Chuyên mục lưu trữ: Đặc Sản

Tổng hợp các đặc sản và món ăn nổi tiếng ở Quảng Trị

Nghề Lưu giữ “men ngàn”

Ở huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị), những chiếc bếp nấu rượu cần của người Vân kiều đã tiếp tục đỏ lửa sau quãng thời gian nguội lạnh. Đây được xem là hình ảnh đẹp đánh dấu sự trở lại của nghề nấu rượu cần truyền thống.

Học nghề để giữ nghề

7 giờ 30 phút sáng, căn bếp của gia đình nghệ nhân Hồ Văn Hùng đã tề tựu đông đủ 10 học viên. Ai cũng háo hức chờ đợi tiết học đầu tiên về hướng dẫn cách nấu rượu cần. Cẩn thận đưa những chùm men từ chái bếp xuống, nghệ nhân Hồ Văn Hùng mở đầu bài giảng: “Hôm nay, tôi sẽ giới thiệu cách làm men lá truyền thống của người Vân kiều. Để rượu ngon thì điều cốt yếu là phải có men tốt. Men được chế biến từ rễ cây tân tiêu, dã ploắc, lá thuốc ngọn, lá ớt, vỏ cây a păng… Các loại cây này thường mọc nhiều trên nương rẫy hoặc trong rừng”.

Vừa nói, ông Hùng vừa đưa từng loài rễ, lá và vỏ cây cho các học viên quan sát thật kỹ. Chị Hồ Thị Phượng cầm chiếc lá thuốc ngọn ngạc nhiên bảo: “Thì ra đây là cây thuốc ngọn, có thể dùng để làm men rượu. Rẫy nhà mình có nhiều loại cây này lắm. Thế mà, trước đây mình chẳng biết nên cứ thấy nó mọc lên là lại nhổ mất”. Cứ thế, bài giảng của nghệ nhân Hồ Văn Hùng thu hút học viên với những kiến thức gần gũi và sinh động.

nghe-nau-ruou-can-quang-tri

Bà Hồ Thị Nhất chuẩn bị nguyên liệu để làm rượu cần.

Xưa nay, rượu cần được xem là thức uống truyền thống của nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam. Ở mỗi miền quê, rượu lại mang một phong vị riêng. Thế nên, ý thức giữ nghề cũng như bảo tồn “chất men đặc biệt” của dân tộc mình luôn in sâu trong tâm trí các nghệ nhân. Đối với người Vân kiều, bao đời nay rượu cần là thức uống không thể thiếu trong các dịp sinh hoạt cộng đồng.

Trước mỗi mùa lễ hội Ra pứp, Cha xa reẻ, Côôn, bà con dân tộc Vân kiều lại rục rịch cả tháng trời để chuẩn bị nấu rượu cần. Đặc biệt, rượu chỉ được mang ra thưởng thức sau gần một tháng chưng cất. Thế nên, mỗi bình rượu cần là sự kết tinh quá trình lao động của người Vân kiều. Trong các dịp lễ hội, bình rượu nhà nào ngon nhất sẽ được cả bản tôn vinh.

Hiện nay, nghề nấu rượu cần của đồng bào dân tộc Vân kiều đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi trong các dịp lễ hội, những bình rượu cần dần được thay thế theo kiểu bình cũ, rượu mới. Khi chế biến, bà con cũng ít tỉ mỉ hơn trong công đoạn chưng cất như trước kia. Thực tế ấy khiến nhiều người “say chất men rượu cần” trăn trở.

Ông Hồ Văn Lan, già bản Khe Xong, thị trấn Krông Klang bùi ngùi nói: “Bản sắc dân tộc phai mờ cùng với việc đánh mất các nghề truyền thống như nấu rượu cần, dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ truyền thống… Chỉ lo người Vân kiều quên đi gốc rễ thôi”.

Trong bối cảnh ấy, các lớp dạy nấu rượu cần do các nghệ nhân người dân tộc Vân kiều đảm nhận xuất hiện ở huyện Đakrông đã mang đến luồng sinh khí mới cho việc khôi phục nghề truyền thống. Buổi đầu, khi đặt vấn đề tham gia lớp học, một số người cười bảo: Nấu rượu cần rất khó, mất thời gian lại không cải thiện được thu nhập thì học để làm gì?”.

nau-ruou-can

 Ông Hồ Văn Hùng hướng dẫn con cách nấu rượu cần truyền thống.

