽ lên tường của Nhà văn hóa xã. Lúc vẽ bức tranh này, ông Chư đã 70 tuổi nhưng cả tuần vẫn leo lên ban công của Nhà văn hóa xã để ngồi vẽ. Rồi ông vẽ ra mặt sau của những tờ lịch, ông liền mang ra trưng bày ở nhà văn hóa của thôn.Sau nhiều năm cần mẫn bên  chiếc giá vẽ tự tạo, đến nay, ông Chư đã mô phỏng lại được tất cả những câu chuyện mà ông đã bỏ công sưu tầm, biên soạn bấy lâu nay bằng hình ảnh. Dự định của ông là sẽ cho in những bức họa này kèm với những tác phẩm ông đã bỏ công sưu tầm.

Để biến những bức vẽ và những câu chuyện của ông sưu tầm thành cuốn sách quả là một chặng đường dài. Bởi hiện nay, một lão nông như ông lấy đâu ra một số tiền hàng chục triệu đồng để in. Tất cả còn chờ vào sự giúp đỡ của các cấp chính quyền nên chưa biết lúc nào mớ có sách. Tiếng thở dài của lão nông đã làm cho chúng tôi không khỏi chạnh lòng trong suốt chặng đường về phố thị.

Nguồn Sưu Tầm

 

Làng Trạng Vĩnh Hoàng Đất ‘đẻ’ trạng

Nếu miền Bắc có chuyện trạng Quỳnh, miền Nam có chuyện bác Ba Phi thì ở miền Trung, chuyện trạng Vĩnh Hoàng được nhắc đến nhiều nhất. Điều đáng nói là trạng Quỳnh hoặc bác Ba Phi đều là những nhân vật thì Vĩnh Hoàng cả làng đều là… trạng.

dat-de-trang-vinh-hoang

Bàu Thủy Ứ (thuộc xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) thường được nhắc đến trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng – Ảnh: Nguyễn Phúc

Qua thời gian, làng trạng Vĩnh Hoàng (nay thuộc thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn tồn tại, người Vĩnh Hoàng vẫn tiếp nối truyền thống của cha ông mình, mang nụ cười cho thiên hạ.
Nông dân nói “tiếng ta” !

Truyện trạng Vĩnh Hoàng không phải ai nghe cũng hiểu, bởi nét đặc trưng làm nên “tên tuổi” làng trạng cũng chính là điều tạo nên sự khu biệt về vùng miền, ấy là từ địa phương cộng thêm sự nhấn nhá trong phát âm của người kể. Đơn giản như việc được đi ra nhà ga xe lửa, người Vĩnh Hoàng sẽ liến thoắng đủ kiểu: ga ni ga mô, ga mô ri eng, ga ni ga chi, o ni đi mô, o mô đi ra, o mô đi vô… Ra thủ đô, hỏi đường thì người Vĩnh Hoàng hỏi: Nhà hát nậy lộ mô eng, lộ chao cẳng mô eng? Sẽ có rất nhiều người không hiểu các cụm thổ ngữ trên. Biết vậy, nên muốn rong chơi ở làng Vĩnh Hoàng, muốn cười té ghế khi nghe người Vĩnh Hoàng kể chuyện, trước hết phải học cái thứ “bản ngữ” của họ cái đã.

Có cảnh trớ trêu của tên phi công Mỹ trong câu chuyện trạng rằng: Tên giặc lái bị một lão dân quân Vĩnh Hoàng bắt giữ, lão chĩa súng nói trọ trẹ với giặc lái: “Hen xơ ấp” (hands up: giơ tay lên). Tên giặc lái nói: “Tôi rành tiếng Việt, cứ nói tiếng Việt”. Lão dân quân liền xổ một tràng tiếng Việt”: Mi ngài nác mô? (mày là người nước nào?), bỏ lịp cời xuống (bỏ mũ ra), mi bay côi trời chộ bầy choa mần đi đưới ni khôông? (mày bay trên trời thấy chúng tao làm gì dưới này không?)… làm tên giặc lái “chết đứng”, không biết đó là tiếng nước nào.

Sử sách của người thôn Huỳnh Công Tây chép lại rằng, làng được lập nên cách đây 400 năm và những người họ Huỳnh (Hoàng) từ phía bắc vào khai khẩn đầu tiên, về sau mới đến những dòng họ Trần, Nguyễn, Tạ… Những năm 1940, 3 thôn Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam được gộp lại thành một xã, gọi là xã Vĩnh Hoàng (sau này mới đổi thành Vĩnh Tú), cái tên trạng Vĩnh Hoàng vì thế mà thành.

