Chuyên mục lưu trữ: Quảng Trị

Cập nhật tin tức mới nhất, nhanh nhất và đầy đủ nhất về Quảng Trị, Tin tức Quảng Trị được cập nhật hàng giờ và liên tục hàng ngày.

Thôn 15 năm không rượu bia, thuốc lá

Từ đám cưới cho đến kỵ giỗ, lễ Tết, người thôn Cu Pua (huyện Đăkrông, Quảng Trị) chỉ mời nhau ly nước trà.

thon-15-nam-khong-uong-ruou

 Nhờ bỏ rượu, tích cực lao động nên Hồ Ê Nót vừa mua thêm được 3 con bò và một con dê. Ảnh: Hoàng Táo.

Thôn Cu Pua uốn lượn bên dòng sông mang cùng tên với xã Đăkrông (thuộc huyện Đăkrông, Quảng Trị). Là bản của bà con dân tộc thiểu số Vân Kiều, từ 15 năm nay, Cu Pua nổi lên như điểm sáng giữa núi rừng miền Tây Quảng Trị bởi không dùng rượu bia, thuốc lá trong cuộc sống và tiệc tùng.

Rót ly trà mời khách, anh Hồ Ê Nót nhớ lại những câu chuyện buồn ở Cu Pua hơn 15 năm trước. Thời đó, đàn ông trong bản đều sử dụng rượu bia và thuốc lá. Thậm chí, nhiều người còn lâm vào cảnh nghiện rượu.

Lấy bản thân ra làm câu chuyện minh họa, Hồ Ê Nót kể không ít lần đánh vợ con, có lần phải nhập viện rồi chính Nót lại đi thăm nuôi. “Mình đi làm về mệt mà vợ nó không cho tiền mua rượu nên đánh”, anh Nót ngại ngùng kể lại.

Cả bản triền miên trong cơn say, kinh tế gia đình đi xuống, cuộc sống bất hòa. Nhiều người trong bản còn gặp bệnh đại tràng, dạ dày và phổi vì hút thuốc, uống rượu. Cho đến một ngày, thấy đứa con thơ khóc ngặt nghẽo vì thiếu ăn trên căn nhà sàn, anh Nót sực tỉnh và hạ quyết tâm cai rượu.

Từ đó, Nót bỏ rượu, bỏ thuốc lá, phát triển kinh tế. Vừa là trưởng thôn, vừa là cán bộ y tế thôn bản, thấy cái lợi của việc bỏ rượu và thuốc lá nên anh Nót đi vận động, tuyên truyền để cả bản học theo. “Lúc đầu, bà con phản đối dữ lắm vì là con nghiện rồi, nhất là người già”, Nót kể về những khó khăn ban đầu khi vận động người dân bỏ rượu vào những năm 2000.

Trong gia đình, đám cưới của mấy người em, Hồ Ê Nót không dọn rượu bia, chỉ mời tiệc cà phê, trà và nước ngọt. “Rất khó để thay đổi bà con nhưng cũng phải làm, từ từ rồi bà con thấy cái lợi là theo mình thôi”, Ê Nót nói.

Bỏ rượu, khoản tiền dư ra dùng để mua mì tôm, thức ăn cho con cái. Sức khỏe dành để lao động trên nương rẫy. Gia đình Ê Nót dần trở thành điển hình về kinh tế trong thôn.

Ngoài vận động, già làng thôn Cu Pua lập ra “quy ước”, phạt mỗi người trong thôn uống rượu, hút thuốc 10.000 đồng. “Ban đầu chỉ nhắc nhở, nhưng tái phạm thì thôn nhất quyết thu tiền. Số tiền này cuối năm dùng để mua quà biểu dương những gia đình làm tốt việc nói không với rượu bia, thuốc lá”, trưởng thôn Cu Pua hiện nay Hồ Văn Thoi thông tin.

bai-tho-tac-hai-ve-ruou

 Bài thơ về tác hại của rượu do Hồ Ê Nót sáng tác để có động lực bỏ rượu. Ảnh: Hoàng Táo

Dần dà, bà con thấy Nót nói được, làm được, cơm ăn ngày ba bữa, vợ chồng đầm ấm nên thuận theo lời của Nót. Ông Hồ Văn Chước ở cạnh nhà anh Nót cũng thấy được cái ích lợi của bỏ rượu mà làm theo. “Không uống rượu thì gia đình không cãi cọ, không cờ bạc. Thanh niên thay vì uống rượu thì lên nương rẫy giúp vợ con, từ đó mà kinh tế gia đình khá giả hơn”, ông Chước nói.

Đến năm 2008, cả thôn Cu Pua không còn ai uống rượu, hút thuốc nữa, ngay cả tiệc cưới, kỵ giỗ hay lễ Tết đều chỉ dùng trà, nước ngọt hay cà phê để mời khách. “Bây giờ ngay cả việc gửi rượu trong nhà dân thôn Cu Pua cũng không được đồng ý, dù thuê họ tiền triệu đi nữa”, chị Hoàng Vân Trinh, cán bộ văn hóa xã Đăkrông cho hay.

Chủ trương không rượu bia, thuốc lá không chỉ thực hiện trong ranh giới thôn Cu Pua mà người Cu Pua khi ra ngoài vẫn phải nghiêm chỉnh thực hiện. Chị Hồ Kê Nít vừa lập gia đình rất phấn khởi kể: “Chồng không uống rượu thì yêu thương vợ con hơn, có thời gian làm việc nhà, cải thiện cuộc sống rất nhiều. Những lúc cãi nhau thì dùng lời nói để làm hòa”.