Khi được phân tích vai trò của mỗi người dân trong việc vực dậy nét văn hóa truyền thống và tương lai tốt đẹp của nghề nấu rượu cần, bà con mới gật đầu. Thế rồi, các lớp dạy nấu rượu cần nhanh chóng được huyện Đakrông tổ chức tại thôn Ka Lu (xã Đakrông), Phú An (xã Hướng Hiệp), Tà Rụt 1 (xã Tà Rụt)… thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ông Pả Biên, một học viên học nấu rượu cần cho biết: “Trước đây, mình nấu rượu theo bí quyết ông cha truyền lại. Cứ nấu 10 bình rượu cần thì chỉ có khoảng 3 bình đạt yêu cầu. Giờ đến lớp, học giáo trình hẳn hoi, mình mới biết nấu rượu cần tuân thủ đúng quy trình thì rượu mới ngon, đỡ tốn nguyên liệu, công sức”.

Tham gia lớp nấu rượu cần, học viên được cung cấp tài liệu do nghệ nhân Hồ Văn Hùng biên soạn. Bên cạnh đó, việc học lý thuyết gắn liền với thực hành khiến học viên vô cùng hào hứng. Nếu những tiết học đầu tiên, nhiều học viên mà đặc biệt là các bạn trẻ còn lóng ngóng thì chỉ qua vài buổi “cầm tay, chỉ việc”, ai cũng có thể làm trôi tròn các công đoạn như trộn men, nấu nếp, lèn rượu… Nhiều người vì “say nghề” còn xin thầy “học thêm” ngoài chương trình. Sau khóa học, các học viên đều được hỗ trợ nguyên liệu cùng vật dụng nấu rượu. Thế nên, những bếp lửa nấu rượu cần đã tỏa khói ngày càng nhiều ở các bản làng huyện Đakrông.

Niềm tin sống bằng nghề

Ngược về thành phố Đông Hà sau chuyến du lịch vùng cao, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đều ghé lại nhà nghệ nhân Hồ Văn Hùng để mua rượu cần. Ai cũng hài lòng bởi những bình rượu có giá rất phải chăng, lại đảm bảo chất lượng. Ông Nguyễn Văn Phong, khách du lịch đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Rượu cần Bru – Vân kiều có giá khá mềm. Bình 4 lít giá 140 nghìn đồng, bình 6 lít giá 200 nghìn đồng, chỉ bằng một nửa so với giá ở những điểm du lịch tôi từng đặt chân đến. Tôi rất thích vị cay nồng và hương thơm của loại rượu truyền thống này”.

nau-ruou-o-quang-tri

 Ông Hồ Văn Hùng giới thiệu về nhãn mác của rượu cần Bru – Vân kiều.

Với mong muốn vực dậy nghề truyền thống, hơn 15 năm qua gia đình nghệ nhân Hồ Văn Hùng đã cần mẫn gây dựng thương hiệu rượu Bru – Vân kiều. Giờ đây, thương hiệu này đã giúp gia đình ông có thu nhập ổn định, con cái được ăn học tử tế. Đó cũng chính là động lực giúp các học viên tin tưởng hơn vào tương lai của nghề. Nghệ nhân Hồ Văn Hùng cho biết: “Lâu nay, người Vân kiều chỉ xem rượu cần như là một thức uống dành cho mùa lễ hội, chứ không hề nghĩ đến chuyện kinh doanh. Bảo tồn thì phải đi liền với phát triển nghề, với suy nghĩ như vậy nên tôi mở cơ sở sản xuất ngay tại gia đình mình. Giờ đây, cơ sở sản xuất rượu cần của vợ chồng tôi cũng chính là lớp học của bà con”.

Để giữ gìn thương hiệu rượu Bru – Vân kiều, nghệ nhân Hồ Văn Hùng luôn căn dặn học viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rượu cần. Thế nên, chỉ những người thực sự kiên trì, chăm chỉ và có tâm huyết mới bám trụ được với nghề. Ngày ngày, họ phải bỏ hàng giờ để vào rừng kiếm nguyên liệu làm men. Khi trở về nhà, các thứ lá, vỏ hoặc rễ cây sẽ được nghệ nhân cho vào cối cùng với ớt khô, trầu, men mồi để giã lấy nước cốt.

