Chuyên mục lưu trữ: Quảng Trị

Cập nhật tin tức mới nhất, nhanh nhất và đầy đủ nhất về Quảng Trị, Tin tức Quảng Trị được cập nhật hàng giờ và liên tục hàng ngày.

Dạy trẻ khuyết tật: Không chỉ là yêu thương…

GD&TĐ – Với các thầy cô giáo làm công tác giáo dục học sinh khuyết tật, chỉ niềm say nghề là chưa đủ; để thực sự gắn bó với công việc lắm gian nan này còn cần rất nhiều sự hy sinh và tình yêu thương…

Có thể thấy rõ điều này trong câu chuyện của những nhà giáo được vinh danh tại Lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ ba tổ chức sáng nay (26/11) tại Hà Nội.

tuyen-duong-day-tre-giao-duc

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các thầy cô giáo

Thầy cô như cha, mẹ

Không đơn giản chỉ là dạy học, các thầy cô giáo làm công tác giáo dục học sinh khuyết tật còn phải kiêm thêm rất nhiều công việc mà có lẽ chỉ có thể hoàn thành với tấm lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ, người cha.

N.V.T – học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám (Cam Lộ, Quảng Trị) – bị cụt hai cánh tay, hai chân lại một ngắn, một dài nên vận động vô cùng khó khăn. Những ngày đầu cắp sách đến trường với em thật gian nan vô cùng, không chỉ bởi những khuyết tật ngoài cơ thể mà là sự nhút nhát, mặc cảm và tự ti khiến em khó lòng hòa nhập cùng bạn bè, cùng môi trường mới.

Kể về học sinh của mình, cô Hoàng Thị Sành không nhớ nổi mình đã phải mất bao nhiêu thời gian ở bên T để động viên, an ủi, giúp em cảm nhận được tình cảm yêu thương để vượt qua mặc cảm.

“Quản lý một trường có nhiều thuận lợi mà nhiều khi tôi còn thấy khó khăn vô cùng. Vậy nên khó có thể hình dung các thầy cô giáo làm việc trong hệ thống giáo dục học sinh khuyết tật, nhiều trường lại trong điều kiện khó khăn, còn gian khó đến mức nào. Tôi thực sự khâm phục các thầy, cô” – NGƯT Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).

Do không tự phục vụ được bản thân nên mọi sinh hoạt của Tài ở trường, kể cả việc đi vệ sinh, cô Sành đều phải hỗ trợ

“T mất hai tay nên tôi đã hướng dẫn, giúp em kẹp bút vào chân để viết. Khỏi phải nói thời gian đầu, cả cô và trò đã vất vả như thế nào, nhiều lúc mồ hôi đầm đìa, đôi chân tê dại. Nhưng công sức đã được đền đáp khi chỉ cuối năm lớp 1, T đã có thể viết được những chữ cái đơn giản bằng chân.

Ngoài giờ dạy văn hóa, tôi cố gắng giành thời gian hướng dẫn T những kỹ năng cơ bản để em có thể sống tự lập, tự phục vụ, giảm đi sư phụ thuộc vào người khác một cách tối đa có thể” – cô Hoàng Thị Sành tâm sự.

Câu chuyện của thầy giáo Đoàn Văn Ninh – Trường mầm non Đông Mai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) – cũng khiến mọi người cảm phục và xúc động.

Là thầy giáo dạy trẻ mầm non, chỉ bản thân công việc đó thôi cũng đã là thách thức, nói gì đến dạy trẻ mầm non khuyết tật. Ấy vậy mà, hơn 10 năm qua, thầy Đoàn Văn Ninh đã miệt mài đến từng gia đình có trẻ khuyết tật để vận động cha mẹ đưa con đến lớp.

Bằng kiến thức tự học, bằng kinh nghiệm nhiều năm và trên hết là tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình, yêu nghề, thầy Ninh đã làm thay đổi nhận thức của rất nhiều phụ huynh cũng như của cộng đồng về trẻ khuyết tật.

Cũng với vốn kinh nghiệm ấy, thầy đã chủ động, tình nguyện bồi dưỡng, chia sẻ cho các đồng nghiệp trong trường, trong huyện, hỗ trợ các thầy cô khác cách xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật, giúp các em được học hòa nhập một cách tự nhiên, phù hợp và có chất lượng.

