Chuyên mục lưu trữ: Đặc Sản

Tổng hợp các đặc sản và món ăn nổi tiếng ở Quảng Trị

Những sản vật đem lại bạc tỷ ở vùng Cùa

Vùng Cùa còn gọi khu vực Tân Sở, gồm 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Cách đây gần 130 năm, vùng Cùa được vua Hàm Nghi chọn xây dựng thành Tân Sở làm nơi kháng chiến chống giặc Pháp đô hộ. Ngày nay, vùng Cùa nổi tiếng trong và ngoài nước, bởi những sản vật thơm ngon đặc biệt của nó…

Vùng Cùa nằm trên một vùng gò đồi lẫn bình nguyên rộng lớn về phía Tây Nam huyện Cam Lộ, với khoảng hơn 3.000 ha đất tự nhiên. Từ xa xưa, người dân đã biết tận dụng lợi thế nguồn đất đỏ bazan màu mỡ, trồng các loại cây gắn bó hằng ngày với đời sống con người và có giá trị kinh tế cao, như tiêu, nghệ, mít, chè xanh. Trải qua bao biến cố của lịch sử, người dân vùng Cùa vẫn giữ gìn, phát triển chúng. Ngày nay, những sản vật này ở Cùa đã có mặt khắp nơi trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Hùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Chính, cho hay: “Nhiều năm nay, Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị đã tập trung thu mua hạt tiêu ở Cùa, phối hợp với bà con nông dân xây dựng thương hiệu cho hạt tiêu này. Năm 2013, hạt tiêu Cùa đã chính thức được công nhận đạt chuẩn quốc tế. Bây giờ, hạt tiêu Cùa đã vào các siêu thị trên cả nước”.

tinh-bot-nghe-vung-cua

Anh Đức đang làm giàu từ việc chế biến tinh bột nghệ Cùa.

Trong câu chuyện về đặc sản của một vùng quê miền trung du đất đỏ bazan, ông Đặng Đỗ Đạt, một nông dân ở xã Cam Nghĩa bấm đốt ngón tay, thong thả bảo: “Với người dân xứ Cùa, bát nước chè xanh không thể vắng mặt trong câu chuyện giao hảo mỗi sớm mai, trong mâm cỗ dâng cúng tổ tiên hay kể cả những tiệc tùng cưới hỏi”.

Đó cũng là minh chứng sinh động cho hình ảnh khắp thôn xóm ở Cùa, ai ai cũng trồng chè. Nhà trồng nhiều thì dăm bảy chục gốc, nhà ít thì chục gốc, có nhà còn dùng chè trồng thành tường rào xanh ngút…

Chia tay ông Đạt, tôi đến gặp anh Trần Minh Đức, ở thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa. Anh Đức từng là giáo viên có thu nhập ổn định, nhưng rồi bỏ phố về quê để gắn bó với cây nghệ quê nhà. Hỏi duyên cớ, anh cười hiền, thổ lộ: “Tôi không thích hợp mấy với nghề dạy học, hơn nữa nhiều năm liền sống ở chốn thị thành, song trong tâm thức tôi không lúc nào rời xa được vùng đất rơm rạ ở quê. Vậy nên tôi quyết định trở về đây để lập nghiệp theo cách riêng của mình”.

Ngày ngày, trên khắp vùng Cùa đều thấy chàng trai trẻ – thạc sĩ ngành kinh tế Trần Minh Đức vào tận các hộ dân để thu mua củ nghệ tươi. Sản phẩm làm ra, anh đưa lên mạng, tìm nơi tiêu thụ. Đến bây giờ, khách hàng của anh đã có khắp trong nước, từ TP Hồ Chí Minh ra đến Hà Nội. Bình quân mỗi năm anh chế biến khoảng 40 tấn nghệ tươi, cứ mỗi tấn cho ra 70kg tinh bột nghệ. Với giá hiện tại dao động từ 500-700 ngàn/kg, trừ tiền nhân công, chi phí, mỗi tháng, anh thu lãi 30-40 triệu đồng…

[nguon]http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/San-vat-vung-Cua-379961/[/nguon]

Gio Linh ơi!

Nếu đi dọc chiều dài đất nước
Qua cầu Hiền Lương bạn nhé dừng chân
Mây bồng bềnh dưới làn nước trong xanh
Cờ Tổ Quốc tung bay trong nắng

Đêm trăng nghe câu hò sâu lắng…
Mà một thời cay đắng nổi cắt chia
Dốc Miếu, Cồn Tiên…
… nay xanh mướt vườn chè
Cao su bạt ngàn Gio An, Hải Thái
“Tiếng trống trận” ngày xưa vang vọng mãi
Xoá đói nghèo con cháu tiếp cha anh

Qua Trung Sơn, non nước xanh xanh
Xanh đồng lúa xanh dòng kênh nhỏ
Xanh lũy tre xanh, xanh xanh đồng cỏ
Xanh khói lam chiều…
… thơm cơm tám nhà ai ..

