Chuyên mục lưu trữ: Tin Tức

Những “Làng nói khoác” ở Việt Nam

Một người dắt củ sắn vào cạp quần, về đến nhà đã bở tung. Có cây rau muống to đến nỗi trèo lên ngọn cây nhìn thấy cả cột cờ Hà Nội. Làng có con lươn, thịt thì nướng chả, xương thì đẽo cày… Đó là những câu chuyện hàng ngày ở những làng nói khoác Việt Nam.

Theo thống kê, đất nước ta có hàng chục làng cười từ Nam đến Bắc. Mỗi làng có một đặc trưng riêng của văn hóa vùng miền. Chung quy lại, đó là những câu chuyện trào tiếu gây cười đến sảng khoái, thể hiện cuộc sống đa dạng, đa phong cách và cuộc sống tự do, lạc quan yêu đời của nhân dân.

Làng nói khoác Văn Lang

Văn Lang thuộc xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Đi theo Quốc lộ 32 chừng 75 km là đến đất Tam Nông, tôi tìm về với mảnh đất nổi tiếng này để biết thêm những giai thoại độc đáo mà tức cười. Một miền trung du Bắc bộ đầy màu xanh của lá cọ. Con người ở đây bình dị, gắn bó với những cây cọ. Đến cả mái nhà cũng chủ yếu lợp bằng cọ, nằm xen với những quả đồi thấp. Đi vòng vèo vài con đường, chúng tôi nhận ra ngôi làng vẫn nằm trong một vùng nguyên sơ, nghèo nàn, ruộng nương hạn hẹp.

images1Qua giới thiệu, chúng tôi được đám trẻ đưa đến nhà cụ Hán Văn Sinh, một người được coi là “Đại gia” của làng khoác. Cụ kể “Nơi đây được coi là khởi nguồn của của nền văn hoá lúa nước. Ngày đó, tất cả những sản vật nông nghiệp của làng đều tốt cả. Ai muốn cái gì tốt thì đều đến Văn Lang, gà tốt đến, xôi dẻo đến, cá to đến… Từ đó người dân cứ nói khoác các sản phẩm của mình lên nhằm ngợi ca những cái mình làm ra”.

Kỳ thực, cuộc sống của người Văn Lang đã làm nên cả một kho truyện cười độc đáo. Có chuyện một người dắt củ sắn vào cạp quần, về đến nhà đã bở tung. Chuyện mớ rau muống to đến nỗi trèo lên nhìn thấy cột cờ Hà Nội… Bằng sự khéo léo tài tình, người dân đã biết chuyển những đề tài tưởng như rất đời thường tưởng như chẳng có gì đáng nói như củ sắn củ khoai, mớ rau… thành hấp dẫn. Nguyên do thế nào? Tôi được cụ Sinh bảo rằng: “Cũng bởi thủ pháp phóng đại gây cười, cách kết thúc bất ngờ, ngôn ngữ nặng, khó nghe, lắm lúc ê a. Từ đó người ta đặt cho những cái biệt danh ngồ ngộ: Văn Lang cả làng nói khoác, Làng nói trạng…”

Kho chuyện cười của Văn Lang đã rất phong phú đa dạng. So với những làng cười khác như Vĩnh Hoàng (Quảng Trị); Trúc Ổ (Sơn Dương-Tuyên Quang); Đồng Sài (Bắc Ninh), truyện cười của Văn Lang đa dạng hơn nhiều, cả về tính dí dỏm lẫn đề tài. Người ta sẽ cười vì: Văn Lang có một con lươn, thịt thì nướng chả còn xương đẽo cày.

Những câu chuyện như: Tay ải tay ai, Con ếch cốm, Bác đi mua ‘nỏ’ lắm, Đỉa trâu, Củ sắn qua đường 24, Bưởi rụng chết trâu… đầy hài hước đều xuất phát từ làng này.