“Nếu trẻ khuyết tật không được học hòa nhập tốt ở bậc học mầm non, thì làm sao các em có thể hòa nhập và học tốt ở tiểu học” – thầy Đoàn Văn Ninh chia sẻ chân tình.

Còn vô vàn những tấm gương cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ khuyết tật trên khắp mọi miền đất nước, hàng ngày hàng giờ cống hiến và hy sinh thầm lặng. Có những thầy cô đã gắn bó với công việc đầy vất vả, gian nan này cả cuộc đời mình.

Có thể nói đến nhà giáo Võ Thị Hải Nam (Trường THCS Hùng Vương, Tràng An, thành phố Huế). Trong 17 năm liên tục tham gia dạy học sinh khuyết tật, cô đã vận động 100% học sinh khiếm thị trên địa bàn tới trường. Năm học 2009 – 2010, học sinh khiếm thính của cô đã vinh dự đạt giải nhì cuộc thi viết thư UPU toàn quốc.

Hay thầy giáo Quách Nam Phong (Trường THCS Yên Mỹ – Yên Mô, Ninh Bình), không chỉ hết lòng yêu thương học sinh khuyết tật, thầy đã biến tình yêu đó thành những sáng kiến kinh nghiệm quý. Rất nhiều sáng kiến của thầy đã được áp dụng, nhân rộng trong các nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Tố Lan – Giám đốc Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật huyện Quảng Trạch, Quảng Bình – trong 18 năm công tác đã tích cực tham mưu cho UBND huyện nâng cấp từ một cơ sở giáo dục chuyên biệt với số lượng học sinh ít ỏi thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại một vùng đất còn rất nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.

Rồi còn rất nhiều những cái tên khác, như các nhà giáo: Mai Thanh Hải (Trường THCS Quang Trung, Chư Prông, Gia Lai), Nguyễn Thị Lệ Hằng (Trường THCS Thượng Long, Phú Thọ), Nguyễn Thị Huệ (Trường THCS Khai Quang, Vĩnh Phúc)…Các thầy cô đã luôn tìm tòi, sáng tạo, vận dụng các giải pháp để giúp học sinh khuyết tật từng bước hòa nhập với các bạn trong trường, trong lớp, cộng đồng, có nhiều tiến bộ trong học tập. Công việc đó không hề đơn giản vì là cả một quá trình bền bỉ, kiên trì và không ít khó khăn.

tuyen-duong-day-tre-giao-duc-2015

Cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu chia sẻ kinh nghiệm giáo dục học sinh khuyết tật

Những ước mong giản dị

Rất nhiều khó khăn trong công việc, nhưng thật cảm động, khi những ước mong của các thầy cô trước lãnh đạo Ngành chẳng hề vướng chút quyền lợi riêng tư.

Tại lễ tuyên dương,194 nhà giáo đã được vinh dư nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong số này có 57 là cán bộ quản lý, 137 giáo viên các cấp học. Đây là những nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho các vùng miền trong cả nước, là những tấm gương sáng về tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Xúc động và tự hào khi được thay mặt hàng nghìn giáo viên dạy trẻ khuyết tật trên cả nước tham dự lễ tuyên dương, cô Võ Thị Hải Nam chỉ mong mỏi lãnh đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức nhiều cuộc giao lưu, học hỏi, gặp gỡ hơn nữa để bản thân được học hỏi những kinh nghiệm quý trong giáo dục học sinh khuyết tật của đồng nghiệp.

Cô Hải Nam cũng mong muốn có thêm nhiều tài liệu tham khảo hơn nữa để phục vụ công tác giảng dạy được tốt hơn. “Tôi mong rằng, sẽ có một cuốn sổ tay nói về cách dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập; hoặc được bổ sung thêm tài liệu giúp giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân cho từng học sinh khuyết tật” – cô Nam chia sẻ ước mong giản dị.

Kiến nghị của cô Hải Nam cũng là tâm tư, mong muốn của những giáo viên khuyết tật tâm huyết với nghề.

