Vị lương y cứu sống hàng trăm người bị chó dại cắn

Trung bình mỗi năm có từ 800-1.000 bệnh nhân đã sử dụng bài thuốc trị độc khi bị chó dại cắn của lương y Lê Văn Sơn, hầu hết họ đều được cứu sống. Trong số đó, nhiều người bị bệnh viện “chê” trả về, nhiều người nguy kịch, sùi bọt mép, phát điên, gầm rú… nhưng chỉ sau một vài ngày, thậm chí vài giờ đã được anh chữa khỏi.

Lương y tiêu biểu của Việt NamLương y Lê Văn Sơn nhận giải “Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng” (ảnh do nhân vật cung cấp).

Mục sở thị lương y trị độc dại

Chúng tôi tìm về nhà anh Sơn (thôn Thủy Tú 2, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), thầy lang có biệt tài chữa bệnh chó dại cắn. Vì không hẹn trước nên đến tận trưa chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện cùng anh. Anh tâm sự: “Tôi là thế hệ thứ năm trong một gia đình có nghề thuốc gia truyền. Từ nhỏ đã được theo cha chữa bệnh và học nghề, lớn lên dù công việc bộn bề nhưng tôi vẫn dành thời gian chữa bệnh cứu người”.

Sinh năm 1966, là con thứ tám trong một gia đình có chín người con, năm 1987, sau khi xuất ngũ anh được cha truyền nghề. Sau bốn năm học lý thuyết, bước sang năm thứ năm anh mới được thực hành và đến năm 2001 anh chính thức trở thành một thầy thuốc chữa bệnh cho bà con trong chòm xóm. Những bệnh nhân ở địa phương khác nghe tiếng anh chữa bệnh giỏi cũng đã tìm đến.

Anh Sơn tâm sự: “Cha tôi trước đây cũng là một thầy thuốc Nam giỏi có tiếng, tôi được cha dạy cho rất nhiều bài thuốc và phương pháp trị bệnh hay. Tuy nhiên, tôi thấy thích thú và ham tìm hiểu về cách cứu chữa cho người bị chó dại cắn nhất, vì đây là bệnh thuộc nhóm nguy hiểm và cũng là bệnh mà tôi mất nhiều thời gian học tập, nghiên cứu nhất. Hơn nữa, do người bị chó dại cắn rất nguy hiểm tới tính mạng, nếu không được cứu kịp thời. Hiện tại, tôi vẫn tham gia công tác ở xã và làm nương rẫy nên khá bận, không thể đi lấy nhiều loại thuốc để chữa các bệnh khác được. Dự định sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ có thêm thời gian tìm thuốc chữa tất cả những bệnh mà cha tôi từng dạy để chữa cho bà con”.

Không chỉ là một thầy thuốc, anh còn là một nông dân sản xuất giỏi, là Chủ tịch hội Nông dân của xã Vĩnh Tú. Công việc bận rộn, tất bật của một cán bộ, một nông dân với 6 sào tiêu, 2 ha cao su, 17 ha rừng tràm và một trang trại chăn nuôi lợn, gà, cá nhưng mỗi năm, vào mùa xuân anh đều dành thời gian cho việc đi hái lá thuốc phục vụ cho việc chữa bệnh của mình.

luong-y-2Lương y Lê Văn Sơn.

Bài thuốc kỳ diệu

Không có nhiều thời gian, không thể chữa hết tất cả những bệnh mà mình đã được học, anh chỉ chọn một vài bệnh như bệnh chó dại cắn và rắn cắn để nghiên cứu chữa chạy cho bệnh nhân.

