Chắt chắt và ốc xào bên bờ sông Thạch Hãn Quảng Trị

Chắt chắt ăn kèm bánh tráng giòn tan hay ốc xào với mùi nước cốt dừa thơm đặc trưng là món ăn bạn không thể bỏ qua khi đến thành cổ Quảng Trị.

Ngay cung đường ven sông Thạch Hãn thuộc thị xã Quảng Trị có những quán ăn vặt bán chắt chắt xào hay ốc xào dừa đậm đà vị cay nồng khó quên.

Chắt chắt xào

Cái tên chắt chắt chắc hẳn sẽ gây một sự tò mò cho du khách. Chắt chắt cùng họ với ngao, hến nhưng nhỏ hơn, thường xuất hiện nhiều vào mùa hè. Chúng sống ở nước lợ trộn lẫn trong cát. Ở vùng nước sâu, người ta dùng cào, đứng trên thuyền để xúc. Ở vùng nước cạn, chỉ cần xắn quần ngang đầu gối rồi dùng tay là có thể cào được chắt chắt.

Chắt chắt được đem về ngâm nước vo gạo để nhả hết bùn. Sau đó chà xát thật sạch vỏ chắt chắt rồi đổ vào nước đang sôi, dùng đũa khuấy đều để tách ruột. Dùng rổ đãi như đãi gạo là lấy được phần ruột (nước luộc chắt chắt để thật lắng rồi lọc, đem nấu canh hoặc nấu cháo sẽ rất ngọt.)

chat-chat-xao-quang-tri

 Chắt chắt xào là món ăn vặt rất thú vị khi đến Quảng Trị.

Ruột chắt chắt sau khi để thật ráo nước sẽ xào với dầu ăn, thêm gia vị và đừng quên rắc vào một ít tiêu, rau thơm thái nhỏ. Món chắt chắt xào này thường được ăn kèm với bánh tráng. Một đĩa chắt chắt có giá 20.000 đồng.

Ốc xào dừa

Ốc xào dừa là món quen thuộc khắp đất nước nhưng hương vị tại vùng quê Quảng Trị thì không lẫn vào đâu được bởi vị cay ngọt đậm đà.

Cũng như chắt chắt, sau khi ốc được bắt về ngâm nước vo gạo trong khoảng hai giờ để nhả hết nhớt và bùn đất, sau đó chặt bỏ phần đuôi. Phi thơm tỏi, thêm xả, sau đó cho ốc, nước cốt dừa vào nấu, nêm gia vị rồi đảo đều tay trong khoảng 15 phút.

oc-xao-quang-tri

 Ốc xào dừa được bán nhiều ở các quán ăn vặt bên dòng sông Thạch Hãn.

Món ốc này phải được ăn nóng cùng với ít rau răm thái nhỏ. Nước chấm mằn mặn có thêm chút ớt và tỏi băm nhỏ. Ốc có vị béo ngọt và thơm mùi cốt dừa đặc trưng, hòa với mùi tỏi phi và chút cay nồng của ớt khiến bạn không khỏi xuýt xoa khi thưởng thức. Một đĩa ốc xào có giá 20.000 đồng.

[nguon]Nguồn: http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/chat-chat-va-oc-xao-ben-bo-song-thach-han-3291036.html[/nguon]

Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam quản lý rủi ro thiên tai và sơ cấp cứu

Với tổng kinh phí gần 500.000 USD do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, từ nay đến hết tháng 3/2017, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tập trung cho việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai và sơ cấp cứu.

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11), Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức lễ công bố dự án “Nâng cao năng lực các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong quản lý rủi ro thiên tai và sơ cấp cứu” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với tổng kinh phí gần 500.000 USD.

dien-tap-phong-chong-thien-tai

Diễn tập sơ cấp cứu cho người dân bị nạn trong thiên tai

Dự án kéo dài 18 tháng (1/10/2015-31/3/2017), tập trung vào các hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm hoạ, đảm bảo tính bền vững của các đội ứng phó thảm hoạ cấp tỉnh, nâng cao kỹ năng ứng phó thảm hoạ và sơ cấp cứu cho thành viên các đội ứng phó thảm hoạ tại Trung ương Hội và Hoà Bình, Quảng Trị, Bạc Liêu. Đây cũng là một trong 4 ưu tiên chiến lược của Hội chữ thập đỏ Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius cho biết: “Chương trình mà chúng ta khởi động hôm nay sẽ hỗ trợ đào tạo công tác cấp cứu, quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp xã. Dự án sẽ giúp ích cho khoảng 20.000 người tại các tỉnh Bạc Liêu, Hòa Bình và Quảng Trị”.