Chia sẻ với những khó khăn của các thầy cô giáo, ông Nguyễn Đức Hữu – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Công tác giáo dục học sinh khuyết tật trong thời gian qua, dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhiều khó khăn vẫn còn hiện hữu.

Đó là nhận thức của cộng đồng về giáo dục hòa nhập; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia giáo dục học sinh khuyết tật; môi trường học tập, sinh hoạt của trẻ em học hòa nhập; vấn đề chính sách, cơ chế, chương trình, tài liệu, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục phục vụ dạy hoa nhập; việc huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội và cộng đồng…

Để vượt qua những thách thức đó, ông Nguyễn Đức Hữu cho rằng, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của ngành Giáo dục, sự chăm lo của toàn xã hội, việc phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp tham gia giáo dục trẻ khuyết tật là vô cùng quan trọng và cần thiết.

“Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng, các cán bộ quản lý và giáo viên tiêu biểu được tôn vinh ngày hôm nay sẽ là lực lượng nòng cốt và tiếp tục tỏa sáng trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật ở các địa phương và trên toàn quốc” – ông Nguyễn Đức Hữu gửi gắm.

Nguồn Giáo Dục Thời Đại

Chàng kỹ sư xây dựng mê…đồ nghề làm bánh

Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật công trình thủy ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng)  nhưng Lê Cảnh Cường (24 tuổi) lại chọn cách mưu sinh không chút dính dáng gì đến ngành học đã theo đuổi suốt 5 năm: bán dụng cụ và nguyên liệu làm bánh. Từ những ngày đầu tập tễnh chưa biết gì, đến nay, cửa hàng nhỏ của Cường đã thu hút được sự chú ý của khá nhiều khách hàng, từ khách lẻ đến khách sỉ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng

Cầm trên tay tấm bằng d, nhưng chàng trai người Quảng Trị này lại rất có “máu” kinh doanh. Tốt nghiệp ĐH năm 2014, Cường xin vào làm trong một công ty xây dựng ở Đà Nẵng. Do công việc khá vất vả, phải đi khảo sát, thực địa ở nhiều địa hình rừng núi phức tạp ở Nghệ An nên sau 2 tháng thử thách, Cường nghỉ việc và khăn gói ra Hà Nội tìm kiếm cơ hội mới. Tại đây, Cường phụ giúp người dì giao hàng và bán các dụng cụ, nguyên liệu làm bánh. Thấy lĩnh vực này có nhiều tiềm năng, Cường quyết định “làm liều”, quay lại Đà Nẵng để thử sức kinh doanh ngành hàng này. “Hồi đó, Đà Nẵng chưa có nhiều nơi bán dụng cụ và nguyên liệu làm bánh. Nếu có thì giá cũng khá cao do một số loại phải nhập từ nước ngoài về nên ít người quan tâm. Biết là khó nhưng vì mặt hàng này khá mới mẻ, lại đa dạng và thú vị nên mình quyết đem về bán cho bằng được” – Cường chia sẻ.

chang-ky-su-xay-dung-lam-banh

Lê Cảnh Cường bên quầy hàng nhỏ của mình.

Nói là làm, từ đầu năm 2015, Cường bắt đầu lân la thăm dò ý kiến khách hàng trên mạng. Ai cần mặt hàng nào, Cường đặt mua về bán lại cho khách. Với số tiền 5 triệu dành dụm được từ những ngày đi làm trước đó, Cường nhập về những mặt hàng cơ bản, được nhiều người hỏi mua trước. Cứ thế rồi xoay vòng vốn, Cường thuê một căn nhà nhỏ để chứa hàng, mua một tủ lạnh cũ để cất đồ đông lạnh, tự tay đóng các kệ hàng từ những thanh gỗ cũ. Có khi nhập hàng với số lượng lớn, không đủ tiền, Cường phải… ghi nợ. Công việc lúc đầu gặp nhiều khó khăn, bởi một mình phải lo toan mọi thứ, từ đặt hàng, xếp hàng tới tư vấn cho khách, kiêm cả giao hàng.

