Chuyên mục lưu trữ: Quảng Trị

Cập nhật tin tức mới nhất, nhanh nhất và đầy đủ nhất về Quảng Trị, Tin tức Quảng Trị được cập nhật hàng giờ và liên tục hàng ngày.

Quảng Trị – Công bố đề án xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu quốc tế La Lay

Ngày 13/11, tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ công bố Quyết định của Chính phủ về phê duyệt đề án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị theo tỷ lệ 1/500.

cua-khau-la-lay

Lễ công bố đề án xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu quốc tế La Lay. (Nguồn: quangtri.gov.vn)

Ngày 13/11, tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ công bố Quyết định của Chính phủ về phê duyệt đề án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị theo tỷ lệ 1/500.

Mục tiêu đề ra là xây dựng khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay thành cửa khẩu kiểu mẫu với trang thiết bị hiện đại, trở thành động lực phát triển mới của tỉnh Quảng Trị.

Đây là cầu nối quan trọng trên hành lang kinh tế song song với Hành lang kinh tế Đông-Tây, tăng cường hoạt động kinh tế thương mại giữa Việt Nam-Lào, củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên giới; tạo cơ sở pháp lý và định hướng nội dung, mục tiêu chính trong việc lập và phân kỳ dự án đầu tư xây dựng tại khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay giai đoạn 2015-2020. Qua đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho khu vực này gần 24.000 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách Trung ương chiếm 50%.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, cho biết để triển khai đề án này, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị chuẩn bị đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà kiểm soát liên hợp; hệ thống giao thông trục chính; nâng cấp Quốc lộ 15D kéo dài; duy tu một số hạng mục tại khu vực nhà ga cửa khẩu; dự án san nền và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại khu vực trung tâm cửa khẩu quốc tế La Lay… Đây là những dự án lớn mang tính động lực, tạo đà thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay.

[nguon]Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/cong-bo-de-an-xay-dung-co-so-ha-tang-cua-khau-quoc-te-la-lay/355045.vnp[/nguon]

Quảng Trị – Thêm khu kinh tế 24.000 hecta

Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị vừa được Chính phủ cho phép thành lập trên địa bàn 17 xã, thuộc 3 huyện.

khu-kinh-te-dong-nam-quang-tri-2016

Cảng biển nước sâu tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có thể đón tàu lên đến 100.000 tấn. Ảnh: Ban quản lý khu kinh tế Quảng Trị

Tỉnh Quảng Trị vừa công bố xây dựng khu kinh tế phía Đông Nam tỉnh được Chính phủ quyết định thành lập vào tháng 9/2015, với các khu chức năng công nghiệp, du lịch dịch vụ, khu dân cư, khu cảng… Quy mô dân số đến 2030 được dự kiến là 90.000 người.

Khu kinh tế được thành lập nhằm phát huy tối đa lợi thế, thu hẹp khoảng cách giữa tỉnh Quảng Trị với các vùng trong cả nước, trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, trung tâm giao thương quốc tế…

Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện đã có 4 dự án triển khai các giai đoạn đầu tư vào khu kinh tế này. Trong đó, nhà máy nhiệt điện công suất 2.400 MW, với vốn đầu tư 2,26 tỷ USD do Công ty điện lực quốc tế Thái Lan là chủ đầu tư, cùng với 2 dự án nhiệt điện, điện khí khác sẽ đưa Quảng Trị thành trung tâm nhiệt điện, điện khí miền Trung.

khu-kinh-te-dong-nam-quang-tri-13-2015

 Hạ tầng hiện tại ở khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo

Trung tâm phức hợp năng lượng này, ngoài phục vụ nhu cầu trong nước sẽ xuất  khẩu sang các nước lân cận, tiến tới phát triển hành lang năng lượng kết nối Việt Nam – Lào – Thái Lan.

Trong khi đó, dự án cảng biển Mỹ Thủy là đầu mối trung chuyển hàng hóa, cửa ra thuận tiện và ngắn nhất trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC). Cảng Mỹ Thủy có độ sâu -17,5 mét, đón tàu có trọng tải đến 100.000 tấn, vốn đầu tư 630 triệu USD được 8/9 bộ ngành chấp thuận đầu tư. Ngoài ra, một số dự án di dân, tái định cư đang được khởi động để thực hiện các dự án động lực quy mô lớn ở trên.