Đây là lần đầu tiên, USAID tài trợ dự án trực tiếp cho Hội chữ thập đỏ Việt Nam, thiết lập dấu mốc mới trong quan hệ đối tác giữa 2 bên nhằm giúp bảo vệ tính mạng, tài sản và sinh kế tại Việt Nam. Trước đó, thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Hội Chữ thập đỏ Mỹ, USAID cũng đã tài trợ cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai một số dự án về tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Quảng Ngãi, dự án Phòng chống đại dịch cúm (H2P), dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam; đồng thời hỗ trợ chương trình ứng phó khẩn cấp khi thiên tai lớn xảy ra tại Việt Nam.

Được biết, từ năm 2000, USAID đã cung cấp hơn 14 triệu USD nhằm đáp ứng những nhu cầu ứng phó khẩn cấp và thực hiện các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam, riêng năm 2014 ngân sách hỗ trợ đã đạt 3,5 triệu USD.

Về phía Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hàng năm cũng triển khai 10 dự án quốc tế về quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng; thành lập và đưa vào hoạt động tốt mô hình Đội ứng phó thảm họa cấp quốc gia, 28 đội cấp tỉnh và 159 đội cấp xã…

[nguon]Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/quoc-te/hoa-ky-ho-tro-viet-nam-quan-ly-rui-ro-thien-tai-va-so-cap-cuu-20151123124826312.htm[/nguon]

Chàng kỹ sư xây dựng mê…đồ nghề làm bánh

Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật công trình thủy ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng)  nhưng Lê Cảnh Cường (24 tuổi) lại chọn cách mưu sinh không chút dính dáng gì đến ngành học đã theo đuổi suốt 5 năm: bán dụng cụ và nguyên liệu làm bánh. Từ những ngày đầu tập tễnh chưa biết gì, đến nay, cửa hàng nhỏ của Cường đã thu hút được sự chú ý của khá nhiều khách hàng, từ khách lẻ đến khách sỉ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng

Cầm trên tay tấm bằng d, nhưng chàng trai người Quảng Trị này lại rất có “máu” kinh doanh. Tốt nghiệp ĐH năm 2014, Cường xin vào làm trong một công ty xây dựng ở Đà Nẵng. Do công việc khá vất vả, phải đi khảo sát, thực địa ở nhiều địa hình rừng núi phức tạp ở Nghệ An nên sau 2 tháng thử thách, Cường nghỉ việc và khăn gói ra Hà Nội tìm kiếm cơ hội mới. Tại đây, Cường phụ giúp người dì giao hàng và bán các dụng cụ, nguyên liệu làm bánh. Thấy lĩnh vực này có nhiều tiềm năng, Cường quyết định “làm liều”, quay lại Đà Nẵng để thử sức kinh doanh ngành hàng này. “Hồi đó, Đà Nẵng chưa có nhiều nơi bán dụng cụ và nguyên liệu làm bánh. Nếu có thì giá cũng khá cao do một số loại phải nhập từ nước ngoài về nên ít người quan tâm. Biết là khó nhưng vì mặt hàng này khá mới mẻ, lại đa dạng và thú vị nên mình quyết đem về bán cho bằng được” – Cường chia sẻ.

chang-ky-su-xay-dung-lam-banh

Lê Cảnh Cường bên quầy hàng nhỏ của mình.

Nói là làm, từ đầu năm 2015, Cường bắt đầu lân la thăm dò ý kiến khách hàng trên mạng. Ai cần mặt hàng nào, Cường đặt mua về bán lại cho khách. Với số tiền 5 triệu dành dụm được từ những ngày đi làm trước đó, Cường nhập về những mặt hàng cơ bản, được nhiều người hỏi mua trước. Cứ thế rồi xoay vòng vốn, Cường thuê một căn nhà nhỏ để chứa hàng, mua một tủ lạnh cũ để cất đồ đông lạnh, tự tay đóng các kệ hàng từ những thanh gỗ cũ. Có khi nhập hàng với số lượng lớn, không đủ tiền, Cường phải… ghi nợ. Công việc lúc đầu gặp nhiều khó khăn, bởi một mình phải lo toan mọi thứ, từ đặt hàng, xếp hàng tới tư vấn cho khách, kiêm cả giao hàng.