Chuyện nói khoác của Văn Lang bó hẹp trong phạm vi nhỏ. Thường được lấy từ những sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, trong lao động sản xuất của người dân. Cái điêu ngoa của họ không đáng ghét. Nó mang đến nụ cười, sự sảng khoái, tạo nên sự lạc quan trước những hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn. Nên cái điêu ngoa ấy là đáng yêu.

Cũng có những chuyện cười để bài trừ, đả kích những thói hư tật xấu của xã hội. Và vì thế mà chẳng bao giờ người dân dừng lại được những câu truyện đó. Trên cánh đồng gặt, vụ cấy hái, ngoài chợ, lúc nghỉ ngơi, bất kể lúc nào người dân cũng có thể nói để cười, để chia sẻ cho vơi bớt mệt mỏi. Điều đó chứng tỏ rằng “di sản” của họ vẫn được bảo tồn.

Làng trạng Vĩnh Hoàng

Làng trạng Vĩnh Hoàng thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Năm 1949, xã Vĩnh Hoàng được thành lập, trong đó có ba thôn là làng Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam nên chuyện trạng cả ba làng còn được gọi là chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Nay xã Vĩnh Hoàng đổi thành xã Vĩnh Tú.
lang-noi-trang-vinhhoang-2015Làng trạng Vĩnh Hoàng làm du lịch. Năm 2006, khu du lịch Thủy Ứ của làng trạng được khai trương, cách thị xã Đông Hà (Quảng Trị) chừng 50 km về phía bắc. Khu du lịch rộng, với những hồ nước xanh trong ngăn ngắt, những ngôi nhà mái lá đơn sơ lợp cọ dùng để cho khách nghỉ ngơi và có thể nghe… nói trạng. Ngoài ra du khách còn có thể câu cá thư giãn, dạo thuyền, tắm nóng lạnh…

Khu du lịch hiện nay do Hội Người khuyết tật xã Vĩnh Tú quản lý. Tiền thu được xung vào quĩ hội. Chúng tôi được chị Nguyễn Thị Hợi kể cho nghe câu chuyện thú vị thế này: Có một người đi câu cá, bắt một con cóc làm mồi. Đến hồ, ông lấy đà vút dây câu một cái thì không ngờ dây câu văng sang bờ hồ phía bên kia. Trong lúc không biết làm cách nào để gỡ lưỡi câu đang mắc vào bụi thì một con chim cuốc nhảy ra ăn con cóc. Khi đang kéo cuốc thì con chồn từ trong bụi rậm lao ra ngoạm con cuốc vào miệng, mắc phải lưỡi câu. Mừng quá ông kéo dây câu thì… “bụp”, một con cá đô (lóc) từ hồ lao lên đớp trọn con chồn. Con cá to quá, bà con xúm lại cùng nhau kéo con cá lên rồi dùng cuốc to để đánh vảy. Sau đó mỗi người được tặng một chiếc vảy mang về làm quạt. Mổ bụng con cá ra có cả chồn, mổ bụng chồn có cả chim cuốc, mổ cuốc ra có hơn chén tép, đủ làm bảy món liên hoan cả làng thật là vui… Nghe xong ai cũng òa cười.

Làng Vĩnh Hoàng xưa nghèo khổ, phải vật lộn với thiên tai, giặc giã để mưu sinh. Trên cuộc hành trình gian khổ đó, người dân có một vũ khí rất lợi hại để tự động viên mình, đó là chuyện trạng. Và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, người ta đã sinh ra cả ngàn chuyện trạng, thành kho tàng đặc sắc. Đây là kho chuyện cười trào tiếu dân gian, cũng giống như chuyện cười của các làng trạng Bắc Bộ hay chuyện kể bác Ba Phi ở Nam Bộ.

