Lưu trữ cho từ khóa: trang vinh hoang

Giữ hồn trạng Vĩnh Hoàng

“Cái hay của truyện trạng làng Vĩnh Hoàng chính là câu chuyện bắt nguồn từ một sự việc có thật rồi cường điệu, nhân cách hóa, hư cấu thành một chuyện hiển nhiên như thật, rất tự nhiên và hài hước”…, ông Trần Hữu Chư (77 tuổi), thôn Tây 2, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) – người đã dành trọn tình yêu và cuộc đời để nghiên cứu và truyền dạy trạng Vĩnh Hoàng cho thế hệ trẻ nói.

trang-vinh-hoang-chuyen-co

Cười để vui với cuộc sống cần lao

Theo những tài liệu mà ông Chư nghiên cứu, truyện trạng Vĩnh Hoàng có xuất xứ từ trong dân gian, ra đời hơn 700 năm về trước. Thực ra, cái nôi của chuyện trạng là làng Huỳnh Công, nay thuộc xã Vĩnh Tú. Làng Huỳnh Công xưa có ba thôn: Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam. Năm 1949, xã Vĩnh Hoàng được thành lập, trong đó có ba thôn của làng Huỳnh Công, nên chuyện trạng Huỳnh Công được gọi chung là chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Thời hiện đại, chuyện trạng Huỳnh Công tiếp tục được người dân phát triển, truyền khẩu. Như chuyện “Bom hất sang sông” kể về anh chàng đi ăn giỗ bên kia bờ Bến Hải, nhưng không có tiền qua đò, chiều về vợ hỏi qua sông bằng cách nào, anh chàng bèn kể cho vợ nghe diệu kế qua sông bằng cách khiêu khích máy bay Mỹ ném bom bên bờ Bắc để hất sang bờ Nam, ăn uống xong lại thách máy bay ném bom bờ Nam để hất ngược lại bờ Bắc, đỡ mất tiền đò mà lại được bữa no nê.

Hay “Bắt bọp” thì ca ngợi dưa hấu của người Vĩnh Hoàng to đến mức cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn mà “giết đến mỏi tay không hết”; hay sự lạc quan của người Vĩnh Hoàng trong chiến tranh là một ông lão bị lính Mỹ bắn đạn vào đầy đầu, đến khi thấy ngứa ngỡ là chấy, chải xuống thì toàn đầu đạn cắm trên da đầu gây ngứa…

Giữ lại cho đời sau

Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của xã như Chủ nhiệm Hợp tác xã Huỳnh Công Tây (1988-2003), Trưởng ban liên lạc hưu trí xã Vĩnh Tú (1987-1989), nay là Chi hội trưởng Hội người cao tuổi xã Vĩnh Tú; ông Chư được mọi người trong làng tín nhiệm, yêu mến, coi trọng và có lẽ trên hết là bởi cảm phục ông – người lưu giữ và truyền bá truyện trạng làng Vĩnh Hoàng cho các thế hệ sau của mình. Ông chia sẻ: “Ngày trước truyện trạng như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, nhưng hiện nay lớp trẻ không còn mặn mà lắm với vốn văn hóa độc đáo của cha ông nữa, nên tôi thấy buồn”.

Do có xuất xứ từ dân gian nên truyện trạng có nguy cơ thất truyền rất lớn, chính vì vậy từ năm 2000 đến nay ông Chư đã miệt mài sưu tầm những câu truyện trạng từ các bô lão trong làng. Để có được những câu chuyện hay ông phải mất rất nhiều công sức và tâm huyết để hỏi, sưu tầm, bởi có rất nhiều dị bản. Đến nay, ông đã có trong tay hàng trăm câu chuyện và thơ trạng của người Huỳnh Công xưa để lại.

