Chuyên mục lưu trữ: Quảng Trị

Cập nhật tin tức mới nhất, nhanh nhất và đầy đủ nhất về Quảng Trị, Tin tức Quảng Trị được cập nhật hàng giờ và liên tục hàng ngày.

Người thầy, người con ưu tú của Quê hương Quảng Trị

Người mà tôi sắp kể sau đây là một người con của mảnh đất “lũy thép anh hùng” Vĩnh Linh – Quảng Trị. Anh là Nguyễn Trường Phi. Anh sinh ra trong một gia đình ở vùng nông thôn nghèo khó Thủy Tú 2, xã Vĩnh Tú.

nguyen-truong-phi

Từ nhỏ anh đã nuôi ước mơ được làm thầy giáo làng đứng trên bục giảng. Hàng ngày phải chứng kiến cuộc sống cực khổ của gia đình của làng xóm, của những đứa trẻ cùng trang lứa càng làm tăng thêm động lực cho anh quyết tâm trở thành một người thầy mang con chữ đến cho các em thơ với hy vọng đem lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người.

Năm 2005, vượt qua những thử thách của đời học sinh, anh đã thi đỗ vào ngành Sư phạm Giáo dục đặc biệt, khoa Tâm lý – Giáo dục, trường đại học su phạm Đà Nẵng. Nói đến cụm từ “Giáo dục đặc biệt” chắc chắn nhiều người trong chúng ta cũng chưa biết đến, ngay cả bản thân anh khi đó. Tâm sự với chúng tôi anh nói: “Hồi đó mới vào học không hiểu gì về ngành này, chỉ biết là sau này dạy cho mấy đứa trẻ có khả năng đặc biêt thôi”.

Sau vài tháng học tập, được thầy cô giáo hướng dẫn, giải thích anh mới nhận ra rằng Giáo dục đặc biệt không phải là dạy cho các trẻ có khả năng đặc biệt, cao siêu mà sau này giúp cho những trẻ em khuyết tật, người khuyết tật kém may mắn. “Như thế cũng hay vì ngày trước ở quê mình cũng có vài đứa trẻ bị khuyết tật, có đứa bị bệnh Down, có đứa “ngơ ngơ” nên mình cũng quen rồi” – anh nói.

Sau khi xác định lại mục tiêu và ngành học, anh quyết tâm học tập thật tốt và cố gắng tham gia mọi hoạt động phong trào của lớp, của trường. Vì theo anh nghề này cần phải hoạt bát, năng động như một người làm “công tác xã hội” mới có thể giúp đỡ thật nhiều và thật tốt cho các trẻ em khuyết tật.

phi-ho-nguyen

Thầy giáo trẻ Nguyễn Trường Phi vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh nhân vật cung cấp).

Bốn năm ngồi trên ghế giảng đường cũng đã kết thúc, anh ra trường cầm trên tay tấm bằng Đại học và bắt đầu “công cuộc xin việc”. May mắn thay, năm 2010 anh được làm việc tại trường Chuyên biệt Thanh Tâm, Đà Nẵng – một ngôi trường rất nổi tiếng về chất lượng chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Hơn 5 năm liền tiếp xúc, dạy học cho những đứa trẻ khuyết tật càng làm cho anh thêm yêu nghề, gắn bó với công việc, với những đứa trẻ kém may mắn này.

Ngoài tham gia giáo dục chuyên biệt ở trường, anh còn làm công tác hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng ở một số xã ở Quảng Nam và các trường học tại thành phố Đà Nẵng. Hiện tại, anh cùng với vợ con đang thuê một căn hộ nhỏ ở vùng ngoại ô thành phố. Với sự động viên của gia đình, bạn bè đồng nghiệp, vượt qua những khó khăn, chật vật của cuộc sống anh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ giao phó và đã có các thành tích xuất sắc trong các phong trào hoạt động của trường.

Ngày 26 tháng 11 năm 2015, anh đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Đây là một thành tích đáng khích lệ, là sự động viên tinh thần to lớn cho anh tiếp tục thực hiện công việc cao cả của mình. Anh cho biết: “Nhận được Bằng khen này mình vui lắm. So với các thầy cô giáo và so với tuổi đời, tuổi nghề thì mình còn thua kém và cần phải học hỏi nhiều. Nhận được giải thưởng này là niềm vinh dự, tự hào và là nguồn động viên lớn cho mình tiếp tục sự nghiệp chăm sóc cho những trẻ em khuyết tật kém may mắn”.

Tôi xin được phép gọi anh là một người anh, người thầy, người con của quê hương Quảng Trị. Bởi có lẽ anh đã góp một phần nhỏ bé vào niềm tự hào to lớn của những người con làm ăn xa quê hương như chúng tôi. Dù chúng tôi mỗi người một nghiệp nhưng luôn hướng vê mảnh đất quê hương. Chúng tôi cũng ao ước được một lần như anh để làm rạng danh người con Quảng Trị.