Kể về những ngày đầu kinh doanh, Cường nói: “Có khi khách gọi giao hàng, mình phải đóng quán và ghi bảng “Đang giao hàng, vui lòng chờ 5 phút” treo trước cửa để khỏi mất khách, rồi tranh thủ giao hàng nhanh. Nhiều khi đến nơi giao hàng lại không có người nhận, gọi điện không được, đành phải tiu nghỉu ra về”. Nhiều rủi ro là vậy, nhưng chàng trai mê kinh doanh ấy vẫn không bỏ cuộc.

Đến nay, sau gần một năm hoạt động, Cường thuê thêm hai người phụ việc, nhờ vậy mà công việc đỡ áp lực hơn. Căn trọ nhỏ cũng là cửa hàng của Cường nay có gần như đầy đủ các dụng cụ làm bánh, từ đồ thủ công cho đến máy móc đắt tiền và đa dạng các loại nguyên liệu làm bánh, làm nước uống… Ngoài các khách hàng nhỏ lẻ, Cường còn chuyên bán sỉ nguyên liệu cho một số cửa hàng bánh ngọt gia đình, các trường dạy nghề, quán café trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Cường còn cung cấp nguyên liệu cho các thị trường Quảng Trị, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Nghệ An, Gia Lai, Đắc Lắc… với giá khá mềm, được nhiều khách hàng ưa chuộng. “Điều may mắn nhất của mình là gia đình luôn ủng hộ mọi việc mình làm và được khách hàng tin tưởng, lui tới thường xuyên”-Cường tâm sự.

ky-su-lam-banh

Cường đang tư vấn cho khách về các loại nguyên liệu và dụng cụ làm bánh.

Bị khách nhầm là… chị chủ!

Do không biết gì về ngành hàng này, lại không có người chỉ dạy, Cường phải tự mình tìm hiểu từng chút một mỗi khi nhập hàng về bán cho khách. Có khi, Cường phải hỏi qua chính nơi mình nhập hàng, cũng có khi chính khách hàng lại là người chỉ lại cho Cường những kiến thức cơ bản về các loại nguyên liệu. Với tinh thần ham học hỏi, một ngày làm việc của Cường có khi kéo dài đến tận 11-12 giờ đêm vì phải nghiên cứu thị trường và tìm hiểu các ngành hàng. Nhờ vậy mà từ một anh chàng không biết gì về những thứ liên quan đến bánh ngọt, nay Cường đã rành rẽ từng loại nguyên liệu, hiểu được chức năng của từng loại dụng cụ.

Đặc thù ngành hàng mà Cường đang buôn bán khá thu hút nữ giới, đây cũng là lượng khách hàng tiềm năng thường xuyên lui tới cửa hàng, do vậy Cường phải kỹ càng trong các khâu tư vấn cho khách. Cường vui vẻ kể: “Nhiều người thấy mình tư vấn qua mạng nhiệt tình quá, cứ nghĩ mình là nữ. Khi hỏi chuyện toàn gọi “chị ơi”, đến khi đến tận cửa hàng cũng tìm “chị chủ quán”, vì không ai nghĩ một người kinh doanh ngành hàng này lại là nam cả. Những lúc ấy vừa ngại, vừa vui, nhưng nhờ vậy mà mình và khách hàng trở nên thân thiết hơn. Có người sau khi đến đây mua nguyên liệu về làm bánh còn đem tới cho mình thử nữa”. Chị Lan-khách hàng thân thiết của Cường tại Quảng Trị,  chia sẻ: “Mình là chủ tiệm bánh nên rất chú trọng đến nguyên liệu làm ra sản phẩm. Cường đáp ứng gần như đầy đủ các loại nguyên liệu mình cần, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt và giá thì siêu rẻ. Tuy không hiểu nhiều về nghề làm bánh nhưng Cường tư vấn rất nhiệt tình”.

Ở tuổi của Cường, không ít người thành công với lĩnh vực mình đang theo đuổi, nhưng cũng khá nhiều người vẫn lao đao trên bước đường lập nghiệp. Với Cường, quyết định rẽ lối đã gặp không ít khó khăn, mọi thứ vẫn còn bấp bênh, nhưng với khả năng và chí cầu tiến của một người mê kinh doanh và ham học hỏi, hy vọng Cường sẽ còn tiến xa hơn nữa với những dự định của mình. Dù là trái ngành, nhưng với niềm tin và ý chí, thành công không còn là điều quá khó.