Tranh thủ lúc nông nhàn, những ngày trời mưa gió rảnh rỗi không đi làm đồng, ở nhà với cây bút chì giản dị và mấy mẩu sáp màu của học sinh, ông vẽ từng đường nét, hình ảnh của câu chuyện hiện lên đầy sinh động và màu sắc thu hút người xem. Tranh ông không giữ cho riêng mình mà đem tặng các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở của xã, bởi ông hy vọng thông qua những hình ảnh sinh động, gần gũi, hồn trạng sẽ dần ngấm sâu vào tâm hồn trong trẻo của các em.

Ông Chư cũng là người đưa ra ý tưởng lồng ghép kể truyện trạng vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể, các cuộc thi, hay những buổi giao lưu văn hóa trong xã. Đến nay, cứ mỗi dịp đầu năm, những câu truyện trạng được mọi người chuẩn bị từ trước để biểu diễn, mang đến những nụ cười rạng rỡ, vui tươi cho người dân. Ông chia sẻ: Thời kháng chiến, làng Vĩnh Hoàng là trận địa bắn phá ác liệt của giặc Mỹ, dù khổ cực đến bao nhiêu nhưng cả làng cùng đồng sức, đồng lòng, tất cả vì tiền tuyến. Ngày đó, có những câu chuyện đi mãi vào trái tim bao người như: Bổ bó ra làm thuyền chở bộ đội; Lấy cào cỏ cào cánh máy bay; Quả dưa đỏ đánh Tây thua chạy… dù bom đạn của giặc Mỹ trút xuống ngày đêm không ngớt, dù tiếng động cơ phản lực cùng với tiếng bom nổ khắp ngày đêm cũng không thể át tiếng cười người Huỳnh Công.

Nguồn Báo Gia Đình

Chuyện Làng Trạng Vĩnh Hoàng

Đặc điểm của Trạng Vĩnh Hoàng (Tức Trạng Huỳnh Công)

Trạng Vĩnh Hoàng xuất xứ từ trong dân gian, là một nét văn hóa rất độc đáo. Nó mang đặc trưng tính cách riêng của người Huỳnh Công mà không một nơi nào có.

nguon-goc-trang-vinh-hoang-quang-tri

Chuyện bắt đầu từ một sự việc có thực rồi họ bắt đầu nhân cách hoá, cường diệu hoá, hư cấu thành một chuyện hiển nhiên như thực, rất tự nhiên và rất hài hước. Đặc biệt trong hoàn cảnh càng khó khăn, gian khổ và ác liệt thì chuyện Trạng lại càng nỡ rộ.

Trong cuộc sống, trong lao động sản xuất cho đến trong chiến đấu ác liệt, sự gian khổ, hy sinh không thể làm cho họ chùn bước.

Nói trạng là một món ăn tinh thần không thể thiếu đới với người Huỳnh Công. Với những tiếng cười đầy sảng khoái, càng làm cho họ có thêm nghị lực, chiến đấu bền bỉ, sống lạc quan và yêu đời.

Trạng Huỳnh Công đã có từ lâu đời, cách đây hơn 700 năm về trước, khi chưa có xã Vĩnh Hoàng. Xã Vĩnh Hoàng ra đời đầu năm 1950, vào thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cán bộ xã Vĩnh Hoàng thường được cử đi hội họp hoặc dự các lớp huấn luyện trên chiến khu Thuỷ Ba, Ba Lòng…Trong những giờ nghỉ giải lao, họ thường hay kể chuyện Trạng cho vui, lâu cũng thành quen, vì thế anh em các địa phương khác thường hay kéo đến bắt người Vĩnh Hoàng cứ kể hết chuyện này đến chuyện khác. Chuyện kể ngày càng hấp dẫn và lôi cuốn, đã trở thành thói quen, hễ gặp người Vĩnh Hoàng là bắt kể chuyện cho bằng được. Từ đó cái tên trạng Vĩnh Hoàng xuất hiện và trở nên thân thiết với mọi người. Trạng Vĩnh Hoàng đã trở thành một “thương hiệu”.