Chó dại cắn là một trong những bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao cho con người nếu không được cứu chữa kịp thời. Vì vậy, việc chữa trị một cách nhanh chóng ngay sau khi bị chó dại cắn là việc cấp bách. Người bị chó dại cắn có biểu hiện qua từng ngày như sau: Ngày thứ nhất bệnh nhân bị đau đầu, sốt nhẹ; ngày thứ hai bệnh nhân có cảm giác tức ngực, nóng ở cổ, phát ho và biểu hiện hen. Đến ngày thứ ba, họ có cảm giác ngợp nước, sợ ánh sáng, sợ gió. Sang ngày thứ tư họ tru tréo, sùi bọt mép…

Người bị chó dại cắn, nếu kịp thời được đưa đến nhà anh Sơn trong ba ngày đầu thì tỉ lệ sống là 100%, qua đến ngày thứ tư thì tỉ lệ đó giảm xuống chỉ còn 50%, vì lúc này độc tố đã phát tán khắp cơ thể, các chất đề kháng trong người bị tổn hại nhiều, vi rút độc dại thắng thế. Tuy nhiên, diễn biến bệnh còn phụ thuộc nhiều vào sức đề kháng của nạn nhân. Anh Sơn chia sẻ: “Tùy sức đề kháng của từng người bị chó dại cắn mà sức sống và khả năng cứu chữa cao hay thấp. Những người sức khỏe tốt, sức đề kháng cao thì có thể chịu được bảy ngày, nhưng cũng có người chỉ sau một ngày bị chó dại cắn đã tử vong vì độc tố lan nhanh, tim mạch bị vỡ, tim gan nhũn…”. Đặc biệt, khi bị chó dại cắn nếu để bệnh nhân nằm yên không vận động nhiều và đến lấy thuốc kịp thời thì sớm được chữa lành.

Chẳng hạn như trường hợp của anh N.M.H. (ở cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị) bị chó dại cắn, bệnh viện Trung ương Huế trả về sau ba ngày nằm điều trị, người nhà anh H. tìm đến anh Sơn cầu cứu. Chỉ sau ba giờ chữa trị, anh Sơn khẳng định bệnh nhân đã được cứu sống trước sự vui mừng tột cùng của gia đình. Anh Sơn cho biết, dù độc tố đã phát tán nhưng do anh H. có sức đề kháng khá tốt nên mới được cứu chữa khỏi. Có nhiều trường hợp đến tìm anh khi bệnh nhân đã sùi bọt mép, người phát điên dại, co giật, rên rỉ, cào cấu nhưng đều được cứu sống bằng bài thuốc gia truyền mà cha ông để lại. Trường hợp nhẹ thì sau một vài giờ là hết, nặng thì vài ngày đến một tuần sẽ khỏi hẳn.

Bài thuốc mà anh dùng chữa trị cho mọi người là bài thuốc Nam, chủ yếu là từ các loại lá rừng. Các loại cây lá này đều dễ kiếm ở khu vực rừng núi trên địa bàn huyện Vĩnh Linh. Được biết, một liều thuốc đẩy độc toàn bộ trị chó dại cắn trọn gói là 500 nghìn đồng, một liều thuốc phòng bệnh dại có giá 200 nghìn đồng. So với điều trị bằng thuốc Tây, thì giá thuốc trị bệnh dại này hiệu quả và rẻ hơn rất nhiều.

Anh Sơn cho biết, hàng năm, mỗi khi Tết đến, xuân về, anh lại bắt đầu vào rừng lấy thuốc, sau đó về phơi khô dự trữ dùng cả năm cho khoảng 800 đến 1.000 ca bệnh. Người đến cầu cứu anh không chỉ từ các tỉnh vùng lân cận mà cả những người từ Kon Tum, Vũng Tàu, Bình Định, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình… cũng nghe tiếng anh mà tìm về. “Đặc biệt, khó quên nhất là trong trận bão Hải Yến hồi tháng 10 năm ngoái, cả nhà tôi đang loay hoay lo chống bão thì có người tất tả đội mưa, đội gió từ Thanh Hóa vào xin thuốc cho người nhà. Tôi chỉ kịp hỏi tình hình người bị chó cắn qua lời kể của người đàn ông này rồi vội vã lấy thuốc, dặn dò cách uống. Người này cũng vội vã ra xe về nhà. Sau này người đàn ông đó có gọi điện thoại vào báo tin người nhà được cứu sống và cảm ơn nhưng tôi cũng quên hỏi tên”, anh Sơn kể lại.

