Chuyên mục lưu trữ: Địa Danh

Các địa danh lịch sử, du lịch nổi tiếng ở Quảng Trị

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách trung tâm tỉnh lỵ (thị xã Đông Hà) khoảng 38km về phía Tây bắc; cách quốc lộ 1A (ở đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20km về phía Tây bắc.

nghia-trang-01

Đến Quảng Trị mà chưa lên Nghĩa Trang Trường Sơn coi như chưa đến mảnh đất này. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách trung tâm tỉnh lỵ (thị xã Đông Hà) khoảng 38km về phía Tây bắc; cách quốc lộ 1A (ở đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20km về phía Tây bắc.

nghia-trang-02

Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường  Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Chỉ huy xây dựng là Bộ tư lệnh sư đoàn 559 với sự tham gia của hơn 40 đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Ngoài ra còn có tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá xã Hoà Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

nghia-trang03

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập binh đoàn Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/1999), Đảng và Nhà nước đã quyết định cho nâng cấp, tôn tạo lại nghĩa trang  Trường Sơn bao gồm nhiều hạng mục: Cổng vào nghĩa trang  Trường Sơn, hệ thống đường và tường bao quanh, mô hình sở chỉ huy, biểu tượng của các địa phương, các cụm tượng, hệ thống thoát nước, điện nội bộ, trồng cây xanh xung quanh nghĩa trang và nhà khánh tiết, đài Tổ quốc ghi công…Đến nay tất cả các hạng mục của các công trình về cơ bản đã được hoàn tất.
nghia-trang-04

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn không chỉ là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa mà còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam: uống nước nhớ nguồn.

Hiện nay, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn có 24 cán bộ, nhân viên thường xuyên chăm lo việc coi sóc, tu bổ và tiếp đón các gia đình liệt sỹ, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng.

https://www.youtube.com/watch?v=sQ-BJ5Gr47s&feature=youtu.be

Dốc Miếu – Quảng Trị, căn cứ điểm quan trọng

Di tích lịch sử Dốc Miếu. Nằm phía Đông Quốc lộ 1A, căn cứ quân sự Dốc Miếu thuộc xã Gio Phong- Gio Linh, cách Cầu Hiền Lương chừng 7 km về phía nam. Dốc Miếu là đồi đất bazan nằm trong vùng địa hình 3 con dốc chạy ngoằn ngoèo. Ngay từ năm 1947, để án ngữ Quốc lộ 1A, thực dân Pháp đã lập đồn đóng chốt quân sự ở đây gọi là đồn Ba Dốc. Địa lợi đến vậy, đến lượt người Mỹ, khi lập căn cứ quân sự chiếm đỉnh cao ở đây từng ”ngạo nghễ” tuyên bố: “Đây là pháo đài bất khả xâm phạm”.

doc-mieu-01Tượng đài tại cao điểm Dốc Miếu- những người con của đất mẹ đã chiến thắng “Hàng rào Điện tử McNaMaRa”

Để ngăn chặn mọi sự chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, địch bố trí trên phòng tuyến nhiều căn cứ quân sự mạnh nối từ bờ biển xã Gio Hải lên đến Bến Ngự, Dốc Sỏi, Dốc Miếu, Cồn Tiên, kéo qua căn cứ Bải Sơn, Động Tròn đến Tân Lâm, Đầu Mầu cùng phòng tuyến bảo vệ Đường 9 lên tận biên giới Việt- Lào.

Trên phòng tuyến đó, Mỹ ngụy xây dựng hệ thống hàng rào điện tử Mc Namara (mang tên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ), gồm 12 lớp kẽm gai chồng nhau cao 3 m, trên mặt hàng rào có cài mìn tự động, phía dưới hàng rào là bãi mìn dày đặc rộng hàng trăm mét. Ngoài ra, địch còn rải hệ thống “ cây nhiệt đới” là loại phương tiện thông tin nhạy bén nhằm phát hiện mọi xâm phạm trong phạm vi phòng tuyến. Ở các cứ điểm có hệ thống đèn pha cực mạnh để kiểm soát chống mọi sự xâm nhập vào ban đêm. Cùng với hệ thống “ mắt thần điện tử”, kiểm soát mọi chuyển động là đội ngũ binh lính “hồn ma biên giới”, bọn biệt kích được huấn luyện công phu, thiện nghệ thường xuyên len lỏi vào hành lang của ta để chống phá mọi hoạt động của du kích.