Trạng Vĩnh Hoàng

Nhớ mãi giờ dạy Truyện Kiều trên đất thép Vĩnh Linh

Là một giáo viên văn, tôi rất yêu thích Truyện Kiều và đã thuộc lòng từ khi còn rất trẻ…

Năm 1973, tôi là một giáo viên K8 ở Ninh Bình, theo học sinh Vĩnh Linh trở về quê hương bên dòng Bến Hải. Khi ấy, ta mới giải phóng dòng sông Thạch Hãn, nghĩa là khói lửa chiến tranh, âm vang trận mạc còn nóng bỏng. Vĩnh Linh – Quảng Trị mới bắt đầu trở lại với muôn vàn khó khăn để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Mọi thứ còn rất thiếu thốn nhưng không thể thiếu trường cho con em học sau một thời gian sơ tán xa quê.

trieu-kieu-tren-dat-thep-vinh-linh

Hội thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều do UBND huyện Nghi Xuân tổ chức

Tôi được lên lớp trong một ngôi trường ở thị trấn Hồ Xá, tuy chưa khang trang nhưng cũng không còn là tranh tre, nứa lá. Trường cũng đã mang tầm vóc bề thế của một mảnh đất anh hùng vươn dậy qua khói lửa chiến tranh… Tâm thế ấy đã làm cho tôi không thể quên một giờ dạy đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”.

Sau khi giới thiệu tác giả, tác phẩm, tôi đọc văn bản đoạn thơ và mời một học sinh đọc. Sau đó, tôi hỏi cả lớp: Em có nhận xét gì về âm hưởng của đoạn thơ, nó có gì khác so với đoạn mô tả Tài sắc chị em Thúy Kiều? Lớp học như sôi động cả lên, trả lời đồng loạt: Thưa thầy! ồn ã hơn, kịch tính hơn và đau xót nữa. Tôi gợi ý: Đoạn trích như một màn bi hài kịch. Theo các em, đâu là nhân vật, đâu là lời thoại và đâu là xung đột? Một em trả lời ngay: Nhân vật có 3: Mã Giám Sinh, Thúy Kiều và bà mối. Tôi cổ vũ: Đúng! rất đúng! Bỗng một em đứng dậy nói ngay, làm cho cả lớp rất ngạc nhiên: Thưa thầy! Đúng nhưng chưa đủ, theo em, nhân vật trung tâm nhất là đồng tiền. Chính đồng tiền đã chi phối tất cả. Vì thế, đoạn thơ mới kết thúc bằng một lời tuyên bố: Tiền lưng đã có việc gì chả xong.

Tôi không thể không tán dương và khen ngợi những phát hiện mới của em. Nhưng rồi chính em đó lại nói luôn: Sao thầy lại bảo em phát hiện, mà chính Nguyễn Du mới là người phát hiện. Lặng đi một chút đầy bất ngờ và thán phục, tôi tiếp tục hỏi: Vậy xung đột chính của đoạn trích là gì và em hãy phân tích những lời thoại của các nhân vật? Xung đột thì có em trả lời được ngay rất tường minh, chính xác, đó là: xung đột giữa giá trị phẩm chất cần được tôn trọng, bảo vệ với sự lố bịch, bỉ ổi, trơ tráo của bọn con buôn.

Đến lời thoại thì tôi thật bất ngờ trước những phát hiện của học sinh. Có thể đây là tình huống gây không ít lúng túng cho người dạy: Thưa thầy, lời thoại thì diễn ra giữa kẻ mua – bọn buôn người chỉ biết “cò kè bớt một thêm hai” với bà mối như một kẻ cò mồi. Cả hai đều vì tiền…

Tôi say sưa thuyết giảng về bản chất trơ trẽn, lố bịch của bọn buôn người, sự khôn ngoan lọc lõi của bà mối. Từ đó, cao giọng mà nói về thái độ, tấm lòng Nguyễn Du. Học sinh chăm chú nghe. Bỗng một em xin phát biểu: Thưa thầy! Thưa cả lớp! Theo em, bài này không nên nói nhiều đến lời thoại cùng với những người phát ngôn mà nên phân tích nỗi đau nhân vật không lời thoại. Đó là đồng tiền. Còn nàng Kiều, nhân vật chính không nói câu nào. Kiều đã câm lặng từ đầu đến cuối. Nàng Kiều đã bị vật hóa; mà đã là hàng hóa thì vô tri, câm lặng. Nỗi đau của Kiều là chỗ đó. Ở đây, giá trị thực không được lên tiếng, mà kẻ lên tiếng lại là những người chà đạp lên giá trị ấy. Sự đồng cảm, sự chia sẻ và nỗi đau của Nguyễn Du cũng là ở chỗ đó.

Trước tình huống ấy, dĩ nhiên là giáo án của tôi đã bị “cháy” nhưng tôi cảm nhận rằng, bài giảng rất thành công. Con người Quảng Trị không chỉ biết gan lì chịu đựng, dũng cảm, hiên ngang trước quân thù mà còn rất tinh tế, nhạy cảm, biết rung động trước vẻ đẹp thẩm mỹ mà văn chương đưa lại… Có lẽ đây cũng là nét đẹp văn hóa làm ngời thêm bản chất thép của con người Vĩnh Linh anh hùng

Sau giờ giảng, tôi bâng khuâng nghĩ mãi về bài dạy của mình… Suy nghĩ bỗng bị ngắt quãng khi tiếng đại bác bên bờ sông Thạch Hãn gầm vang, trút lửa lên đầu thù…

Nguồn Báo Hà Tĩnh