Anh Sơn cho biết thêm, một số bà con kiều bào và người nước ngoài cũng lặn lội về đây tìm anh mong được cứu chữa. Riêng năm 2013, có sáu người Mỹ, một người ở Cộng hòa Séc, năm người ở Lào về đây xin thuốc. Một số người sinh sống ở Mỹ còn gửi cả thư và địa chỉ về nhờ ông gửi thuốc qua Mỹ. Gần đây nhất, có trường hợp một ca bệnh ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) bị chó dại cắn mà để quá lâu, được bệnh viện Trung ương Huế xác định phải thay máu mới cứu sống. Người nhà tìm ra nhà anh Sơn với chút hy vọng cuối cùng, kể lại tất cả biểu hiện và kết luận của bệnh viện. Anh Sơn lấy thuốc và dặn dò cách uống, đến nay bệnh nhân đã hồi phục mà không cần thay máu khiến người nhà rất vui mừng.

Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng.

Tháng 6/2014, lương y Lê Văn Sơn được hội Y học Cổ truyền Việt Nam trao tặng danh hiệu Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng lần thứ nhất. Trung bình mỗi năm, anh cung cấp cho bà con từ 800 – 1.000 liều thuốc trị và phòng bệnh dại khi bị chó cắn, cứu sống hàng trăm người từ lưỡi hái tử thần.

[nguon]Theo Lê Giang – Hằng Mai (ĐSPL).[/nguon]

Vượt lên số phận

Về Vĩnh Tú hỏi thăm ai cũng biết anh Lê Hữu Dực, một hội viên năng động của hội người khuyết tật xã Vĩnh Tú. Năm 1994 anh bị tai nạn bom mình và mất đi 2 cánh tay. Nhưng anh đã cố gắng vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

duc-3

Anh Dực đang sắp xếp cây giống để giao cho khách hàng

Anh tham gia hội người khuyết tật xã Vĩnh Tú từ ngày đầu mới thành lập, tham gia các hoạt động của  hội, anh luôn mong ước làm sao đó cho tất cả các người khuyết tật như mình có thể hòa nhập cuộc sống, được tham gia nhiều hoạt động giao lưu và được hổ trợ vay vốn phát triển kinh tế cải thiện đời sống của họ vốn đã nhiều khó khăn.

duc-1700 đồng/1 cây giống
duc-2
Chủ cơ sở: Lê Hữu Dực
Điện thoại: 0915.310.619
Địa chỉ: Ngã Ba Sa Lung, xã Vĩnh Tú , huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Theo Hội Người khuyết tật xã Vĩnh Tú.

MÙA GẶT

Hai chục năm trước làng mình cũng làm ruộng, mình yêu làng y như ông Hai yêu cái làng chợ Dầu của ông, dù đã xa cách mười mấy năm rồi. Cánh đồng chạy dài trước mặt làng, xung quanh là hai con mương nước trong xanh bốn mùa uốn lượn. Năm làm hai vụ lúa nhưng cứ nhớ nhất là mùa gặt vào khoảng thời gian này, trời vào hè, oi ả, giông tố bất ngờ rung cả lũy tre.

mua-gat

Ảnh minh họa.

Hồi còn nhỏ, nhà không làm ruộng, ba đi bộ đội mẹ đi dạy chỉ nhận thóc từ hợp tác xã, sau giờ dạy về nhà mẹ cởi cái áo sơ mi là khoác lên mình chiếc áo bộ đội của ba để lại gánh đôi triêng giống thoăn thoắt qua ràn (đồng) trồng khoai trồng sắn. Thỉnh thoảng mới thấy mẹ đi mượn chày cối về đâm thóc, ba đứa mắt cứ tròn xoe quanh cái cối gỗ, rồi mẹ giần sàng hạt gạo hồng hào dần dần lộ ra, được mẹ cất cẩn thận để hàng ngày chỉ nấu tầm lon sữa bò độn sắn độn khoai cho ăn. Chao ui, hồi ấy chỉ ước được bữa đau để mẹ cho ăn cơm không với quả trứng gà.