Trong chuyến thăm làng trạng lần này, tôi đặc biệt ấn tượng với chuyện “Bắt nhầm cọp cày”, chuyện đã được vẽ thành tranh để bảo tồn. Nội dung như sau: “Đêm nớ, tui đi cày sớm, ra ngoài ràn (chuồng) bắt cặp bò đực cày đôi. Nhưng khi cài vào cày thấy con bò không chịu đi, tức quá tui lấy roi đập một cây vào lưng bò, con bò quay mặt dòm tui, thấy đực bò răng mà mặt mũi to đại chang, lạ quá. Tui tới sát coi cho kỹ. Té ra, đêm nớ cọp vô ràn bắt bò ăn thịt. Ăn xong, cọp chưa kịp ra khỏi ràn thì tui đã dậy đi cày quá sớm, bắt nhầm cọp cài vô cày mà không biết. Tức quá, tui mở dây cày ra, đập cho hắn một trận, hắn quá sợ, co bốn cẳng chạy vô rừng”.

Nói khoác kiểu Dương Sơn

Đất Kinh Bắc không phải chỉ có những làng nghề, làng Quan họ nổi tiếng, mà nó còn có những làng cười. Làng Quan họ chỉ tập trung ở một vài vùng nhất định, còn làng cười thì gần như huyện nào cũng có, ví như huyện Yên Phong có làng cười Đông Yên, huyện Tiên Sơn có làng cười Yên Tử, Hiên Ngang, huyện Yên Dũng có làng cười Đông Loan, Nội Hoàng, huyện Quế Võ có làng cười Đồng Sài, Trúc Ổ, huyện Tân Yên có làng cười Hòa Làng, Dương Sơn. Những ngày cuối năm, trong không khí chuẩn bị đón xuân, chúng tôi về làng Dương Sơn, một làng cười nổi tiếng, nơi đây con người mộc mạc, yêu đời và luôn biết làm cho cuộc sống của mình trở nên tươi đẹp.
hinh7451q_1298102711.
Người dân Dương Sơn nghĩ ra câu chuyện táo bạo, có thể làm sởn gai ốc của một số người nghe, đó là câu chuyện bắt hổ con: “Tôi đem hai con hổ con ra Hà Thành bán. Tiếng đồn đến tai ông Trưởng phường xiếc Tạ Duy Hiển, ông ta mời tôi vào nhà đãi làm thượng khách rồi đặt mua con hổ, tôi nhận tiền ra về. Tìm được hang hổ con mọn, tôi chui vào, rón rén bò qua đến chỗ hổ bố ngủ, tôi nhổ trụi râu nó, nó buồn quá lại càng ngủ say… Vượt qua hổ bố, tôi lần đến chỗ hổ con, bịt mũi đem ra, hổ bố vẫn gáy phe phe…”. Chuyện này người Hòa Làng không hề có.

Hay như chuyện một người dân Dương Sơn gặp một người Hòa Làng, họ nói chuyện với nhau. Người Hòa Làng nói:

– Da vợ mình thật trắng khủng trắng khiếp, trắng từ chân lên đến cổ. Cô ấy mà xắn quần lên thì thôi, ai muốn gọi là đùi cũng được, ai muốn gọi là khúc sắn bóc vỏ cũng được…
Người Dương Sơn bèn chen ngang:
– Thế đâu đã trắng bằng vợ tớ. Tớ nhớ, hồi máy bay Mỹ còn đánh phá khắp nơi, hôm ấy vợ mình đi ăn cưới, cô ấy diện chiếc áo pôpơlin Nhật trắng, mới nguyên. Đang đi giữa cánh đồng thì nghe tiếng máy bay, cô ta đang trên đường chạy tới bờ mương để nấp thì những người ở dưới mương đã kêu lên: “Cởi ngay cái áo ra, không máy bay nó trông thấy mất, cởi ngay ra, cởi ngay ra”. Nghe vậy cô ấy vừa chạy vừa cởi áo. Nhưng vừa cởi áo xong mọi người ẩn dưới lòng mương lại gào to hơn: “Mặc áo vào, mặc ngay áo vào, không nó bắn chết cả đám bây giờ!”. Cậu thấy không, da vợ tớ trắng đến thế kia mà!.
Đúng là người Dương Sơn nói khoác gấp ba những làng nói khoác khác.