Dốc Miếu được coi là cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến Mc Namara. Ở đây địch xây dựng hệ thống hầm nhà vòm, hệ thống lô cốt di động bằng bê tông và trận địa pháo mặt đất hướng bắn ra bờ Bắc sông Bến Hải, có trận địa phòng không 37, trung tâm điều khiển bảo vệ hàng rào, chi đội thiết giáp tuần tra cùng nhiều đại đội hổn hợp Mỹ – ngụy. Xung quanh căn cứ ngoài các hàng rào kẽm gai dày bom mìn là hệ thống máy móc báo động chống xâm nhập.
doc-mieu-02

Tuy là một căn cứ hiện đại, nhưng hàng rào điện tử đã dần dần bị vô hiệu hóa trước những mưu trí chiến lược của ta. Quân ta đã tấn công và lần lượt phá hủy từng đoạn, đưa lực lượng và vũ khí vào chiến trường. Lực lượng du kích ngày đêm khống chế không cho địch tự do hoạt động bằng cách vây ép bắn tỉa…Trong những ngày đầu năm 1972, quân và dân ta đồng loạt nổi dậy nổ súng vây chặt, bắn hàng trăm quả đạn DKD, A12 và bom phóng vào căn cứ. Sau ba ngày tấn công, đêm 31/3/1972, lực lượng địch buộc phải tháo chạy, bỏ lại đồn bốt, công sự cùng với hệ thống hàng rào điện tử hiện đại.

Ngày nay, địa danh dốc Miếu – Cồn Tiên lại trở thành tài sản quý, một di tích hấp dẫn du khách trong hành trình tour du lịch DMZ của Quảng Trị. Nơi đây, sừng sững trên đỉnh đồi cao là một tượng đài chiến thắng ghi công các chiến sĩ giao liên đã góp phần đập tan hệ thống pháo đài Dốc Miếu – Cồn Tiên. Dưới chân tượng đài chiến thắng là các đồi cây cao su nối dài tít tắp, minh chứng cho cuộc sống đang hồi sinh mạnh mẽ trên mảnh đất một thời bom lửa. Nhìn từ tượng đài chừng 7 km về phía Bắc là di tích đôi bờ Hiền Lương, một biểu tượng của khát vọng thống nhất non sông, khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh – Di tích quốc gia đặc biệt

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Vinh-Moc

 Trong những năm 1965-1968, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhất là vùng đất địa đầu giới tuyến như Vĩnh Linh, người dân nơi đây đã sáng tạo hệ thống 114 địa đạo, làng hầm khắp 15 xã, thị trấn vùng biển để tránh bom đạn quân thù. Trong đó, địa đạo Vịnh Mốc nằm trong quả đồi đất đỏ bazan chạy sát mép biển, cao 28 mét so với mặt nước biển, thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh. Đây là một kỳ tích của nhân dân Vĩnh Thạch và lực lượng vũ trang đã nỗ lực đào và vận chuyển hơn 6.000 m³ đất đá trong 18.000 ngày công gian khổ dưới mưa bom, bão đạn.

Địa đạo là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê đựợc xây dựng và kiến tạo dưới lòng đất ở độ sâu từ 10 mét đến 23 mét. Tổng chiều dài hệ thống đường hầm hơn 2.000 mét. Địa đạo có trục đường chính dài 768 mét, cao từ 1,5 mét đến 1,8 mét, rộng từ 1 mét đến 1,2 mét. Từ trục chính tỏa ra nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa ra vào. Địa đạo có 13 cửa gồm 7 cửa mở ra phía biển và 6 cửa trên đồi đi xuống. Hai bên trục đường, cứ khoảng cách từ 3 mét-5 mét thì khoét lõm sâu vào thành từng ô nhỏ, mỗi ô là một hộ gia đình ăn ở và sinh hoạt. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt với âm mưu tàn phá xóa trắng một vùng đất của đế quốc Mỹ, tính bình quân, mỗi người dân ở đây phải gánh chịu hơn 7 tấn bom đạn. Nhưng sự sống vẫn nảy sinh từ bom đạn, 17 đứa trẻ đã được chào đời ngay trong lòng địa đạo Vịnh Mốc.

trang-vinh-hoang-dia-dao-vinh-moc6

Nhà hộ sinh trong lòng địa đạo Vịnh Mốc

Việc công nhận và xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh hôm nay cùng với việc công nhận hai di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 trước đó là sự kiện quan trọng, thể hiện sự biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự cống hiến, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ… đã không tiếc máu xương anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đồng thời ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử-văn hóa truyền thống của các thế hệ trước.

[nguon]http://disanxanh.vn[/nguon]