Theo cụ Trần Đức Trí (77 tuổi, một nghệ nhân làng trạng) thì lúc khởi sự, bản thân người Vĩnh Hoàng không gọi những câu chuyện quê mình là “chuyện trạng” mà nghĩ đó chỉ là những thứ tiếu lâm cho vui, xua tan cực nhọc ngày đồng áng, quẳng đi sự sợ hãi giữa chiến trường ác liệt, mang đến những nụ cười bình dị, tươi tắn và xốc lại tinh thần cho mọi người cùng vượt qua khó khăn.

Hòa bình lập lại, nhà văn Phùng Quán và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian – TS Võ Xuân Trang đã có công “nâng tầm” cho làng trạng khi trực tiếp về đây sưu tầm nhiều chuyện trạng và viết lại thành sách, trong đó TS Trang đã xuất bản cuốn Chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Cả làng mần trạng

Tôi về làng trạng như một cách để tìm chút thư thái, nhẹ nhàng ngày đầu năm. Lúc đi, mấy người bạn căn dặn rằng về Vĩnh Hoàng nhớ… cẩn thận, vì hầu hết người làng đều biết nói trạng. Gặp nhiều cụ cao niên trong làng mới biết “chất trạng” đã ăn vào máu thịt của những người dân quê nơi này, ai cũng lận lưng vài ba câu chuyện trạng làm vốn. Cá biệt, có những người dường như sinh ra để làm trạng, nên hễ mở mồm là người khác không nhịn được cười.

Nhiều người dù đã về với đất nhưng danh tiếng “nói trạng” vẫn còn vang cho tới ngày nay, như các cụ Trần Đức Hạnh, Trần Văn Thẹ, Trần Đức Đài, Võ Thị Nọn, Trần Thị May… Ngày nay, “báu vật sống” của làng trạng Vĩnh Hoàng là các cụ Trần Đức Trí, Trần Hữu Chư, Nguyễn Đình Sồ, Võ Nồng, Võ Thị Nương, Trần Thị Nghĩa, Trần Thị Liễu…

Bà Trần Thị Nghĩa (51 tuổi, thôn Huỳnh Công Tây 2), khi tôi vừa tìm được đến nhà thì đã bị bà “ra võ” ngay: “Ui chao chơ làng ni đực mô chả nói trạng được mà chú phải vất vả tìm về đây. Người làng ni con nít nhỏ như con tép đã biết nói trạng rồi mà”. Nói là nói vậy, nhưng khi được yêu cầu, dẫu quần đang ống xăn ống thả từ vườn sau vào, bà Nghĩa tỉnh rụi kể ngay chuyện Quả bí có hai cuống do chính mình sáng tác. Chuyện rằng: Ngày trước nhà bà nọ ở Vĩnh Hoàng trồng bí cạnh truồng (chuồng) heo.

Một ngày bà hốt hoảng không thấy đàn heo đâu liền túa đi tìm. Tìm một hồi thấy sau hè, có quả bí to, có một cái đuôi heo lòi ra (ban đầu tưởng quả bí có 2 cuống), bà mới biết: “à, đàn heo chui vào trấy (trái) bí ăn tròn bụng không ra nổi”. Nói đoạn bà lấy cái rìu đẹo bổ đôi quả bí thì mới giải thoát được đàn heo. Chưa hết, mỗi nửa trái bí của bà sau khi bổ đôi lớn đến độ sau này còn được sử dụng để… chở bộ đội vượt bàu Thủy Ứ.

Không chỉ những người kể chuyện “chuyên nghiệp” đã được kê ra như trên, đến một người Vĩnh Hoàng tôi gặp thoáng qua lúc ăn cơm trưa cũng “trạng” làm tôi suýt sặc. Lúc trà dư tửu hậu, tôi đánh bạo hỏi thăm: “Vĩnh Tú mình toàn động cát, chắc chỉ trồng được dưa. Dưa mình có ngọt không anh?”. Anh này quyết không ngẩng đầu, chỉ dừng đũa mà nói: “Không biết có ngọt không nhưng mỗi khi tui cắn một miếng dưa thì lát sau… đường khô dính đầy mẹng (miệng)”.

Nguồn Báo Thanh Niên