Ông Nguyễn Văn Thiết năm nay đã 80 tuổi, một người có nhiều năm nói khoác tâm sự: “Dòng họ chúng tôi, đến đời tôi là 7 đời nói khoác. Điều này không nhằm ý gì khác là sự vui vẻ, lạc quan với tính hai hước của người nông dân. Với lại, do cuộc sống kinh tế nghèo nàn, những câu chuyện nói khoác là để xua đi cái sự chật vật cố hữu, thể hiện cái khát vọng no đủ…”. Đến con cháu của ông Thiết, đi ra Hà Nội học cũng mang theo “cây nhà lá vườn”, khiến cả lớp họ được nhiều phen cười đến… vỡ bụng.

Về Dương Sơn, nếu đúng dịp đầu xuân tổ chức thi nói khoác thì thật vui. Các cụ bảo cuộc thi vui vẻ đó đôi khi diễn ra từ sáng đến tối. Ngày xưa những bậc lão thành của làng, với vốn kinh nghiệm dân gian, chuyện khoác “đầy mình” nên không thanh niên nam nữ nào thắng được. Giờ các cụ chủ yếu truyền đạt kinh nghiệm cho con cháu, còn phần thi giành nhiều cho bậc trung niên và thanh niên. Các cụ các ông là những “cây” nói khoác phải kể đến các cụ Nguyến Chí Bao, Trần Mãi, các ông Nguyễn Đình Đại, Nguyễn Đình Vinh…

Cuối ngày, chúng tôi về nhà ông Nguyễn Đình Vinh, xin ông vài chuyện nữa để mang về quê… ăn Tết. Nào ngờ khi nghe ông nói, mải nghe, mải nghĩ quên mất cả ghi, may mà còn cái máy ghi âm. Ông Vinh khoe: “Năm ngoái tôi bắt được một con ếch, ăn thịt hai năm mới hết”. Tôi không tài nào đoán được chuyện có ý nghĩa gì, giải thích ra sao thì ông Vinh tiếp: “Đêm 30 cầm đèn qua bờ ao, bắt được một con ếch to về làm thịt, bắc mâm ra còn là năm cũ, ăn qua giao thừa sang năm mới mới hết. Thế chẳng là con ếch ăn hai năm mới hết là gì?”

Chuyện cười là kho tàng của những người nông dân còn lam lũ, vất vả nhưng vẫn lạc quan, sống bằng tiếng cười. Đó là cái hồn quê, mộc mạc của người dân Việt Nam ta.

Theo Vietimes

Làng 400 năm nói trạng

Suốt hơn 400 năm qua, làng trạng Vĩnh Hoàng (xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn luôn lưu truyền những nét văn hóa độc đáo của tổ tiên để lại. Trời phú cho người dân nơi đây biệt tài nói khoác qua nhiều thế hệ mà hiếm nơi nào có được. Đặc biệt nhiều đôi nam nữ từ chỗ “kỳ phùng địch thủ” trong các cuộc thi trổ tài nói khoác đã bén duyên thành vợ chồng.

lang-noi-trang-vinhhoang-2015
Nét văn hóa độc đáo

Trong chuyến công tác tại Quảng Trị, chúng tôi có dịp đến thăm làng trạng Vĩnh Hoàng, xã Vĩnh Tú vào một ngày giáp Tết. Đến với mảnh đất nổi tiếng này để biết thêm về những giai thoại độc đáo, hài hước. Con người ở đây thật bình dị, quanh năm gắn bó với đồng ruộng. Đi vòng vèo vài con đường, dễ nhận ra ngôi làng vẫn nằm trong một vùng nguyên sơ, nghèo nàn và cả những ruộng lúa pha lẫn đất cát.

