Chuyên mục lưu trữ: Hữu Chư Kể

Bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp

Hôm đó mấy anh em chúng tôi rủ nhau đi bứt tranh trên nguồn. Vừa lên đến nơi chúng tôi vô cùng sung sướng vì thấy một bãi tranh thật là tốt và đẹp. Chúng tôi rất ưng ý. Sắp xếp xong là chúng tôi người nào người nấy liềm sắc lẻm trong tay, sà vô bứt lia lịa. Tôi đang mãi mê bứt, bỗng có một tiếng “soạt” thiệt to ở đám tranh trước mặt, tranh bay lên tung tóe. Tôi bỗng thấy máu me phọt đầy tay chân, tôi tưởng mình bứt nhanh quá nên lỡ tay làm mình bị thương. Tôi sờ khắp người chẳng thấy mình thương tích chỗ nào cả.

nguon-goc-trang-vinh-hoang-quang-triBỗng từ bên tê đồi không xa lắm, có tiếng hổ thét gầm làm kinh thiên động địa. Tôi mới đoán ra: “à, té ra đực cọp bị thương, vì tôi say bứt quá mà không chú ý nên để liềm phang phải lạo, phọt cả máu ra, đau quá nên lạo mới bỏ chạy”. Nghĩ không có vấn đề chi nên tôi tiếp tục bứt nhanh để cho đủ tranh mang về lợp mái nhà.

Nhà mới lợp lại có khác, mùi tranh còn thơm lừng. Một buổi trưa, tôi còn đang say giấc ngủ thì bỗng ngoài sân con chó vàng sủa toáng lên làm tôi thức giấc, ngủ không được. Tôi mở mắt nhòm ra cửa thì không thấy có khách mô đến cả, bực mình vì bị đánh thức, tôi nạt con chó, sẵn chiếc dép tôi lia cho hắn một phát gần trúng. Càng nạt hắn càng sủa dữ hơn, mắt với mỏ hắn châu lên trên đông nhà. Tôi thấy lạ liền chạy ra xem thử, té ra gió nam mạnh làm cho mấy cái tranh cứ tốc ngược lên để bày ra cái đuôi cọp vằn vằn, vền vện, cứ vất qua vất lại mới ngạo nghễ làm sao, hèn chi con chó vàng sủa đai sủa hoi như rứa.

Tôi nhớ lại, hình như hôm bựa đi bứt tranh, tôi bứt nhầm đuôi của “Ông Ba Mươi” đem về lợp nhà mà không biết.

Trần Hữu Chư

Cá đô 7 món

Tôi vừa đi làm về, nóng quá, cởi áo vắt trên vai định đi xuống bàu để tắm cho mát. Sẵn cái cần câu trên mái nhà, tôi rút đi luôn. Xuống đến bàu tôi thấy một con cóc nhảy lổm xổm bên vạt rau, tui liền chộp lấy, móc vô lại câu làm mồi.

ca-do-bay-mon

Tôi đứng bên ni, lấy đà vất câu ra giữa bàu không ngờ chạc câu cứ thẳng rò ro qua tận bên tê Truông Hàn. Tui nghĩ thầm trong bụng: “Thôi rồi, mụi ni lại câu móc vô côộc trâm bầu rồi, ai qua mà gỡ ra cho được”. Đang lúc bí thì may thay có con cuốc cuốc từ trọng bụi nhảy ra đớp lấy mồi rồi chạy. Tôi mừng quá, giật lấy cần câu, con cuốc cuốc bị mắc câu nhảy lồng, nhảy phách lên. Ở mô một con chồn chộ con cuốc cuốc đang giãy giụa thì nhảy ra chụp lấy. Hay quá, nếu được hai con thì càng tốt, thế là tôi giật câu mắc cả chồn kéo xuống bàu. Tôi vừa kéo ra một đoạn thì thấy cái gì như cái nồi bung nổi lên, đen trùi trũi giữa bàu.

Tui mừng thầm trong bụng: “Mụi ni câu được chồn với cuốc cuốc lại có thêm được cái nồi bung để nấu nữa thì thật là tuyệt”. Tôi cẩn thận kéo cả chồn và móc thêm cái nồi bung vào gần đến bờ để lấy luôn một thể. Kéo gần vô tới bờ thì bỗng nhiên cái nồi bung động đậy rồi nhấn luôn cả con chồn lặn xuống, tí chốc lại nổi lên. Tôi dòm kĩ, té ra không phải cái nồi bung mà là cái sọ của con cá đô nổi lên. “Kiểu ni là cá đô đớp chồn rồi”. Tôi giật mạnh. Cá đô đã bị mắc câu, lạo vùng vẫy thiệt dữ làm cho bọt nước bắn tung tóe, mù mịt cả đất trời. Cá to có khác, khỏe gớm, hắn kéo đi, tôi bấm cẳng trì lại. Hai bên giằng co căng thẳng, chạc câu căng ra như dây đờn, gió nam đánh vào kêu tững tưng, tững tưng,.. Tôi nghĩ trọng dạ “Già néo e đứt dây”.

