Chuyên mục lưu trữ: Hữu Chư Kể

Đi săn trâu ri

Vào mùa đông, đàn trâu ri thường kéo nhau về rú Ông Đồn để trú ngụ. Chúng rất hung dữ, phá phách nương rẫy của bà con, làm cho nhiều người phải sợ.

trau-rung-trang-vinh-hoang

Một hôm, chúng tôi rủ nhau đi săn. Chúng tôi chia làm hai toán. Một toán thì mang theo trống, mõ, thanh la để xua đuổi còn một toán gồm những người có sức khỏe mang theo giáo, mác ngồi chực chờ ở các lỗ eo. Khi có tiếng trống xua đuổi thì một con trâu ri lao tới. Nó có cặp sừng nhọn hoắt, cặp mắt đỏ ngầu trông rất hung dữ. Nó vừa lao tới, ông Hậu nhảy ra đâm một mác nhưng không thể xuyên thủng vào mình nó. Con trâu quay lại, ngoái sừng vào bụng ông móc ra một mớ ruột kéo dài loòng thoòng.

Bên này tôi kịp lao đến, lấy hết sức phóng một mác vào nách con trâu. Mác sập vào sâu tôi đè lấy nhưng con trâu vẫn chưa chết, hắn điên tiết lên vùng mình một cái hất tôi bay bổng lên trời. Lúc rớt xuống tôi bíu được một ngọn cây non. Con trâu ở dưới đất cứ láy cặp sừng nhọn hoắt cứ hẫy lên, hẫy xuống làm tôi rợn hết tóc gáy. Tôi nghĩ: “Mụi ni e phải chết với con trâu ni rồi có”. Đang lúc bí, tôi mới chợt nhớ tới con chó khoang ngôn ngoan của tôi, tôi mới gọi “ơi khoang cứu tau cùng”. Con chó khoang nghe tiếng tôi, từ đằng xa nó liền lao đến, nhắm bộ hạ con trâu đớp một phát chí mạng. Con trâu bất ngờ bị tấn công thêm một phát, đau quá, nó chuyển sang đuổi con chó. Con chó khôn ngoan giả thua bỏ chạy. Con trâu được thế đuổi theo nó. Tôi nhảy xuống xách cây mác lần theo vết máu, rẽ lối đuổi theo con trâu.

Đến một khoảng xa tôi nghe thấy “huỵch” một cái rồi nghe thấy tiếng người là hét vang lên “tiên tao, tiên tao”. Tôi chạy tới thì không thấy ai hết ngoài ông Toản đang cắm cây mác đè lên con trâu, miệng hô toáng lên “đây là tiên tao, đây là tiên tao”. Tôi mới cười “nỏ ai như cha Toản, ngồi chực lỗ eo, đè lỗ cộ người ta đâm vô một mác rồi hô tiên tao, tiên tao mụi thôi nọ!” Không biết ông Toản thật hay giả mà để lại tiếng cười cho đến ngày hôm nay.

Hồi đó ai đâm được mác đầu tiên gọi là mác tiên sẽ hưởng được cái đầu. Ai đâm mác thứ hai gọi là mác nhì thì được cái noọng. Phần còn lại được xẻ ra chia đều cho mỗi nhà một miếng.

Hữu Chư

Ăn thịt cù cu đến phát ớn

Chẳng phải nói ngoa mà người ta đồn ông nội tôi là người trồng thuốc lá nổi tiếng.

cay-thuoc-la-vinh-hoang

Một hôm, ông nội tôi dẫn tôi đi hái thuốc lá với ông. Đến cạnh vườn thuốc lá tôi thấy lạ quá. Tại sao dưới gốc cây thuốc lá lại có nhiều cù cu nằm la liệt đến thế? Thấy vậy tôi thích quá liền chạy lại đuổi bắt. Không ngờ tôi đang chạy thì hình như có ai kéo giật tôi lại làm tôi té nhào ra đau quá. Tôi nhìn quanh thì chẳng có ai cả. Tôi sờ xuống bụng thì thấy có ngọn thuốc lá quấn quanh người. Tôi gỡ ngọn thuốc ra thì thấy nhựa cây thuốc bám đầy vào người. Khi đó tôi mới sực nhớ ra, à đây là nhựa cây thuốc lá mà cù cu đã vướng phải. Nhựa bám vào lông làm cho cánh chúng bị trết lại bay không được. Thế là tôi luồn người xuống dưới cây thuốc là và cứ thế mà bắt bỏ, bắt bỏ một chặp là được một bao cứng cù cu.