Qua giới thiệu, chúng tôi được đám trẻ dẫn đến nhà vợ chồng ông Trần Đức Trí (78 tuổi) và bà Trần Thị Liệu (75 tuổi). Hai người được coi là cặp “siêu cao thủ” có biệt tài nói khoác nổi tiếng ở làng Vĩnh Hoàng. Thấy khách lạ đến chơi, bà Liệu đon đả rót nước tiếp chuyện.

Quả đúng là như lời đồn đại, bà Liệu là người rất dí dỏm và mỗi câu chuyện của bà luôn mang đậm chất hài hước. Bà Liệu cho hay, cả hai vợ chồng vừa từ làng bên về. Bà Liệu dứt chuyện thì ông Trí lại làm mọi người cười nghiêng ngả với những câu chuyện tếu táo, những câu nói bốc phét độc đến lạ thường.

Theo như lời kể của vợ chồng nghệ nhân Trần Đức Trí thì làng trạng Vĩnh Hoàng thực chất là làng Huỳnh Công (gồm 3 thôn Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Đông và Huỳnh Công Nam) thuộc xã Vĩnh Tú ngày nay. Nói thêm một chút về lịch sử, Vĩnh Hoàng là danh từ cổ, chỉ tên gọi trước đây của cả 4 xã Vĩnh Tú, Vĩnh Nam, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung ngày nay. Trong địa phương rộng lớn này thì chỉ có mỗi làng Huỳnh Công có “nghề” sáng tác và kể chuyện trạng. Cho nên người ta có thể nói “chuyện trạng Huỳnh Công” hay “chuyện trạng Vĩnh Hoàng” đều là một.

“Đã là người Vĩnh Hoàng thì ai cũng biết nói trạng, có nhiều người thường đùa vui rằng đây là vùng đất nói khoác. Nhưng nói khoác theo kiểu Vĩnh Hoàng chứ không phải là kiểu nói láo, nói sai sự thật với mục đích ba hoa, lừa gạt người khác. Mà trái lại, chuyện bắt đầu từ một sự việc có thực rồi chúng tôi hư cấu thành một chuyện hiển nhiên như thực, rất tự nhiên và đầy hài hước. Từ đó tạo nên những tiếng cười đầy sảng khoái làm cho dân làng có thêm nghị lực sống lạc quan và yêu đời”, ông Trí cho hay.

Được biết làng Vĩnh Hoàng xưa nghèo khổ, phải vật lộn với thiên tai, giặc dã để mưu sinh. Trên cuộc hành trình gian khổ đó, người dân có một vũ khí rất lợi hại để tự động viên mình, đó là chuyện trạng. Và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, người ta đã sinh ra cả ngàn chuyện trạng, thành kho tàng đặc sắc.

Cứ thế họ kể cho nhau nghe quên ngày tháng lao động vất vả, từ thế hệ này qua thế hệ khác và cũng chỉ “nói khoác” toàn thứ vô hại, tếu táo làm quà vui hoặc gặp mặt dịp đầu xuân hay lễ lạt. Nhưng độc đáo, kỳ lạ ở chỗ không ít cặp vợ chồng như ông Trí, bà Liệu lại có được lương duyên từ những câu chuyện khoác lác ấy.

Nên duyên nhờ… bốc phét

Theo truyền thống bao đời nay, cứ vào mỗi dịp đầu xuân, người dân xã Vĩnh Tú thường tổ chức các cuộc thi kể chuyện cười. Mỗi dịp như vậy luôn thu hút mọi tầng lớp từ già trẻ, gái trai hăng hái tham gia. Cũng từ đó, biết bao đôi trai tài gái sắc bén duyên nhau từ chỗ “kỳ phùng địch thủ” trong các cuộc thi. Được biết, ông Trí, bà Liệu là một trong số những cặp vợ chồng đến với nhau từ những cuộc thi như vậy.