[nguon]Nguồn: http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/them-khu-kinh-te-24-000-hecta-o-quang-tri-3310938.html[/nguon]

Ký ức về mái trường xưa

Tôi về thăm lại trường xưa
Tóc đà sợi nắng, sợi mưa trên đầu…

Năm học 1961-1962 sau khi học xong lớp vỡ lòng, tôi vào lớp một Trường Phổ thông cấp I Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Thầy giáo chủ nhiệm chúng tôi là thầy Huệ, một người thầy hiền từ, nghiêm khắc và hết lòng yêu thương học sinh.

ky-niemCán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Tú qua các thời kỳ

Trường chúng tôi có 8 lớp học, bốn lớp A học buổi sáng, bốn lớp B học buổi chiều. Lúc đó, trường chỉ là một ngôi nhà mái tranh, phên đất với bốn phòng học nên các thầy cô giáo phải làm việc, hội họp ở nhà ông Tả. Các thầy giáo, cô giáo đều trẻ, vui… Ngoài các tiết học, các thầy cô còn dạy hát, tổ chức vui chơi cho chúng tôi. Những bài học thuộc lòng như “Học đi em, học đi mà nhớ mãi”, “Chú Hải quân”, “Quê em ở vùng biển”… hay những bài hát “Mời Bác về thăm quê cháu”, “Một hố chông diệt một tên lính Mỹ”, “Em đi thăm miền Nam”… Những bài hát, bài học thuộc lòng luôn in đậm trong tâm trí mỗi bạn nhỏ chúng tôi. Ngoài buổi học, nhà trường còn tổ chức lao động. Công việc chủ yếu là vệ sinh trường lớp. Tôi cùng các bạn dùng ống tre lấy nước ở bàu Thủy Ứ đổ vào bể cạn để rửa tay và phòng để chữa cháy hay phân công bảo vệ, chăm sóc hàng cây xà cừ phía trước trường với khẩu hiệu “Ông trồng cháu chăm”. Trường chúng tôi có vườn thực hành được chia thành luống nhỏ để trồng ngô, cải, cà chua, đu đủ… Lớp 1A của tôi được phân công chăm bón luống cà chua, đến mùa cho rất nhiều quả to, đỏ mọng. Thầy giáo chủ nhiệm chúng tôi nói vui: “Nếu đem ra chợ bán thì 1 quả 5 xu, còn bán cho học sinh trong lớp thì rẻ thôi, 2 quả 1 hào”…

Giờ chào cờ đầu tuần là hoạt động mà chúng tôi mong đợi nhất. Cả ngày chủ nhật nghỉ học, chúng tôi cứ mong ngày thứ hai đến trường thật sớm để được chào cờ và hát Quốc ca. Đặc biệt, chúng tôi được nghe thầy Hiệu trưởng Hoàng Kim Châu kể chuyện về Bác Hồ, về miền Nam đang đấu tranh chống Mỹ – Diệm, phản đối bọn chúng dùng máy chém, rào ấp chiến lược, thảm sát ở nhà tù Phú Lợi… Thầy hiệu trưởng còn phát động những phong trào như “Sạch như bệnh viện, đẹp như công viên”, “Lao động tốt như bác nông dân, tập hợp nhanh như anh bộ đội”, phong trào “Hai tốt”, “Tiếng trống Bắc Lý”…

Năm học 1963-1964, tôi học lớp 3 và được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Vào dịp này chúng tôi được nhà trường phát động, hưởng ứng phong trào “Làm ngàn việc tốt” từ sáng kiến của thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Tổng phụ trách đội Trường cấp II Liên Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Tôi và các bạn tích cực hưởng ứng với những việc làm cụ thể như đi học về không chặn đường đánh bạn, không rảy mực vào áo bạn, ra đường luôn đi về bên phải, gặp người lớn phải đứng lại chào, giúp ba mẹ làm việc nhà, đi chăn trâu bò không để trâu bò ăn lúa, hoa màu của hợp tác xã… Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, chúng tôi hăng hái hưởng ứng phong trào như thế…