Thứ nước này sẽ được trộn với bột gạo, ủ đúng ba ngày, ba đêm, rồi sau đó được vo thành viên và đem đi phơi nắng. Bên cạnh đó, khâu chưng cất cũng công phu không kém với việc nếp dùng để chưng cất rượu cần phải được đãi thật sạch, nấu chín, rải đều ra chiếc A điêng, trộn với rễ cây và trấu.

Công đoạn tiếp theo là lèn nguyên liệu thật chặt vào hũ và khi hũ gần đầy thì nghệ nhân tiếp tục bỏ thêm lớp trấu dày khoảng 10 cm sau đó lót lớp lá chuối khô ở bên trên, đậy kín nắp để không cho gió lọt vào. Mỗi công đoạn đều có một nguyên tắc riêng như: phải đãi thật sạch trấu và khử trùng bằng rượu trắng, tất cả dụng cụ nấu rượu đều được rửa bằng nước nguồn, phơi khô; rượu cho vào hũ sau gần một tháng mới có thể sử dụng…

Bà Hồ Thị Nhất cho biết: “Nếu đảm bảo tốt các quy trình này thì rượu mới mang đúng hương vị truyền thống và được dán tem đảm bảo chất lượng”.

Giờ đây, hễ vào mùa lễ hội của người Vân kiều hay dịp tết Nguyên đán, gian bếp của gia đình nghệ nhân Hồ Văn Hùng lại nhộn nhịp người. Các học viên sau khi tốt nghiệp đến đây không chỉ để được bổ túc kiến thức về nghề mà còn góp sức cùng thầy sản xuất nhiều bình rượu cần ngon để bán ra thị trường. Trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, thầy trò nghệ nhân Hồ Văn Hùng đã “xuất xưởng” gần 300 bình rượu cần và được bán rất nhanh chóng.

Chị Hồ Thị Quang chia sẻ: “Mỗi ngày đến nhà phụ giúp thầy, mình vừa học thêm về nghề, vừa được nhận thù lao. Thầy vẫn động viên chúng mình phải thường xuyên thực hành nấu rượu cần. Nếu sản phẩm đảm bảo chất lượng thì thầy sẽ bán giúp hoặc giới thiệu cho khách hàng thân thiết. Hiện tại, một số học viên trong lớp đã mở các điểm nấu rượu cần ở thôn bản”.

Đến thăm nhà nghệ nhân Hồ Văn Hùng đúng thời điểm núi rừng như bừng sáng sắc xuân, in sâu trong tâm trí chúng tôi là hình ảnh người nghệ nhân tóc điểm bạc ngồi nếm thử bình rượu cần của từng học viên, chậm rãi và trang nghiêm đến lạ. Chẳng biết từ bao giờ, đối với những người từng theo học nghề nấu rượu cần ở huyện Đakrông thì cái gật đầu của nghệ nhân Hồ Văn Hùng chính là “tấm giấy chứng nhận” đảm bảo cho chất lượng bình rượu cần. Bởi, đó chính là lời khẳng định họ đã trở thành lớp người kế tục, tiếp nối công việc lưu giữ “men ngàn” cho thế hệ mai sau.

[nguon]Theo: baoquangtri[/nguon]

Rượu Tân Long Hướng Hóa – Quảng Trị

Đặc sản Rượu Tân Long Hướng Hóa – Quảng Trị. Rượu chỉ được nấu tại Làng Long Hợp – xã Tân Long huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị.

ruou-tan-long-quang-tri

Mới tạo ra một lạo rượu nếp trong vắt, nồng nàn, uống rất đậm đà, vị hậu ngọt, khi rượu vào trong cơ thể thì rất dịu, không đau dầu, chóng mặt.

Rượu Tân Long được nấu bằng phương pháp thủ công cổ truyền, men rượu đặc biệt duy nhất của người dân tộc thiểu số Vân Kiều vùng tây Trường Sơn cộng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cao Trường Sơn, nguồn nước ngầm thanh khiết của vùng núi thiên nhiên trong lành chính vì điều đó đã tạo ra hương vị riêng của Rượu Tân Long.