Kể về những ngày đầu kinh doanh, Cường nói: “Có khi khách gọi giao hàng, mình phải đóng quán và ghi bảng “Đang giao hàng, vui lòng chờ 5 phút” treo trước cửa để khỏi mất khách, rồi tranh thủ giao hàng nhanh. Nhiều khi đến nơi giao hàng lại không có người nhận, gọi điện không được, đành phải tiu nghỉu ra về”. Nhiều rủi ro là vậy, nhưng chàng trai mê kinh doanh ấy vẫn không bỏ cuộc.

Đến nay, sau gần một năm hoạt động, Cường thuê thêm hai người phụ việc, nhờ vậy mà công việc đỡ áp lực hơn. Căn trọ nhỏ cũng là cửa hàng của Cường nay có gần như đầy đủ các dụng cụ làm bánh, từ đồ thủ công cho đến máy móc đắt tiền và đa dạng các loại nguyên liệu làm bánh, làm nước uống… Ngoài các khách hàng nhỏ lẻ, Cường còn chuyên bán sỉ nguyên liệu cho một số cửa hàng bánh ngọt gia đình, các trường dạy nghề, quán café trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Cường còn cung cấp nguyên liệu cho các thị trường Quảng Trị, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Nghệ An, Gia Lai, Đắc Lắc… với giá khá mềm, được nhiều khách hàng ưa chuộng. “Điều may mắn nhất của mình là gia đình luôn ủng hộ mọi việc mình làm và được khách hàng tin tưởng, lui tới thường xuyên”-Cường tâm sự.

ky-su-lam-banh

Cường đang tư vấn cho khách về các loại nguyên liệu và dụng cụ làm bánh.

Bị khách nhầm là… chị chủ!

Do không biết gì về ngành hàng này, lại không có người chỉ dạy, Cường phải tự mình tìm hiểu từng chút một mỗi khi nhập hàng về bán cho khách. Có khi, Cường phải hỏi qua chính nơi mình nhập hàng, cũng có khi chính khách hàng lại là người chỉ lại cho Cường những kiến thức cơ bản về các loại nguyên liệu. Với tinh thần ham học hỏi, một ngày làm việc của Cường có khi kéo dài đến tận 11-12 giờ đêm vì phải nghiên cứu thị trường và tìm hiểu các ngành hàng. Nhờ vậy mà từ một anh chàng không biết gì về những thứ liên quan đến bánh ngọt, nay Cường đã rành rẽ từng loại nguyên liệu, hiểu được chức năng của từng loại dụng cụ.

Đặc thù ngành hàng mà Cường đang buôn bán khá thu hút nữ giới, đây cũng là lượng khách hàng tiềm năng thường xuyên lui tới cửa hàng, do vậy Cường phải kỹ càng trong các khâu tư vấn cho khách. Cường vui vẻ kể: “Nhiều người thấy mình tư vấn qua mạng nhiệt tình quá, cứ nghĩ mình là nữ. Khi hỏi chuyện toàn gọi “chị ơi”, đến khi đến tận cửa hàng cũng tìm “chị chủ quán”, vì không ai nghĩ một người kinh doanh ngành hàng này lại là nam cả. Những lúc ấy vừa ngại, vừa vui, nhưng nhờ vậy mà mình và khách hàng trở nên thân thiết hơn. Có người sau khi đến đây mua nguyên liệu về làm bánh còn đem tới cho mình thử nữa”. Chị Lan-khách hàng thân thiết của Cường tại Quảng Trị,  chia sẻ: “Mình là chủ tiệm bánh nên rất chú trọng đến nguyên liệu làm ra sản phẩm. Cường đáp ứng gần như đầy đủ các loại nguyên liệu mình cần, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt và giá thì siêu rẻ. Tuy không hiểu nhiều về nghề làm bánh nhưng Cường tư vấn rất nhiệt tình”.

Ở tuổi của Cường, không ít người thành công với lĩnh vực mình đang theo đuổi, nhưng cũng khá nhiều người vẫn lao đao trên bước đường lập nghiệp. Với Cường, quyết định rẽ lối đã gặp không ít khó khăn, mọi thứ vẫn còn bấp bênh, nhưng với khả năng và chí cầu tiến của một người mê kinh doanh và ham học hỏi, hy vọng Cường sẽ còn tiến xa hơn nữa với những dự định của mình. Dù là trái ngành, nhưng với niềm tin và ý chí, thành công không còn là điều quá khó.

[nguon]Nguồn: http://cadn.com.vn/news/64_140738_cha-ng-ky-su-xay-du-ng-me-do-nghe-la-m-ba-nh.aspx[/nguon]