[nguon]Nguồn: http://cadn.com.vn/news/64_140738_cha-ng-ky-su-xay-du-ng-me-do-nghe-la-m-ba-nh.aspx[/nguon]

Quảng Trị “Nhà sáng chế” nông dân

Chứng kiến sự vất vả, cực nhọc của bà con nông dân khi lao động sản xuất bằng các phương pháp thủ công, ông Văn Đức Quynh, thôn Long Hưng, xã Hải Phú (Hải Lăng, Quảng Trị) đã quyết tâm sáng chế ra những chiếc máy hữu ích với mục đích góp phần giải phóng sức lao động con người. Điều đặc biệt là người được bà con nông dân gọi là “Nhà sáng chế” ấy cũng là một nông dân chân đất, trình độ học vấn mới hết lớp 9.

nguoi-nong-dan-sang-che-quang-tri

Ông Văn Đức Quynh nghiên cứu để hoàn thiện chiếc máy lọc tinh bột nghệ

Xưởng cơ khí của ông Quynh nằm ngay sát quốc lộ, sản phẩm của xưởng cơ khí này chủ yếu là những sáng chế của ông từ nhiều năm nay, được người tiêu dùng đặt hàng sản xuất. Hôm chúng tôi đến, ông Quynh đang nghiên cứu để hoàn thiện sáng chế thứ 7 của mình- chiếc máy xay và lọc tinh bột nghệ. Ông Quynh cho biết: Máy lọc tinh bột nghệ ông đã hoàn tất từ đầu năm 2015 để tham dự cuộc thi Sáng kiến kỹ thuật do tỉnh tổ chức. Tuy nhiên, điều ông chưa hài lòng là chiếc máy chỉ có chức năng lọc tinh bột, chưa xay được nghệ củ. Vì vậy, hiện nay ông đang tập trung nghiên cứu, đưa thêm bộ phận xay nghệ vào để hoàn thiện máy, giúp người dân thuận lợi hơn trong quá trình lọc tinh bột nghệ.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, học đến lớp 9, ông Quynh phải nghỉ học để lao động kiếm sống. Sau mỗi mùa vụ kết thúc, tận dụng thời gian nông nhàn, ông dựng quán nhỏ ven đường sửa chữa xe đạp kiếm thêm thu nhập. Sau khi tích lũy được ít vốn, ông Quynh học thêm cách sửa chữa máy móc, nông cụ rồi mua sắm đồ nghề, dụng cụ để sửa chữa xe kéo tay, máy tuốt lúa đạp chân, các công cụ lao động phục vụ người dân trong vùng. Mỗi khi quán nhỏ hết việc, ông Quynh thường đến các xưởng cơ khí ở khu vực lân cận để tìm hiểu, học thêm nghề cơ khí. Tự tìm tòi học hỏi, chỉ sau một thời gian ngắn ông Quynh đã thành thạo nghề cơ khí, đã có thể sản xuất được cuốc, xẻng, các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thấy bà con trong thôn, xóm phải nhọc nhằn vất vả mỗi khi bước vào vụ sản xuất, thu hoạch, công sức lao động bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả không cao, ông Quynh bắt đầu nảy sinh ý tưởng sẽ sáng chế ra những loại máy để giải phóng sức lao động cho con người.

Ông tâm sự: “Ước mơ của tôi là làm được nhiều loại máy để giải phóng sức lao động cho nông dân, nhưng khi bắt tay vào thực hiện tôi gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn để mua sắm thiết bị, trình độ còn hạn chế. Bằng quyết tâm của mình, tôi đã dần vượt qua những khó khăn đó để cho ra đời những chiếc máy hữu ích, phục vụ quá trình lao động sản xuất của nông dân”.