lang-noi-trang-2015
“Tôi với chồng vốn cùng trang lứa, lại cùng chung một làng nên thời kỳ chiến tranh hay tham gia tăng gia sản xuất cùng nhau. Mỗi lúc nghỉ giải lao, cấp trên thấy tôi và chồng tôi có khiếu hài hước nên hay bảo chúng tôi kể chuyện pha trò giúp mọi người có những giây phút giải trí quên đi mỏi mệt. Ông ấy cứ thế say sưa kể chuyện, mọi người cứ cười lăn cười bò, riêng tôi thì im lặng, không nói câu gì. Chẳng chịu kém cạnh, đợi ông ấy kể xong tôi lại vẽ ra một câu chuyện khác thế là mọi người lại được dịp cười hả hê, chồng tôi cũng cười. Hồi ấy, chúng tôi chỉ gặp nhau ở trên đồng ruộng là chủ yếu. Mãi cho đến lần gặp gỡ, cuộc thi kể chuyện trạng đầu xuân được tổ chức ở làng thì ông ấy mới ngỏ lời yêu tôi. Ở làng này nhiều cặp đôi bén duyên nhau từ các cuộc thi kể chuyện trạng lắm, chẳng hạn như vợ chồng cụ Trần Hữu Chư và cụ Võ Thị Nương…”, cụ Liệu tâm sự.

Chúng tôi cũng được cụ Trí kể lại nhiều câu chuyện hài hước, nghe xong mà thấy thích thú làm sao, ai cũng phải bật cười. Một trong số đó là câu chuyện “lỡ một buổi cày”. “Bữa đó, nhà có mấy mảnh ruộng, tôi đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nước. Khi gà vừa cất tiếng gáy, vợ tôi đã làm sẵn một bầu nước chè đặc với mo cơm nếp xáo khoai, bay mùi ra thơm lắm. Tôi nghe đã thích liền dắt bò một mạch tận rừng. Thấy trời chưa sáng, tôi cho đàn bò ăn một lúc. Sau đó tôi chọn lấy một con rồi buộc vào cày và bắt đầu cày ruộng. Cày một hồi đến khi mặt trời lên mới biết cái con đang kéo cày không phải là bò mà là… cọp. Sẵn cái rựa trong tay, tôi chặt một nhát thật mạnh, cái thân cày liền đứt đôi. Lão cọp khiếp, chạy một mạch vô rừng, không nhìn lại. Vậy là tôi lỡ mất một buổi đi cày…”.

Trong kho tàng hàng ngàn câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng không chỉ có những câu chuyện từ thời xưa để lại mà nó luôn được đổi mới sáng tạo. Cứ mỗi dịp cuối tuần, các cụ già thường tập trung đám trẻ con trong làng tại sân nhà văn hóa thôn và kể cho chúng nghe những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Đặc biệt, dù tuổi đã cao, nhưng bất cứ khi nào có dịp các cụ lại hăng hái lên sân khấu thi tài nghệ “bốc phét” cho thế hệ trẻ học hỏi thêm. Những nghệ nhân làng trạng Vĩnh Hoàng đang nỗ lực cố gắng dành toàn bộ phần đời còn lại để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, với tâm nguyện tầng lớp trẻ sẽ giữ được hồn phách, bản sắc văn hóa độc đáo của cha ông.

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng bao đời nay vẫn vậy, luôn gần gũi và thơ mộng. Nơi ấy, những câu chuyện hài hước tiếp tục được sáng tạo, tựa như mạch ngầm của quê hương tuôn chảy đã bao đời để những rặng trâm bầu mãi xanh ngát. Lúc chia tay, cụ Trí có đọc tặng chúng tôi bài thơ mà cụ vừa sáng tác cho dịp đầu xuân sắp tới: “Làng Trạng quê tôi đẹp tuyệt vời/Có rặng trâm bầu, có dòng suối mát/Chuyện làng trạng quê tôi thành vợ thành chồng/Ai mà ế vợ ế chồng/Đi về làng trạng tức thời có ngay”.