Cánh đồng trước làng cứ hai mùa xanh tốt, người ta trồng thứ lúa gì mình chẳng nhớ tên chỉ biết là cao gấp hai lần lũ trẻ tụi mình khi đó. Lúa tốt bời bời mà chẳng được bao nhiêu thóc, có điều nhìn cánh đồng mơn mởn sức xuân, ngã vàng lượn sóng trước làng thật đẹp. Lũ trẻ con thích thú biết bao trước cảnh tượng nhà nhà đi gặt lúa, già trẻ gái trai ra đồng. Tiếng liềm, tiếng hái loạc xoạc ngọt lịm cứa vào thân lúa. Người gặt lúa đi trước người gặt rạ đi sau, tiếng cười nói vang cả cánh đồng làng, thỉnh thoảng lại có tiếng hò hét vui vẻ vì đuổi theo chú cá tràu (cá lóc) hay cùng nhau bắt con rắn nước.

Lũ bọ muỗm cũng được mẹ vặt gãy cánh đem về nướng cho ăn. Chẳng biết cái nhọc nhằn của những người nông dân vất vả một nắng hai sương là gì, trong mắt bọn trẻ như mình hồi ấy chỉ thấy những ngày mùa sao mà vui đến thế. Thích nhất là đến công đoạn đạp lúa, từng bó lúa được mang vào nhà, rồi mấy o mấy chú, cả ông nội thi nhau ôm lấy cột nhà và lấy chân đạp, đạp rồi cào lên xới xuống cho đến khi chỉ còn rơm mới thôi. Bà nội thì rũ rơm và thu gọn chỗ lúa đã đạp. Mấy chị em léo lẻn đứng nhìn rồi chẳng xin xỏ chi cũng ôm cột nhà và đạp, ông nội nhìn cười sóm sém, chú Bảy cũng cười, thế là mấy đứa không bị nạt nộ chi tha hồ chơi trò đạp lúa. Chẳng biết rằng bàn chân nhỏ xíu trầy trụa và người hăm lên vì bụi lúa. Tối đó về mẹ vừa múc nước giếng tắm vừa quất cho mấy roi mót vào mông, vì rứa nên nhớ đến chừ.

mua-gat

Hết cái thời đạp lúa bằng chân, nhớ nhất cái cảnh sang nhà bác giáo Cần, bác đạp lúa bằng cái ròng rọc đúc bằng bê tông, trãi lúa ra đầy sân rồi kéo cái ròng rọc ấy chà đi chà lại trên ngọn lúa cho đến khi hết hạt mới thôi. Cả bọn trẻ xúm xít quanh sân nhìn ngắm. Trăng sáng tỏa đầy sân, từng hạt thóc vàng lấp lánh và những giọt mồ hôi cũng ướt đầm vai áo bác giáo già.

Những mùa gặt cứ thế đi vào kí ức của tuổi thơ vô cùng dữ dội. Ba về, chiều loang lỗ nghiêng bóng hàng tre, 9 giờ đêm ba còn giăng đèn măng song khai hoang đất đai. Những ngày nhọc nhằn vất vả để kiến tạo lại cuộc sống, năm ấy mình lên mười. Ba về, lúa chiêm, lúa bát ba không trồng nữa. Ba chọn giống lúa mới cây thấp là IER 38 đưa vào gieo cấy, ba mẹ làm gần mẫu ruộng, một trang sách mới mở ra. Chính thức kể từ ấy, ba đứa mỗi lần leo lên cành khế lại véo von câu hát: “Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa, tía em là một người nông dân, tía em cũng là người nông dân”!

Và rồi, ngày mùa lại đến, lúa càng ngày càng nhiều hơn trước. Trong gian nhà tranh thấp lè tè, ba căng bạt ngoài sân, thắp cái đèn dầu tù mù, vác cái bàn ra bên cạnh cái máy tuốt. Mẹ chia lúa cho ba đạp, tiếng rù rù, phành phạch suốt đêm. Những ngày này đang là mùa thi, ba đứa con gái ngồi dưới ngọn đèn dầu, tiếng muỗi, tiếng máy quay lúa, bụi bặm nóng nực, nỏ học được chữ mô cả. Ơn trời, nhờ phước ai mà năm nào cũng được học sinh giỏi…!