Sau này Tiến sỹ Võ Xuân Trang đã tìm hiểu và biên soạn thành sách để giới thiệu với mọi người.Trong chuyện trạng của Tiến sỹ Võ Xuân Trang, có một số mẩu chuyện cần được đính chính lại vì nó không mang đặc trưng tính cách của trạng Vĩnh Hoàng.

Đến nay, trạng Vĩnh Hoàng do người Huỳnh Công biên soạn theo tính cách đặc trưng của người Huỳnh Công nhưng vẫn được mang tên là trạng Vĩnh Hoàng vì nó đã trở thành như một “thương hiệu” rất gần gũi,  thân thiết với mọi người và đã trở thành dấu ấn đậm  nét trong ký ức không thể phai mờ .

 Mảnh đất quê hương chuyện Trạng

Tìm đến trạng Vĩnh Hoàng tức là phải tìm đến cội nguồn, nơi xuất xứ ra trạng Vĩnh Hoàng.

Vào thời sơ khai cách đây  trên 700 năm, các dòng họ các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình đến Thanh Hoá vào đây khai khẩn và lập nên làng Huỳnh Công. Trong đó Huỳnh Công Tây là nơi có nhiều điển tích làm căn cứ sản sinh ra chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Huỳnh Công Tây hồi đó có rất nhiều rừng rú, rú liền rú vào sát tận bìa làng, rất thích hợp cho các loài muông thú kéo nhau về đây trú ngụ và sinh sống. Cu, chim đủ loài, thú rừng như hươu, nai, trâu ri, bò tót, cọp beo vv…, nhiều vô kể. Cọp thường ăn lẫn lộn với bò để bắt mồi, cho nên có chuyện bắt nhầm  cọp để cày.

Cọp thường vào làng để bắt người. Nay còn có lòi rú gọi là “lòi mụ Sài”. cọp đã bắt bà ấy vào lòi này ăn thịt, cho nên người ta đặt tên cho lòi rú đó là “lòi mụ Sài”.

Hoặc rừng rú cò những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cu chim thường ăn và thải hạt ớt vào trên ngọn cây, cho nên có những cây ớt tự tạo, gốc có thể cưa được mấy cấp săng ấm và còn làm được mấy xác nhà Rường….

Huỳnh Công Tây nơi đây là vùng đất có 9 phần là đất cát, còn một phần là đất đỏ bazan. Thiên nhiên không được ưu đãi lắm. Hai mùa nắng gió khắc khổ.

Mùa hè ngọn gió Lào kéo về nắng rát đến nổ tre. Mùa đông ngọn gió Đông Bắc kéo theo mưa phùn lạnh tê tái. Ruộng lúa rất hiếm hoi.

Họ sống chỉ nhờ vào cây khoai, cây sắn, còn gạo thì rất khan hiếm, quý hơn vàng. Họ cho hạt gạo là “hòn ngọc nhà trời”.

Thiếu ruộng không đủ gạo ăn, họ tìm cách bù đắp bằng trồng dưa đỏ trên cát để tạo nên hàng hoá trao đổi. Họ làm dưa đỏ đã trở thành làng nghề. Dưa đỏ đã trở nên món hàng đặc biệt. Lái buôn đã về đây mua chở vào Nam, ra Bắc để tiêu thụ.

Có giống dưa đặc biệt là ngon, đã được đưa vào cống tiễn trong cung vua, để vua ngự lãm. Giống dưa đó được gọi là dưa ngự.

Quạ ở đây cũng nhiều vô kể. Dưa đỏ là món ăn mà quạ thích nhất, cho nên có chuyện một đàn quạ từ trong quả dưa chui ra, bắt bọp đến mỏi tay và chỉ có nơi đây mới có.

Nhờ có nghề làm dưa đỏ để trao đổi lấy lúa gạo, họ mới thêm bát cơm để bù đắp.

Từ trên mảnh đất mà tổ tiên đã tạo dựng nên, họ phải vật lộn, bươn chải, đào bới trong đất, để làm ra cây khoai, cây sắn nuôi sống họ trong những ngày ba, tháng tám, những lúc giáp hạt, những năm mất mùa, khoai sắn đã nuôi sống họ không bị chết đói, cho nên họ vẫn bám giữ mảnh đất này “một tấc không đi, một ly không rời”.