Lễ hội nói chuyện trạng

Bà Hoàng Dạ Hương, Trưởng ban văn hóa xã Vĩnh Tú cho biết: “Lễ hội kể chuyện trạng ở Vĩnh Hoàng được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp đầu xuân. Phần thưởng chỉ là những món quà nhỏ như cái phích nước, cái đài radio… nhưng tất cả người dân trong làng từ đứa trẻ chín, mười tuổi cho tới cụ ông, cụ bà tám, chín mươi tuổi đều hăng hái lên sân khấu tham gia thi thố tài nghệ kể chuyện trạng của mình. Đây chính là truyền thống văn hóa độc đáo của làng Huỳnh Công mà không nơi nào có được”.

Theo Đời Sống Pháp Luật

Cây môn Vĩnh Linh – Quảng Trị

Cây môn trồng trên đất huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho củ ăn ngon chi lạ, vì rứa mới sinh ra chuyện trạng Vĩnh Hoàng “ăn môn sáp ” được chớ….

cay-mon-vinh-linh

Môn Vĩnh Linh được trồng thâm canh cho năng suất cao

Ngon nổi tiếng Chị Hoàng Dạ Hương, cán bộ Văn hóa xã Vĩnh Tú tự hào như vậy khi tiếp thị về cây môn, một sản vật nổi tiếng ở đất Vĩnh Linh để rồi khi nghe chị nói xong ai cũng muốn mua môn củ nấu ăn. Mà đã ăn môn Vĩnh Linh rồi thì dù ở đâu xa cũng tìm môn vùng đất này mà mua.

Là người có khiếu kể chuyện nên khi dẫn tôi thăm ruộng môn chị Hương nói cây môn với nhiều giống như sáp, nịch, trắng trồng ở đất Vĩnh Linh củ vừa to, vừa dẻo, ăn rất ngon. Độ dẻo và bột của môn thì khỏi phải nói.

Chuyện “ăn môn sáp” trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng (vùng đất thuộc các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Nam, Vĩnh Tú và Vĩnh Thái bây giờ của huyện Vĩnh Linh) kể rằng ngày trước có lần một vị khách đến nhà người dân Vĩnh Tú chơi và được mời ăn môn củ. Vừa ăn vừa nói chuyện vì môn quá ngon, bỗng dưng chủ nhà hỏi khách “hàng tiền đạo” (mấy chiếc răng cửa) của anh mất đâu rồi? Giật mình, vị khách đưa củ môn lên xem thì ra do môn quá dẻo nên khi cắn môn ăn mấy chiếc răng cửa của vị khách mắc theo, những chiếc răng trắng in rõ trên màu vàng của môn sáp. Chủ nhà hối hả chở khách đến bác sĩ nha khoa trồng lại răng. Bác sĩ mang sổ khám bệnh ra hỏi liền có phải anh ở Vĩnh Tú không? Trong danh sách những người trồng răng ở đây, dân Vĩnh Tú chiếm nhiều nhất, do ăn phải củ môn sáp vàng ở đó…

Câu chuyện trạng muốn nói lên rằng không có nơi nào có giống môn ngon và chất lượng như môn Vĩnh Linh. Ngày nay, những người bán hàng lưu niệm ở di tích địa đạo Vịnh Mốc thường đem môn đến bán và kể lại chuyện trạng ấy cho du khách nghe, nhiều đoàn rất thích thú, vì thế họ mua sản vật này một thành hai, củ môn ở Vĩnh Linh càng có tiếng đi xa.