Khi lớn hơn một chút cả mấy chị em đều phải ra đồng, đứa mô cũng gặt lúa nhanh thoăn thoắt, đưa tay liềm ngọt lịm! Mặt trời lên hết đầu ngọn tre, đổ cái nóng xuống lưng mấy cô thiếu nữ, mặt đứa nào cũng đỏ lên, mồ hôi nhễ nhại tóc ướt quạnh. Ba bắt đầu thu dọn và bó lúa vác lên xe bò, mấy mẹ con gặt tiếp đám ruộng còn dang dỡ, lúa nặng tay, nhọc nhằn nhưng niềm vui tỏa rạng, bãi ruộng gặt xong chỉ còn trơ lại gốc rạ ngắn cũn, võ dưa đỏ vứt ngổn ngang hai bên bờ. Trông chừng công việc đã vơi, mẹ khi nào cũng ưu tiên cho mình về trước lo cơm nước, bữa cơm ngày mùa có bát canh khế nấu cá tràu ăn thanh mát nhớ mãi đến bây giờ.

mua-gat02Mùa Gặt

Những mùa vàng cứ thế theo về, từ nhà tranh nhà mình lên nhà ngói, nhà xây kiên cố có mái bằng và bia-tăng-đa để phơi thóc. Những ngày này, thóc được phơi đầy sân, đầy mái bằng, đầy bia-tăng-đa. Làng đã có máy tuốt, vèo một cái tuốt luôn cả mẫu ruộng, lúa ra lúa, rơm ra rơm không còn phải thức cả đêm để đạp cái máy quay cũ. Mẹ dặn: “Mây lên rừng thì dợ, mây xuống chợ thì mưa”. Nói thiệt, khi mô cũng trông mây lên rừng, chứ không một mình vật vã với mấy tạ thóc chỉ có mà kêu trời.

Có hôm mây sầm, bất ngờ vừa hốt vừa la làng, nước mắt hòa nước mũi khóc không lên tiếng. Thế rồi cũng qua, những buổi chiều đứng cào lúa trên bia-tăng-đa, phóng tầm mắt ra xa mà ngó bốn phương mười hướng, mà ngắm làng quê mình xanh một màu xanh bình yên, ngắm những ngôi nhà ngói đỏ, nhớ ngọn khói lam chiều trên mái bếp, vương vấn đến tận tương lai.

Rồi, đùng một cái, làng bỏ ruộng, mình trở về khi đã ra trường và đi làm. Cánh đồng làng trước mặt không còn nữa thay vào đó là những hồ cá lớn. Những ruộng lúa bây giờ trồng cỏ nuôi bò. Mấy trăm năm trồng lúa không làm cho người dân giàu lên được, người làng bây giờ thoát ly hết, lao động ít, ruộng đất nhiều, chuột bọ phá lắm, tính về lợi nhuận làm ruộng chẳng được là bao. Biết thế nhưng vẫn xót xa nhớ cánh đồng xưa biết bao!.

Mỗi mùa đông đến lại nhớ mùi cốm thơm mà trong cặp đứa nào cũng mang theo một túi bóng. Nếp được trồng ở ruộng nẩy gần Khe Đỏ. Mùa về, lũ học trò lại chạy băng xuống khe, xuống đám ruộng nhà ông Hải “ăn trộm” nếp. Những hạt nếp tròn mẫy đang chuyển sang màu vàng được tuốt lấy tuốt để rồi ngả nắp soong bắc lên bếp. Những hạt thóc nếp nở bung trắng như những bông hoa nhỏ, thơm lừng góc bếp, thơm cả kí ức tuổi học trò.

Hôm nay đi làm về, chạy qua đường Hai Mươi thấy cơ man là thóc rạ trên đường. Người dân cào quét lúa, mùi lúa thơm cả con đường, mùi rơm rạ theo chân người qua đường đi khắp. Bỗng thấy nhớ làng, nhớ mùa gặt, nhớ cả cánh đồng bất tận của một thời đã qua.

Nhung Nguyễn