Cửa Tùng… bờ cát trắng trải dài
Vi vu hàng dương hát mãi câu tình tứ
Sóng bạc đầu mà ngàn năm bất tử
Vẫn trẻ trung của tuổi hai mươi

Chiều Cửa Việt, lưu luyến mãi nụ cười
Em gái nhỏ tươi như hoa mời đón
Mực, tôm, cua, vẫn còn tươi rói
Mà ngà say trong gió biển chiều nay

Bỗng bồi hồi khoé mắt cay cay
Đứng lặng bên bao người đồng chí
Trường Sơn, nơi các anh yên nghỉ
Nặng tình Gio Linh nên chẳng muốn về

Tác Giả: Trần Bình

“Một thời Quảng Trị” phiên bản tiếng Anh

Cuốn hồi ký “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng LLVT nhân dân, do Đại tá Lê Hải Triều thể hiện, xuất bản cách đây đã gần 8 năm, số lượng lên tới 13 nghìn bản.

Với 540 trang, cuốn sách đã làm sống lại một thời Quảng Trị với muôn vàn chiến công và ngàn vạn nỗi đau trong những năm tháng không thể nào quên, trên mảnh đất hào hùng mà ông và đồng đội cùng chiến đấu.

Thời gian càng lùi xa, giá trị nhân văn của cuốn sách càng tăng lên. Người đọc như được đi cùng người kể tới những nẻo đường Quảng Trị đau thương mà can trường. Nơi ấy là Cồn Tiên, Dốc Miếu, điểm cao 544 – những địa danh mà quân Mỹ đã coi là “con mắt thần” ngăn chặn quân ta từ miền Bắc vào. Quảng Trị có Thành cổ – một chứng tích lịch sử. Ở đây còn có Đường Hồ Chí Minh – con đường huyền thoại. Quảng Trị có Đường 9 – một con đường đã trở thành “nỗi kinh hoàng” cho kẻ thù. Quảng Trị còn có Đồi Tròn, Quán Ngang, Gio Linh, Làng Vây, dòng sông Thạch Hãn, sông Ba Lòng, con suối La La… Những địa danh ấy mãi mãi vang ngân bởi đã thấm máu bao nhiêu đồng đội của ông.

mot-thoi-quang-tri-phien-ban-tieng-anh

Bìa cuốn sách

Quảng Trị với diện tích 4.746km2 mà có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ và hai nghĩa trang “không mộ” – là Thành cổ và đáy sông Thạch Hãn, làm người đọc rưng rưng. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu từng nói: “Máu xương chiến sĩ ta là một phần trầm tích sau này của Quảng Trị”, quả đúng là như thế!

Với cách kể điềm tĩnh, chậm rãi, “Một thời Quảng Trị” đã có những trang viết nhân ái và giàu chất bi tráng khi người đọc thấy hiện về những gương mặt chiến sĩ quả cảm kiên trung như: Cao Như Thiêm, Phan Hữu Mỹ, Nguyễn Văn Đồng, Nguyễn Hữu Biều, Phùng Văn Khoét… Về những tấm gương hy sinh đó, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tâm sự: “Đến bây giờ, mỗi khi nghĩ đến, lòng tôi vẫn đau thắt”. Thái độ ấy, ông dành cho người đã hy sinh, nhưng cũng là nhắn gửi những người đang sống! Bởi có biết đau thương, trân trọng người đã khuất thì mới biết gắn bó với những người đang sống bên mình.

Trên mặt trận mới, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn nặng lòng với Quảng Trị. Ông đã dành nhiều tâm huyết cho miền đất mà ông từng chiến đấu và gắn bó trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Dường như không phải đến tận bây giờ, mà bao giờ cũng thế, Quảng Trị vẫn là cõi đi về của người chỉ huy Trung đoàn 27 năm xưa và Quảng Trị vẫn là nơi đau đáu trong ông sự lo toan chăm chút thường ngày. Ông từng viết bản tham luận “Quảng Trị với du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, trong đó có nhiều ý tưởng giàu chất nhân văn. Tâm nguyện của ông là “Tạo dựng lại màu xanh của sự sống cho mảnh đất đã chịu quá nhiều nỗi thương đau khi mà còn đó những cánh rừng trơ trụi lá do chất độc hóa học làm cho cây không nảy được chồi”.

Giáo sư Lê Quang Long – người đã đọc “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Giáo sư Long chưa hề gặp tướng Hiệu, nhưng qua cuốn sách, Giáo sư cảm mến con người Nguyễn Huy Hiệu, ông âm thầm dịch nó ra tiếng Anh. Khi dịch xong, Giáo sư Long tìm gặp Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, ông nói: “Tôi đã đọc “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng, nó cuốn hút tôi và tôi nảy ra ý định phải dịch cuốn sách ra tiếng Anh, cho bạn đọc trên thế giới, để họ đọc và hiểu về cuộc chiến đấu của nhân dân ta, thêm yêu mảnh đất và con người Việt Nam. Tôi đã dịch hơn một năm, nay tôi gửi tặng Thượng tướng bản dịch”.

Món quà đến với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu quá bất ngờ, ông xiết chặt tay vị Giáo sư đáng kính. Cuối tháng 12 năm 2015, cuốn sách “Một thời Quảng Trị” phiên bản tiếng Anh được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản và phát hành. Một thời gian không lâu nữa, cuốn sách “Một thời Quảng Trị” sẽ đến tay bạn bè các nước khắp năm châu.

[nguon]Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/van-hoa-the-thao-giai-tri/mot-thoi-quang-tri-phien-ban-tieng-anh/396725.html[/nguon]