Cũng giống như những cây trâm bầu quê họ, khi rễ đã cắm sâu vào lòng đất thì nắng vẫn không khô, hạn vẫn không héo, bão táp mưa sa vẫn đứng vững giữa trời, làm thành vành đai chắn bảo vệ con người, giữ cho làng xóm được yên vui.

Mảnh đất quê hương chuyện Trạng

Tìm đến trạng Vĩnh Hoàng tức là phải tìm đến cội nguồn, nơi xuất xứ ra trạng Vĩnh Hoàng.

Ai về Vĩnh Tú nhớ ghé lại Huỳnh Công Tây Để thăm làng Trạng nơi đây một lần.

Làng Trạng xưa nay  đã được sự mến mộ của xa gần. Từ trong gian khó đã biết đấu tranh để sinh tồn. Từ chất trạng đã tiếp thêm cho họ nguồn sinh lực, trong nắng gió, trong gay gắt, họ đã nếm được hương vị ngọt ngào.

Quả dưa đỏ ăn vào đã cho ta vị ngọt mát thanh tao.

Ai qua đây chưa được nếm thử, coi như chưa có một lần vào.

Vừa ăn dưa đỏ vừa kể chuyện “bắt bọp” thế nào mà chẳng ngon.

Lại còn chuyện lội suối, trèo non, lên rừng bứt tranh, bứt nhầm đuôi cọp, tưởng như chuyện hoang đường, rứa mới hay.

Còn như chuyện bắt cọp để cày và bao chuyện khác nữa, kể dài dài vẫn hay.

chuyen-bat-cop-di-cay

Chuyện Trạng nảy sinh ra thời nào cũng có:

Thời sơ khai:

Cuộc sống của họ là phải đào bới, khai phá đất đai, phần phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, phần phải chống chọi với thú dữ. Họ vẫn thể hiện được khí phách và tính hài hước. Họ có chuyện Đi săn trâu ri, chuyện Bắt cọp để cày, chuyện Cây ớt gia truyền  vv…

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Họ đã rào làng chiến đấu.Chính những rặng giẻ, rặng trâm bầu đã trở nên thành luỹ, cản bước tiến của giặc, để cho du kích có điều kiện đặt bẫy, gài bom. Có ngày họ đã đánh 12 trận trên đường Cạp Lài và Khe Chuối . Ông Võ Vãng  – một xã đội trưởng gan dạ và mưu trí là người chỉ huy.

Những chiến công lẫy lừng của dân quân Vĩnh Hoàng đã làm cho giặc Pháp phải bạt vía kinh hồn. Tiếng tăm đánh giặc của Vĩnh Hoàng đã vang ra cả nước. Những người con ưu tú như Trần Thị May (tức Cam), Trần Thị Nghẹ đã được bầu chọn đi dự đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua năm 1952.

Xã Vĩnh Hoàng được nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng nhất và nhiều huân chương các loại khác.

Họ đánh đã giặc giỏi, họ lại nói trạng càng hay.

Họ có: Chuyện  Dưa đỏ mà biết đánh Tây.

Chuyện Vít cổ tàu bay.

Chuyện Quả bí bổ có hai cuống vv…

Thời kỳ chiến tranh chống giặc Mỹ:

Địa điểm Bia Công Tích là pháo đài đánh Mỹ. Bãi Cồn Hoi là trận địa liên hoàn, các loại pháo tầm thấp, tầm cao bổ vây giặc lái Mỹ, phối hợp với bộ đội chủ lực bắn tan xác nhiều con ma, thần sấm bắt sống giặc lái Mỹ.

Rú trâm bầu là nơi hậu cứ, chỗ cất dấu kho tàng vũ khí và lương thực.

Họ quyết bám đất giữ làng, vừa sản xuất,vừa chiến đấu.