Năm 2003, ông bắt tay vào làm máy tách hạt ngô. Để có nguyên liệu thực hiện, hàng ngày ông đến các cơ sở thu gom phế liệu trên địa bàn để mua từng thanh sắt, tấm thép vụn. Với vốn nghề cơ khí và khả năng tự thiết kế, chế tạo, lắp đặt, chỉ trong thời gian ngắn, chiếc máy tách hạt ngô đã hoàn thành. Ông xách máy đến đầu xóm, mượn ngô của bà con để tách thử nghiệm nhưng không được, ông lại đem máy về tháo ra, gia công thêm rồi đi thử tiếp. Sau 4 năm vật lộn với thử nghiệm, tháo lắp máy, cuối cùng đến cuối năm 2007, chiếc máy tách hạt ngô đã được hoàn thiện và xuất xưởng, công suất tách hạt ngô từ 3-5 tạ/ giờ. Từ khi máy tách ngô của ông Quynh ra đời, việc bóc tách hạt ngô trở nên đơn giản hơn, người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng ngô để nâng cao thu nhập.

Trên cơ sở thành công ban đầu, được sự tin yêu, động viên, giúp đỡ của người dân trong thôn xóm, ông Quynh tiếp tục sáng chế ra nhiều loại máy hữu ích, chẳng hạn như máy dập vỏ lon bia giúp những người thu mua phế liệu đóng gói gọn gàng hơn; máy cắt đa năng giúp nông dân thu hoạch mùa vụ kịp thời; máy băm thức ăn cho chăn nuôi phục vụ nhu cầu của những người nuôi thủy sản và các trang trại chăn nuôi; máy cắt măng, gừng, hành, ớt, tỏi dùng trong các cơ sở chế biến thủy sản và cơ sở làm mắm, dưa chua; máy đánh vảy cá dùng trong các nhà hàng, siêu thị hay chợ; máy khoan giếng đá phục vụ nước sinh hoạt cho người dân có độ sâu từ 50-70 m; máy xay bột tươi, khô phục vụ các cơ sở chế biến nông sản… Đặc biệt, nhiều sáng chế của ông Quynh đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh và khu vực.

Từ những hữu ích mà các loại máy do ông Quynh sáng chế mang lại, đã có nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tìm đến xưởng ông đặt hàng. Trong đó, riêng loại máy cắt đa năng, mỗi năm ông Quynh sản xuất khoảng trên 100 cái theo nhu cầu của người dân, các loại máy còn lại bình quân sản xuất từ 5-7 cái/năm. Một điều đặc biệt mà ông Quynh chia sẻ với chúng tôi là người dân trong và ngoài tỉnh khi mua sản phẩm do ông sáng chế đều tìm đến tận xưởng sản xuất để đặt hàng, tuyệt nhiên không mua sản phẩm của ông khi được bày bán tại các cửa hàng khác. Lý do mà người mua giải thích là chỉ khi đến tận xưởng sản xuất mới tin tưởng sản phẩm chính là của ông Quynh, còn khi mua ở cửa hàng sợ gặp phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Đây cũng chính là điều mà ông Quynh luôn trăn trở với chính sản phẩm của mình.

“Xuất phát từ thực tế đó, tôi muốn thành lập doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình để đưa ra tiêu thụ dễ dàng trên thị trường, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân”, ông Quynh cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một sản phẩm muốn xây dựng được thương hiệu thì cần phải có thiết kế kỹ thuật theo tiêu chuẩn công nghiệp. Trong khi đó, toàn bộ sản phẩm do ông Quynh sáng chế đều ra đời trên cơ sở ý tưởng của cá nhân. Nên chăng, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có năng lực thiết kế cơ khí nông nghiệp để hoàn thiện các sản phẩm sáng chế của ông Quynh theo quy trình, quy phạm của nhà nước, góp phần đưa mỗi sáng chế của ông Quynh trở thành sản phẩm công nghiệp hiện đại. Trên cơ sở đó, một doanh nghiệp cơ khí công nghiệp có uy tín sẽ hỗ trợ, hợp tác sản xuất các sản phẩm trên cơ sở ý tưởng của ông Quynh để đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Khi sản phẩm có thông số kỹ thuật, chỉ số chất lượng và thương hiệu rõ ràng chắc chắn sẽ được người tiêu dùng đón nhận vì những lợi ích thiết thực mà sản phẩm mang lại.

[nguon]Nguồn: baoquangtri[/nguon]