Lúc này tôi không đọ sức với hắn nữa mà chự chạc câu thiệt chắc. Tôi cầm cự với hắn từ trưa đến chiều, lúc hắn đã yếu thế đọa rồi tôi mới cuốn câu kéo lên bờ được. Bà con dân làng tới coi rất đông. Họ xúm vô phụ kéo lên đến tận đường cái. Chộ cấy cuốc tai của ai bỏ bên đàng, tui túm lấy xớt trốc hết bảy hết bi, cái mô cấy nấy to như thể quạt mo, bà con cầm mỗi người vài cái về mần quạt.

chim-cuoc-cuoc

Còn con cá, tui bảo mọi người khiêng về nhà tui mần thịt. Mổ cá ra thì được chồn, mổ chồn ra thì được con cuốc cuốc, mổ cuốc cuốc ra thì được gần một rá tép lẫn với tôm. Dân làng tự chia chắc, người thì làm cá, người thì mần tôm, người thì làm thịt chồn, người thì làm thịt cuốc cuốc, mỗi con làm vài món. Món tép thì rang, món cá thì rán, món lòng thì kho sả ớt, món thì xương rim, món thì chả cá, món thì thịt hấp cất thủy, món thì làm lẩu,…

Trời cũng đã tối rồi nên mọi người bảo nhau thôi làm 7 món đã. Kẻ đun nước, người chụm lửa, đốt rơm, kẻ qua người lại, khói khắm um xùm, không khí rộn ràng cả lên làm như nhà ai có đám cưới, đảm hỏi vậy.

Nấu nướng xong, bà con trong làng với nhà tui tụ họp làm một bựa liên hoan thiệt chi là bui. Ăn cá đô 7 món với mần thêm vài xị riệu gạo nữa thì không có chi bằng mấy eng, mấy ả nờ.

Hữu Chư

Trai Trần Hữu

Một nhà nọ có hai anh em họ Trần Hữu. Một hôm, có đoàn người miền biển lên mua tre về làm nêu đánh cá. Tre nằm cả lòi (bụi), cành cây quết cả vào nhau. Họ chặt mãi cả buổi mới được một cây tre. Sang cây thứ hai, cả hội xúm lại hô hè, hô hụi, lôi mãi mà cây tre vẫn cứ ỳ ra, không tài nào kéo ra khỏi lòi được.

trai-tran-huu-trang-vinh-hoang

Người anh họ Trần Hữu đi ngang qua thấy vậy liền vào kéo giúp. Ông cầm vào gốc tre, giật mạnh một cái, cây tre đã bay ra khỏi lùm và đứt làm đôi. Ông để phần gốc cho họ, còn phần ngọn ông đem về róc hết cành hết gai làm sào vịn tay đạp lúa. Ông giúp họ hạ hết cả lòi tre chỉ trong một nhoáng.

Cái sào tre hôm đó ông mang về được truyền từ đời này sang đời khác đến nỗi không cần sơn véc ni mà đã bóng nhoáng. Ngày giặc Pháp về càn quét, chúng đốt phá hết làng, cái sào mới không còn nữa.

Sức khỏe của trai họ Trần Hữu được đồn đại đi xa. Một hôm cũng có một người miền biển, gánh trên vai hai lu đại nước mắm, đi hàng chục cây số băng qua đồi cát đến làng. Người đó tìm hỏi đến nhà hai anh em trai Trần Hữu để thử sức. Lúc đó ông anh ở nhà còn ông em đang đi cày kẹ dưa ngoài động. Người khách nóng lòng muốn thử sức ngay. Ông anh liền bảo:

– Ông muốn thử sức thì ra đấu vật với thằng em tôi trước rồi vô đây thi với tôi chứ vội lo chi.

Người khách nghe lời ông anh tìm ra đến động, thấy ông em đang cày giữa vạt dưa. Ông khách tiến đến đòi thách đấu vật. Ông em thấy người khách có vẻ hợm hĩnh, lại gánh thêm hai lu đại nước mắm để thị uy. Ông em cũng không vừa, liền nói:

– Để tui cho trâu đi tắm đã rồi lên thử sức với bác.

Nói rồi, ông em mở trâu ra khỏi cày, hai tay nhấc bỗng cả con trâu lên vác đi thẳng một mạch xuống đập Ông Trùm để tắm. Người khách thấy vậy chột dạ lẩm bẩm. “Người em đã khỏe thế này mà lại còn ông anh nữa, sức ta đem so với họ e chẳng thấm tháp chi. Chi bằng trong lúc anh ta đang còn bận tắm cho trâu, mình chạy thẳng về nhà là hơn”.

Ông em tắm cho trâu xong lên lại chỗ vạt dưa thì không thấy người khách đâu nữa.

Trần Hữu Chư