Bom đạn giặc Mỹ trút xuống ngày đêm không ngớt. Máy bay phản lực Mỹ gầm rít, cũng không át nổi tiếng cười của họ.

Họ có chuyện Đào địa đạo xuyên lục địa.

Chuyện Đầu tét bom bi

Chuyện Thừa một đứa con v v…

Thời hoà bình:

Họ phải đổ nhiều mồ hôi, công sức và còn phải đổ máu, để hàn gắn vết thương chiến tranh, để xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Chiến tranh đã cướp đi của họ tất cả. Họ phải làm lại từ đầu, để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Họ lao vào công cuộc tái thiết, phải tất bật bươn chải, ai nấy đều hăm hở lao động sản xuất, để tạo dựng nên một cuộc sống no đủ và đi đến giàu có. Cuộc sống của họ dẫu có tất bật, hối hả, nhưng họ vẫn không quên tiếng cười, không quên nói trạng.

Họ có chuyện Cây khoai bò qua hai tỉnh.

Chuyện Ớt mà tưởng ngà voi

Chuyện Đi bán sắn bị kiểm lâm bắt v v…

Chính chất men trạng đã ngấm vào họ, đã đi vào từng thớ thịt với đường gân. Với cách ứng xử của họ đã toát ra hơi trạng. Trạng Vĩnh Hoàng chỉ có người Vĩnh Hoàng kể nghe mới hấp dẫn. Vì nó còn ẩn chứa trong ngôn từ, trong thổ ngữ của người Huỳnh Công.

Từ người già đến lớp trẻ, họ đều nói trạng. Thật đúng vậy đó, bạn có về đây, có tiếp xúc thì mới thấu hiểu.

Trần Hữu Chư

Vít cổ tàu bay

Bữa chống càn, trong lúc quân Pháp chưa vô đến thì một chiếc bà già đã mò đến để thám  thính, lạo sà xuống thấp để nhòm cho rõ. Lạo cứ vèng qua vèng lại kêu rè rè trên ngọn mít, tôi đang gài lại mấy cái hầm chông. Tôi thấy hắn làm rứa, ghét máu quá liền chạy vô trong  nhà giật cái câu liêm nhảy lên đông nhà chực hắn bay qua là ngoắc lấy cổ. Lạo tưởng không ai làm gì được lạo nên lạo càng sà xuống thấp. Một thằng Tây ngồi trên nhoài cổ ra để dòm ngó. Thuận tay tôi đưa cái câu liêm  lên ngoắc lấy cổ.

chuyen-may-bay
Lạo hoảng quá giật hút cái đầu lại, tức thì một trái lựu đạn rớt xuống tôi lấy cẳng hất ra, rơi xuống đống rơm, mấy mạ con đàn gà ham bới móc tìm kiếm thì lựu đạn nổ, mạ con gà bay toé loẹ cả lên.

Bữa sau tôi đi làm cỏ bên Đôộng Hàn, lạo lại bay ra kiểm tra chỗ hôm qua. Lạo vèng qua vèng lại cố phát hiện ra tôi nhưng chẳng thấy ai làm gì đến lạo. Lạo chẳng biết tôi đang làm cỏ bên Động Hàn ni mô. Lạo mới bay vọt qua bàu Thuỷ ứ, mới ngóc đầu lên thì đụng phải tôi.

Sẵn cái cào cỏ trong tay tôi mí móc lấy kẹng. Lạo bị thất thế lật kẹng qua một bên kêu rè rè, kẹng lại cào vô đống cát, lạo cố kéo lên, tôi thì cố trì lại, một chặp mỏi tay qua tôi mới thả tay.

Loạ mất thăng bằng kẹng lại úc mạnh vô cát lạo bay ngược qua bên làng. Cát nặng quá lạo cứ lắc lắc như trời có mưa làm cho mấy đứa con nít bên làng reo lên: “Ô! Trời có mưa cát,Trời có mưa cát.”

Hữu Chư.