Hiện nay, rượu Tân Long đả vang danh khắp Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và một vài vùng lân cận. rượu Tân Long đả trở thành món quà chân thành của người của người dân Hướng Hóa giành tặng cho bà con ở xa, du khách, cho những người từng một lần đến thăm vủng đất chiến trường khe sanh năm xưa, thăm mảnh đất đường 9 oai hùng

Với mong muốn duy trì và phát triễn nét bản sắc của một vùng quê, chúng tôi đang trong quá trình xây dựng và phát triễn rượu Tân Long có thương hiệu trong toàn quốc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ tất cả quí khách hàng, cá nhân, tổ chức, từ những người có tâm huyết để phát triễn rượu Tân Long, có tâm huyết trong ngành rượu của Việt Nam, sự chia sẽ của tất cả quí vị là một động lực thật lớn cho chúng tôi trong quá trình xây dựng và phát triễn thương hiệu.

Tổng hợp các món ăn ngon ở Quảng Trị

Những ai đi qua mảnh đất từng hứng chịu nhiều bom đạn thời chiến tranh đều không thể bỏ qua những món ngon đặc trưng nơi đây như thịt trâu lá trơng, bắp hầm, lòng sả, cháo vạt giường, bún hến…

Dưới đây là các món ngon ở Quảng Trị mà bạn không thể bỏ qua

Thịt trâu lá trơng

Món ăn mang tên hai nguyên liệu chính làm nên sự đặc biệt: thịt trâu và lá trơng (trơơng). Thịt trâu vốn bổ dưỡng, chữa được nhiều bệnh như đau lưng, phù chân, phong thấp… Thậm chí có người còn cho rằng nó tốt hơn thịt bò. Chính vì thế, nơi nào cũng có cách chế biến thịt trâu nhưng dám chắc rằng không đâu có vị như ở Quảng Trị này.

thit-trau-quang-tri

Sự kết hợp giữa thịt trâu non và loại là rừng mọc hoang khắp Quảng Trị đem lại mùi thơm cay rất đặc trưng của món ăn. Có 2 món chính được khách ưa chuộng nhất là thịt trâu lá trơng nướng và thịt trâu xào lá trơng. Người thích vị ngọt mềm, thơm nưng nức của thịt trâu còn nguyên vị thì gọi thịt nướng ăn với rau cải, tiêu ớt xanh và nước tương pha tương ớt. Người muốn đậm đà nhiều vị hơn thì gọi thịt xào vừa chín tới. Món nào cũng thơm ngon vô cùng. Đặc biệt thịt trâu lá trơng mà ăn vào những ngày mưa lạnh thì tuyệt.

Lòng sả

Lòng sả là một trong những món ngon Quảng Trị. Nghe tên có vẻ lạ lẫm nhưng cách làm lại khiến người ta liên tưởng đến cháo lòng của người miền Bắc. Tiết heo hoặc tiết vịt được đánh tan vụn, đổ nước vào, nấu chung với gạo rang, đậu xanh cho nhừ. Lòng heo hoặc vịt được làm sạch, cắt miếng vừa ăn rồi thả vào nồi đang đun, sôi lần nữa là ăn được.

long-sa-quang-tri

Tuy nhiên, lòng sả cho rất nhiều ớt, ăn cay xé lòng, tê lưỡi. Người dân Quảng Trị thường chọn lòng sả những khi trời mưa để ấm lòng. Hoặc mỗi khi người cảm mạo, cần ra mồ hôi thì lòng sả là phương thức diệu kỳ, tác dụng không kém cháo hành tía tô.

Cháo vạt giường

Gọi là cháo nhưng lại không phải là cháo như bình thường. Cháo bột Quảng Trị nấu bằng sợi bột gạo với cá lóc. Dân địa phương thì gọi là cháo cá, còn người phương xa đến thì hay nhắc đến nó với cái tên cháo vạt giường.

chao-vat-giuong-quang-tri

Ghé vào quán nhỏ ven đường, gọi một bát cháo vào bất cứ mùa nào trong năm, bạn đều hài lòng. Ở đây không có khái niệm cháo nóng chỉ ăn mùa lạnh. Ngay giữa trưa, nắng đổ lửa, người Quảng Trị vẫn xì xụp tay thìa tay đũa với món cháo vạt giường như thường.

Một nhúm sợi vạt giường, chút cá lóc thơm, thêm hành ngò, ớt tươi và đổ nước dùng vào, thế là cháo đã sẵn sàng chờ khách thưởng thức. Một lần nữa vị cay nóng mặt, bỏng lưỡi của ớt chỉ thiên xứ này lại khiến món ăn trở nên khó quên hơn bao giờ hết.