Nhờ kiêng rượu bia, chí thú làm ăn mà nay anh Hồ Ê Nót cùng với một người em trai gầy dựng lên đàn dê 50 con và hơn 10 con bò. Cả thôn Cu Pua với 61 hộ, 278 nhân khẩu thì nay đều có đời sống ấm no, sung túc. “Thôn chúng tôi đang phấn đấu vào câu lạc bộ 100 triệu”, trưởng thôn Hồ Văn Thoi cười nói và lý giải đó là mục tiêu thu nhập của một gia đình trong một năm.

Cán bộ xã Hoàng Vân Trinh khẳng định nhờ không rượu bia, thuốc là mà đời sống kinh tế Cu Pua ngày một nâng lên, xóa bỏ được nhiều tập tục lạc hậu. “Chúng tôi mong muốn những thôn khác cũng học tập Cu Pua để xã hội cùng đi lên, và tương lai nhân rộng mô hình này”, chị Trinh nói.

[nguon]Nguồn:http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thon-15-nam-khong-ruou-bia-thuoc-la-3310064.html[/nguon]

Người canh giữ địa đạo Vịnh Mốc

Không riêng ngày lễ hội mà cả ngày thường, trước cửa phòng lưu niệm khu di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị người ta luôn luôn bắt gặp người đàn ông gầy, dáng nhỏ nhắn và dùng những cử chỉ bằng tay để giúp đỡ khách du lịch tới tham quan.

dia-dao-vinh-moc-1

Đó chính là bác Trần Nghỉ ( 61 tuổi, Xã Vĩnh Thạch – Vĩnh Linh – Quảng Trị), nhiều người vẫn gọi người đàn ông nặng lòng với địa đạo này là “Người canh giữ địa đạo Vịnh Mốc”.

61 năm ra vào địa đạo

Sinh ra trên mãnh đất “ lũy thép” Vĩnh Linh, từ nhỏ bác Trần Nghỉ đã theo cha mẹ ra vào địa đạo để sinh sống và cùng bà con Vịnh Mốc đánh địch, tổ chức hàng trăm chuyến thuyền tiếp vận cho đảo Cồn Cỏ. Trong một lần đế quốc Mỹ rải bom sập hầm, bác Nghỉ bị thương và từ đó không nói được (tìm hiểu của PV).

Qua lời “dịch” của người dân địa phương khi bác dùng những ngón tay để nói chuyện, chúng tôi được biết thêm “Với bác, địa đạo là ngôi nhà thứ 2, là những niệm về tuổi thơ, bạn bè, là nơi cất giữ tình cảm gia đình…”.

Ở đó, những bữa cơm lờ mờ trong ánh đèn dầu đến những câu hát ru ngủ là những hình ảnh được bác “kể” lại khi đưa chúng tôi vào hầm địa đạo. Khi đất nước thống nhất, bác chọn cuộc sống độc thân và vẫn ra vào, gắn bó với địa đạo mỗi ngày. Có lẽ, nơi đây đã trở thành một phần máu thịt của bác và không thể tách rời nó.

Chị Lê Tố Hằng (Trưởng ban Quản lí khu di tích LS địa đạo Vịnh Mốc) chia sẻ: “ Bác Nghỉ tuổi đã cao, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên chúng tôi đã nhiều lần khuyên bác hạn chế ra vào địa đạo nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Nhất là vào mùa mưa, đường địa đạo ẩm ướt, mọi người ai cũng sợ bác bị ngã và nói hết cách nhưng bác vẫn không chịu… ”

Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm với ngần ấy thời gian nhưng những mất mát đau thương vẫn còn đó. Nó như những vết cắt sâu cho những nhân chứng lịch sử.

Hướng dẫn viên giỏi…

Địa đạo Vịnh Mốc được biết đến là một công trình quân – dân sự độc đáo trong thời kỳ chiến tranh . Hiện nay, đã trở thành một khu du lịch thu hút khách tham quan khi đến với Quảng Trị.

Dù không phải là người của khu di tích hay đơn vị nào nhưng hằng ngày bác Nghỉ luôn có mặt ở địa đạo Vịnh Mốc từ sáng sớm cho đến cuối ngày để giúp các nhân viên trong BQL di tích quét dọn vệ sinh, mở, đóng cửa và bật, tắt đèn, quạt ở nhà trưng bày.

dia-dao-vinh-moc-quang-tri

Bạn Lê Thanh ( đoàn khách thăm quan Quảng Bình) cho biết: “ Khi vào hầm địa đạo, cũng nhờ cái đèn pin và chỉ dẫn bằng tay nhiệt tình của bác câm mà bọn mình thấy rõ đường đi và không sợ lạc. Mình khâm phục bác và con người xây dựng nên địa đạo này hơn …

Theo tìm hiểu từ người dân địa phương cho biết thêm, khi bắt đầu mở cửa đón khách du lịch thì chính bác Nghỉ là người tình nguyện hướng dẫn viên của khu di tích. Tất cả mọi ngõ ngách, lối đi, trạm gác và nhà hộ sinh… bác đều nằm rõ trong lòng bàn tay. Có lần du khách để quên đồ đạc ở dưới địa đạo nhưng không nhớ đường đi, bác Nghỉ vội vàng chạy xuống tìm rồi mang lên đưa lại cho chủ nhân. Có lẽ, ít ai thông thạo và hiểu biết về địa đạo như bác.

Dù không thể nói được nhưng với nụ cười rạng rở và tình cảm đặc biệt dành cho địa đạo. Với chiếc đèn pin cũ, bác Nghị đã dẫn đường cho hàng trăm lượt khách ra vào khu di tích để rồi khi ra về họ viết nên nhiều dòng cảm xúc về làng hầm này, tất cả đều công nhận “làng địa đạo Vịnh Mốc giống như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín biết bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và thời đại nó đã sinh ra”.