Lưu trữ cho từ khóa: huu chu

Ăn khoai lang mà phải đeo kính

Tôi đang mãi mê cày ruộng. Trời đã trưa khi nào chẳng biết, đến lúc bụng đói cồn cào tôi mới sực nhớ. Vừa lúc nớ vợ tôi bới cơm ra, đứng đầu bờ ruộng đon đả giục tôi lên ăn cơm.

Rứa là phải bụng tôi lắm. Tôi liền mở trâu, rửa ráy tay chân, nhảy lên bờ ngồi bài xoai trên bãi cỏ. Tôi mở cơm ra, mùi khoai lang bốc lên thơm phức, nghe nhức cả mũi. Đói quá, tôi liền vội cầm lên một củ khoai lang cho vào miệng cắn một miếng rõ to, chưa kịp nuốt thì hắn đã nghẹn lấy cổ làm tức thở, ho lấy ho để, bụi bay ra mù mịt. Hai mắt tôi nhắm nghiền lại không thấy gì nữa cả, tôi lim đi. Vợ tôi thấy vậy hoảng hốt liền gọi người đưa tôi đi viện cấp cứu.

khoai-lang-1

Lên bệnh viện họ đưa tôi vô phòng cấp cứu. Họ kiểm tra đi kiểm tra lại cũng không thấy tôi có vấn đề chi cả.

Nằm một lúc tôi tỉnh lại, bác sĩ liền hỏi:
– Bác bị lăn xe bổ tàu chi à?
– Dạ không.
– Rứa có bị đùi lẻ chi đâm vô mắt không?
– Dạ cũng không.
– Rứa là vì lẽ gì…?

Mấy ông bác sĩ đoán không ra bệnh rồi lại chuyển tôi qua khoa mắt. Mấy O bác sĩ béc mắt tui ra coi xong rồi họ khêu ra một đống bột trắng, không biết là bột chi, họ liền đưa vô phòng xét nghiệm. Sau một thời gian ngắn họ khẳng định đó là bột khoai lang. À té ra khi đói bụng tôi vội cắn củ khoai làm bụi bay vô mắt gây tai nạn thế ni đây. Rút kinh nghiệm cho nên về sau cả làng tui từ già trẻ, gái trai mỗi khi ăn khoai lang đều phải đeo kính để bảo vệ mắt và bảo vệ tính mạng cho mình và những người xung quanh.

Hữu Chư

Đi săn trâu ri

Vào mùa đông, đàn trâu ri thường kéo nhau về rú Ông Đồn để trú ngụ. Chúng rất hung dữ, phá phách nương rẫy của bà con, làm cho nhiều người phải sợ.

trau-rung-trang-vinh-hoang

Một hôm, chúng tôi rủ nhau đi săn. Chúng tôi chia làm hai toán. Một toán thì mang theo trống, mõ, thanh la để xua đuổi còn một toán gồm những người có sức khỏe mang theo giáo, mác ngồi chực chờ ở các lỗ eo. Khi có tiếng trống xua đuổi thì một con trâu ri lao tới. Nó có cặp sừng nhọn hoắt, cặp mắt đỏ ngầu trông rất hung dữ. Nó vừa lao tới, ông Hậu nhảy ra đâm một mác nhưng không thể xuyên thủng vào mình nó. Con trâu quay lại, ngoái sừng vào bụng ông móc ra một mớ ruột kéo dài loòng thoòng.

Bên này tôi kịp lao đến, lấy hết sức phóng một mác vào nách con trâu. Mác sập vào sâu tôi đè lấy nhưng con trâu vẫn chưa chết, hắn điên tiết lên vùng mình một cái hất tôi bay bổng lên trời. Lúc rớt xuống tôi bíu được một ngọn cây non. Con trâu ở dưới đất cứ láy cặp sừng nhọn hoắt cứ hẫy lên, hẫy xuống làm tôi rợn hết tóc gáy. Tôi nghĩ: “Mụi ni e phải chết với con trâu ni rồi có”. Đang lúc bí, tôi mới chợt nhớ tới con chó khoang ngôn ngoan của tôi, tôi mới gọi “ơi khoang cứu tau cùng”. Con chó khoang nghe tiếng tôi, từ đằng xa nó liền lao đến, nhắm bộ hạ con trâu đớp một phát chí mạng. Con trâu bất ngờ bị tấn công thêm một phát, đau quá, nó chuyển sang đuổi con chó. Con chó khôn ngoan giả thua bỏ chạy. Con trâu được thế đuổi theo nó. Tôi nhảy xuống xách cây mác lần theo vết máu, rẽ lối đuổi theo con trâu.

Đến một khoảng xa tôi nghe thấy “huỵch” một cái rồi nghe thấy tiếng người là hét vang lên “tiên tao, tiên tao”. Tôi chạy tới thì không thấy ai hết ngoài ông Toản đang cắm cây mác đè lên con trâu, miệng hô toáng lên “đây là tiên tao, đây là tiên tao”. Tôi mới cười “nỏ ai như cha Toản, ngồi chực lỗ eo, đè lỗ cộ người ta đâm vô một mác rồi hô tiên tao, tiên tao mụi thôi nọ!” Không biết ông Toản thật hay giả mà để lại tiếng cười cho đến ngày hôm nay.