Bún hến Mai Xá

Bún Hến Mai Xá là một đặc sản của làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị). Gọi là bún hến nhưng ngon nổi tiếng lại do chắt chắt – một loài thuộc họ hến nhưng nhỏ và màu đậm hơn. Vì nhìn ngoài, 2 loại này khá giống nhau nên người ta ăn bún chắt chắt mà lại cứ ngỡ mình ăn bún hến.

bun-hen-quang-tri

Chắt chắt phi thơm hành, gia vị đến săn lại rồi đổ nước vào, thêm vài miếng gừng là xong nồi nước dùng ngon lành, ít béo, lại rẻ tiền. Cho bún vào tô, nhón thêm nhúm rau thơm, ngò lên trên và chan nước dùng vừa làm.

Khi ăn, giã thêm chén muối ớt tươi cùng gừng, sao cho thật cay, thật nhuyễn để bên cạnh thưởng thức chung mới thật đúng món Quảng Trị.

Bắp hầm

Để có được món bắp hầm ngon này người ta phải chọn những hạt bắp nếp căng tròn bóng bẩy sáng loáng vàng tươi để hầm. Đãi thật sạch và ngâm sau một đêm, sáng sớm còn rất sớm, người ta vớt ra khi những giọt sương đêm chưa kịp rụng, bỏ vào nồi và đun nhẹ lửa bằng củi khô. Đợi khi bắp vừa chín tới thì bật nồi cho những thứ gia vị đã chuẩn bị sẵn từ trước, như đậu xanh luộc, đường, muối, tiêu, thêm một ít mè (vừng) trộn đều vào nhau.

bap-ham-quang-tri

Bắp hầm là một món ngon riêng có của đất Quảng Trị khó có thể quên khi bạn đến thăm nơi này.

Canh ám làng Lam

Cùng với cháo bột Kẻ Diên, bánh ướt Phương Lang, mắm đam Trà Trì, canh ám làng Lam luôn là một trong những đặc sản ẩm thực của quê hương Hải Lăng (Quảng Trị).

canh-am-lang-lam

Canh ám được nấu từ 2 loại thực phẩm chính đó là: cá lóc còn gọi là cá tràu) và rau Sông. Muốn nấu canh ngon thì cá lóc phải là cá lóc đồng, nếu cá có trứng là càng tuyệt vời. Còn rau sông thì phải vừa hái từ trên cây xuống và rửa sạch.

Khi thưởng thức nước canh rau sông vừa béo, vừa có vị chua nhạt, vị chát. Nhiều người ăn chỉ cần chan nước canh này với cơm trắng thôi cũng thấy rất ngon rồi. Người ta thường ăn canh rau sông kèm với rau sống. Món ăn này được người Quảng Trị dùng trong các bữa ăn hàng ngày, các ngày giỗ, tết.

Rau xà lách xoong

Rau xà lách xoong có nhiều ở vùng Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị. Người dân địa phương quen gọi là rau liệt, vì cả cây rau mọc sát trên đá.

rau-xa-lach-xong

Rau xà lách xoong có thể được chế biến thành nhiều món bằng nhiều cách khác nhau: nấu canh với tôm tươi, luộc chấm với ruốc, làm rau sống hay đem xào qua với thịt bò. Nhưng có lẽ ngon nhất là xào với thịt bò, nói là xào với thịt bò nhưng phải đợi khi thịt bò đã chín và thấm gia vị rồi tắt lửa sau đó mới bỏ rau vào, làm như vậy ngọn rau chỉ nửa sống nửa chín, ăn rất giòn.

Xà lách xoong là một đặc sản dân dã của vùng Quảng Trị, đến vùng đất này thì bạn nhớ đừng bỏ qua món ngon này.