chim-cu-cu

Bữa đó đem về làm thịt, khi phích lông đạ mỏi tay, sau lại được ăn một bựa thịt cù cu đến phát ớn.

Trần Hữu Chư

Cây ớt cổ truyền

Không biết từ đời nào để lại cho nhà tôi cây ớt. Năm mô mùa nấy cây vẫn ra hoa kết quả trĩu cành. Cả làng ăn không hết, hái quả phải bắc thang 12 nấc mới hái được.

Chim chốc trên rừng kéo nhau về từng đàn, từng lũ. Chúng ăn no rồi ngủ lại trên cây. Phân chim thải ra từng đống nên khi làm dưa đỏ tôi chỉ việc lấy phân chim để làm, cho nên dưa đỏ của tôi rất đặc biệt. Lũ quạ thích lắm hay đến ăn trộm chui vào quả dưa làm tôi bắt bọp mỏi cả tay.

cay-ot-co-truyen-trang-vinh-hoangMột hôm, có mấy ông thầy từ bên Tàu đi ngang qua nhà, mấy ông thấy cây ớt lạ của tôi, ngữa cổ lên nhìn đến sái cổ mà không biết. Các ông vào nhà rồi cứ ậm ự, đe đe, trỏ trỏ, không biết chuyện gì xảy ra. Tôi nhìn mấy ông thấy ông mô ông nấy cổ cứ nghênh ra, tôi chắc là mấy ông bị sái cổ rồi. Tôi mới gọi vợ tôi làm cơm đãi khách và dặn món nước chấm phải cho nhiều ớt tươi.

Vợ tôi lĩnh ý, liền bỏ ớt vào cối giã, mới giã được mấy chày lốc cốc thì ở trong này mấy ông đã ho hen sặc sụa, nước mắt mước mũi chảy ra túa lúa, rồi một trận hắt xì túi bụi không sao ngừng được. Một lúc sau tôi mới nói với vợ: “Thôi, thôi, mụ đừng có đâm xót nữa, mấy chú mấy bác đây chịu không nổi cả rồi”. Vợ tôi ngừng hẵn, một lúc lâu sau mấy ông khách mặt mày mới tươi tỉnh lại. Tỏ vẻ vui mừng, họ bảo “hết sái cổ rồi, tài thiệt, tài thiệt”, rồi chuyện trò rối rít không thôi.

Thế rồi trời cũng luồng gió bẻ măng, trận bão năm đó cây ớt trĩu quả đổ kềnh ra, tôi kêu thợ Nam Hà về cưa xẻ cả tháng liền mà chưa xong.

Đoạn gốc cưa được hai cặp săng ấm, còn lại làm được 3 xác nhà Rường. Cành ngọn đổ xuống la liệt nhiều vô kể. Bên kiểm lâm không rõ tình hình kéo đến đòi lập biên bản, nói cha con tôi vi phạm Lâm luật khai thác gỗ trái phép.

Tôi nói “Nhà tôi chẳng vi phạm Lâm luật gì cả, mấy chú nhòm cho rõ, đây là cây ớt của nhà tôi thì chúng tôi có quyền cưa xẻ, không tin mấy chú cứ kiểm tra”. Rứa là họ xông vô kiểm tra, mới ngồi xuống để xem xét thì nước mắt, nước mũi trào ra, ho hen rồi hắt xì túi bụi, không sao ngừng lại được. Khi đó họ mới chịu dang ra rồi xin lỗi cả nhà tôi, đi về không tính đến chuyện lập biên bản nữa chớ.

Trần Hữu Chư