Hồi đó ai đâm được mác đầu tiên gọi là mác tiên sẽ hưởng được cái đầu. Ai đâm mác thứ hai gọi là mác nhì thì được cái noọng. Phần còn lại được xẻ ra chia đều cho mỗi nhà một miếng.

Hữu Chư

Cá đô 7 món

Tôi vừa đi làm về, nóng quá, cởi áo vắt trên vai định đi xuống bàu để tắm cho mát. Sẵn cái cần câu trên mái nhà, tôi rút đi luôn. Xuống đến bàu tôi thấy một con cóc nhảy lổm xổm bên vạt rau, tui liền chộp lấy, móc vô lại câu làm mồi.

ca-do-bay-mon

Tôi đứng bên ni, lấy đà vất câu ra giữa bàu không ngờ chạc câu cứ thẳng rò ro qua tận bên tê Truông Hàn. Tui nghĩ thầm trong bụng: “Thôi rồi, mụi ni lại câu móc vô côộc trâm bầu rồi, ai qua mà gỡ ra cho được”. Đang lúc bí thì may thay có con cuốc cuốc từ trọng bụi nhảy ra đớp lấy mồi rồi chạy. Tôi mừng quá, giật lấy cần câu, con cuốc cuốc bị mắc câu nhảy lồng, nhảy phách lên. Ở mô một con chồn chộ con cuốc cuốc đang giãy giụa thì nhảy ra chụp lấy. Hay quá, nếu được hai con thì càng tốt, thế là tôi giật câu mắc cả chồn kéo xuống bàu. Tôi vừa kéo ra một đoạn thì thấy cái gì như cái nồi bung nổi lên, đen trùi trũi giữa bàu.

Tui mừng thầm trong bụng: “Mụi ni câu được chồn với cuốc cuốc lại có thêm được cái nồi bung để nấu nữa thì thật là tuyệt”. Tôi cẩn thận kéo cả chồn và móc thêm cái nồi bung vào gần đến bờ để lấy luôn một thể. Kéo gần vô tới bờ thì bỗng nhiên cái nồi bung động đậy rồi nhấn luôn cả con chồn lặn xuống, tí chốc lại nổi lên. Tôi dòm kĩ, té ra không phải cái nồi bung mà là cái sọ của con cá đô nổi lên. “Kiểu ni là cá đô đớp chồn rồi”. Tôi giật mạnh. Cá đô đã bị mắc câu, lạo vùng vẫy thiệt dữ làm cho bọt nước bắn tung tóe, mù mịt cả đất trời. Cá to có khác, khỏe gớm, hắn kéo đi, tôi bấm cẳng trì lại. Hai bên giằng co căng thẳng, chạc câu căng ra như dây đờn, gió nam đánh vào kêu tững tưng, tững tưng,.. Tôi nghĩ trọng dạ “Già néo e đứt dây”.

Lúc này tôi không đọ sức với hắn nữa mà chự chạc câu thiệt chắc. Tôi cầm cự với hắn từ trưa đến chiều, lúc hắn đã yếu thế đọa rồi tôi mới cuốn câu kéo lên bờ được. Bà con dân làng tới coi rất đông. Họ xúm vô phụ kéo lên đến tận đường cái. Chộ cấy cuốc tai của ai bỏ bên đàng, tui túm lấy xớt trốc hết bảy hết bi, cái mô cấy nấy to như thể quạt mo, bà con cầm mỗi người vài cái về mần quạt.

chim-cuoc-cuoc

Còn con cá, tui bảo mọi người khiêng về nhà tui mần thịt. Mổ cá ra thì được chồn, mổ chồn ra thì được con cuốc cuốc, mổ cuốc cuốc ra thì được gần một rá tép lẫn với tôm. Dân làng tự chia chắc, người thì làm cá, người thì mần tôm, người thì làm thịt chồn, người thì làm thịt cuốc cuốc, mỗi con làm vài món. Món tép thì rang, món cá thì rán, món lòng thì kho sả ớt, món thì xương rim, món thì chả cá, món thì thịt hấp cất thủy, món thì làm lẩu,…

Trời cũng đã tối rồi nên mọi người bảo nhau thôi làm 7 món đã. Kẻ đun nước, người chụm lửa, đốt rơm, kẻ qua người lại, khói khắm um xùm, không khí rộn ràng cả lên làm như nhà ai có đám cưới, đảm hỏi vậy.

Nấu nướng xong, bà con trong làng với nhà tui tụ họp làm một bựa liên hoan thiệt chi là bui. Ăn cá đô 7 món với mần thêm vài xị riệu gạo nữa thì không có chi bằng mấy eng, mấy ả nờ.

Hữu Chư