Bánh khoái

Bánh khoái Quảng Trị được làm từ bột gạo, có chỗ cho thêm nấm rơm, hải sản, tuy nhiên, phổ biến nhất thì chỉ đơn giản với nhân tôm thịt giá đậu mà thôi. Bành khoái nhỏ nhắn bằng bàn tay, vừa ăn, vỏ bánh dày và giòn rụm.

banh-khoai-quang-tri

Điểm quan trọng không thể thiếu khi ăn bánh khoái là các loại rau kèm và nước chấm. Rau thì tùy từng nơi, dù thế nào cũng đủ các loại chính: cải non, chuối chát và trái vả xắt lát. Còn nước chấm, mà người Quảng Trị gọi là “nước lèo” mới thật hấp dẫn. Chế biến theo công thức riêng từ ruốc, gan và nạc heo xay nhuyễn, lạc vừng giã nhỏ, tỏi, ớt bột… nêm nếm khéo léo, thứ nước chấm này làm cho bánh khoái thật sự tròn vị.

Sài Gòn không thiếu bánh khoái, nhưng trái vả và cái vị riêng nước chấm thì chỉ có về Quảng Trị mới được hưởng trọn vẹn mà thôi.

Bánh bột lọc Mỹ Chánh

Thứ bánh rẻ tiền, nguyên liệu dễ tìm, chẳng có gì đặc biệt nhưng lại mang hương vị riêng biệt – là một trong những món ngon Quảng Trị. Bánh làm từ củ sắn mài nho nhỏ với nhân bên trong có thể là thịt lợn, thịt gà, tôm, đậu xanh…

bot-loc-my-chanh-trang-vinh-hoang

Nổi tiếng nhất ở Quảng Trị là bánh lọc Mỹ Chánh. Vỏ bánh không bị chua hay nồng mà rất thanh. Nhìn từng chiếc bánh nhỏ xinh, trong suốt để lộ hình tôm đỏ hồng bên trong hấp dẫn không tả. Bánh bột lọc làm nhanh, ăn cũng lẹ. Cứ thế bóc vỏ ra, cầm bằng tay không chấm vào bát nước mắm pha nhạt, cho vào miệng cắn một phát hết nửa cái bánh.

Bánh ít lá gai

Nguyên liệu chủ yếu làm bánh ít lá gai gồm có lá gai, đậu xanh, lá chuối.

banh-it-la-gai-trang-vinh-hoang

Bánh ít dùng trước hết để thờ cúng tiên tổ trong những ngày lễ tết, huý kỵ. Rồi trong những việc hiếu hỷ: đám cưới mời cô bác một chiếc mừng duyên mới, ma chay ăn một miếng bánh ít phân ưu. Sau nữa bánh dùng làm quà cho người đi xa, mang theo như để thể hiện tấm lòng thơm thảo của người nhà quê…

Ăn một chiếc bánh ít có cảm giác dẻo dẻo, lưỡi có vị bùi của lá quết và vị ngọt của đường nhân, mũi ngửi được hương thơm của đậu đỗ xanh rắc dầu chuối, tai lắng nghe những tiếng nhai “chắp…chắp…” có vẻ khoái khẩu thèm thuồng, mắt nhìn chiếc bánh ít thì liên tưởng đến mái nhà, chợt nhớ tổ tiên qua câu gợi ca dao “ngó lên nuộc lạt mái nhà/ bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.

Bánh ướt Phương Lang

Mỗi khi nhắc đến tên Phương Lang là người ta đều nghĩ ngay đến món bánh ướt ngon nổi tiếng gắn liền với địa danh của làng.

banh-uot-phuong-lang

Cũng giống như bánh ướt ở các vùng khác trong cả nước, nguyên liệu chính làm bánh ướt ở Phương Lang chính là gạo. Gạo sau khi được vo sạch sẽ được ngâm nước trong một đêm. Sáng sớm hôm sau, thợ làm bánh sẽ tiến hành công đoạn xay gạo thành bột nước, rồi tráng trên hơi nước sôi. Cách tráng bánh rất đơn giản: dùng một miếng vải có độ dày vừa phải, tráng một lớp bột lên trên đó, sau đó để trên nồi hơi đậy nắp vung nồi nước sôi lại. Sau một lúc thì lấy bánh ra. Bánh phải được tráng không quá dày mà cũng không được quá mỏng. Sau khi tráng xong, bánh sẽ được xếp chồng lên nhau. Để bánh nguội rồi dùng hoặc có thể sử dụng liền. Khi dùng bánh, người bán sẽ tách từng cái bánh ra cuốn lại và cho lên dĩa.

Ăn cùng với bánh ướt là rau sống và tất nhiên là không thể thiếu đó là thịt heo luộc.

(Theo Gia đình & Xã hội)