Năm học 1964-1965 đế quốc Mỹ ném bom xuống thị trấn Hồ Xá, giết hại thầy giáo và một số học sinh ở trường cấp III vào chiều ngày 8/2/1965. Chúng tôi không học ở trường nữa mà chuyển về học ở nhà đội của Hợp tác xã thôn Tây. Bàn viết sử dụng ghế băng, chỗ ngồi dùng lá chua mót trải xuống. Một thời gian sau chúng tôi chuyển sang học ban đêm vì máy bay Mỹ tập trung ném bom vào ban ngày. Nói là ban đêm nhưng từ 11, 12 giờ trưa chúng tôi đã lục tục đến trường. Chỗ tập kết là rú Dầu Sở, trò chơi mà chúng tôi thích nhất là “mèo đuổi chuột”. Chúng tôi đuổi bắt nhau, trên những cành cây dầu sở sum suê đan chéo vào nhau… Để chuẩn bị cho buổi học ban đêm, ngoài sách vở, dụng cụ học tập còn có một cây đèn dầu hỏa có cấu tạo đặc biệt, lúc không sử dụng thì ấn tim đèn vào trong chai (phía dưới có cái lò xo) rồi đậy kín nắp cho dầu khỏi đổ ra. Khoảng 9,10 giờ đêm buổi học kết thúc, chúng tôi ra về bụng đói meo nhưng vẫn hát nghêu ngao tận các ngõ nhỏ.

Năm học 1965-1966, tôi lên học cấp 2. Thế rồi chiến tranh ngày càng ác liệt, từ tháng 8, 9 năm 1967 học sinh trường cấp I, cấp II chúng tôi phải sơ tán ra các tỉnh phía Bắc theo kế hoạch K8, K10. Các thầy giáo, cô giáo, anh chị phụ trách cùng chúng tôi vượt qua đạn bom ác liệt ra miền Bắc tiếp tục học tập. Ở nơi sơ tán, chúng tôi được ông bà, bố mẹ, anh chị nuôi, các thầy giáo, cô giáo chăm sóc, nuôi dạy chu đáo làm dịu đi những mất mát, hy sinh và nỗi nhớ nhà. Nhưng từ sâu thẳm, chúng tôi luôn khao khát được sống bình yên, được học tập, vui chơi dưới mái trường quê hương không còn bom đạn quân thù.

Từ tháng 5 đến tháng 7/1973 từ các nơi sơ tán đồng bào K10, học sinh K8 trở về quê hương sau 6 năm xa cách. Ở quê nhà cán bộ và nhân dân khẩn trương dựng các phòng học bằng tranh tre để kịp cho các cháu vào năm học mới. Ngày Chủ nhật 23/9/1973 các trường ở khu vực Vĩnh Linh tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Trường Phổ thông cấp I Vĩnh Tú bước vào năm học 1973- 1974 ngay trên mãnh đất trường cũ…

Vậy mà đã sáu mươi năm, ngôi trường tuổi thơ tôi đã tròn 60 tuổi. Chúng tôi, những cựu học sinh của Trường Phổ thông cấp I Vĩnh Tú năm nào giờ cũng đã thành ông, thành bà, có người thành đạt, cũng có người trở về nơi đồng đất quê mình và cũng có những người bạn của chúng tôi nằm lại nơi chiến trường xa. Nhưng dù ở đâu thì hình ảnh mái trường xưa, ký ức về tình thầy trò, tình thân bè bạn thuở nào vẫn còn mãi trong chúng tôi. Xin phép mượn lời thơ của một học sinh cũ để kết thúc bài viết này: Dù cho tung cánh muôn phương/ Ơn thầy, tình bạn, nghĩa trường không quên.

NGUYỄN ÂN CẦN (Nguyên Hiệu trưởng Trường PTCS Vĩnh Tú 1987-1991)

[nguon]Nguồn:http://tinquangtri.com/ky-uc-ve-mai-truong-xua.html[/nguon]