Về Vĩnh Linh lần này tôi được chị Hương đãi một bữa môn sáp vàng, đây là những bụi môn được chị trồng sớm nhất để ăn dần trong năm, chứ không phải đợi chính mùa là tháng ba, tháng tư sang năm mới thu hoạch. Bụi môn được đào lên cho củ gần 1 kg. Chị Hương chiêu đãi món đầu tiên là môn sáp nấu chín ăn với đường cát. Tùy theo khẩu vị của mỗi người mà chấm đường ngọt, nhạt khác nhau.

Cầm miếng môn lên lột sạch vỏ, cắn ngập răng vào mà nhai nhè nhẹ, cảm giác vừa béo, vừa bùi, vừa thơm khiến không ai khỏi muốn cắn ngay miếng thứ hai, thứ ba rồi mà trong lòng luôn muốn ăn thêm. Bởi độ bùi, độ dẻo của môn sáp Vĩnh Linh không chỉ ăn đứt các loại môn khác mà còn bỏ xa nhiều loại trong các giống cây cho củ.

Chị Hương quả quyết với môn sáp ngon nhất vẫn là nấu chè. Khi nấu môn chín, bóc vỏ, thái lát mỏng cho vào nồi, thêm một nắm gạo nếp, nếp chín dùng đũa bếp khuấy đều cho nhuyễn rồi đổ đường vào tùy theo khẩu vị ưa ngọt nhiều hay ít. Sau đó giã nhỏ củ gừng tươi, vắt lấy nước cho vào khuấy đều đến khi nồi chè môn sôi sền sệt một lần nữa là chè đã chín, bắc xuống. Khi ấy múc vào chén ăn cơm hoặc ly, ai ưa dùng nóng cứ dùng, ai ưa nguội thì cứ việc, ăn còn dư cho vào tủ lạnh ăn dần

Chị Hương mời cứ ăn một lần rồi nhớ tới vị ngọt, bùi, dẻo, thơm đặc trưng của môn sáp, vị cay nhè nhẹ của gừng non, tất cả tạo thành một món chè hảo hạng nhưng dân dã, anh muốn ăn nữa thì cứ về Vĩnh Linh.

Theo ông Nguyễn Văn Bài, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị, trước đây người dân ở Vĩnh Linh chưa xem môn là cây kinh tế chính, họ chỉ quen trồng cây lúa, cao su, hồ tiêu.Dù giống môn có ở đây từ lâu lắm, cho củ ngon thơm, dẻo và bùi, nhưng người dân ai siêng chỉ trồng mỗi nhà chừng vài chục bụi để ăn và biếu người quen làm quà miệt vườn.Nhưng kể từ năm trước khi bão tố dồn dập nhiều lần, không ít diện tích cây cao su gãy đổ để lại đất trống, nông dân Vĩnh Linh vốn có tầm nhìn và làm ăn linh động nên liền chọn cây môn thay thế vào để có được đồng tiền sớm nhất khi cao su đang trên đà bình phục. Do đó cây môn được đà đi lên trở thành cây trồng ngắn ngày, lợi thế nhất ở vùng này và đang được thị trường ưa chuộng.

Cây ngắn ngày kinh tế nhất

Từ lâu, môn là loại cây trồng ngắn ngày rất phù hợp với đất đai thổ nhưỡng của huyện Vĩnh Linh. Ông Nguyễn Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạch cho biết hiện tại cây môn là một trong những cây trồng chủ lực của xã, cho thu hồi vốn nhanh, tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Vụ này, Vĩnh Thạch trồng hơn 100 ha môn. Trồng môn vừa cho lấy thân cây bán tươi, làm dưa, khi cây già lấy củ làm thức ăn. Trồng môn rất dễ, bên cạnh những diện tích đất lấy môn làm cây trồng chính, thì môn còn được trồng xen canh trong những lô cây cao su chưa khép tán hay trong quanh vườn nhà, các thửa đất nho nhỏ gần bờ ao, bờ ruộng.

Ngoài ra, môn không chỉ trồng đất đỏ mà còn trồng bên những thửa ruộng cát đang bỏ trống hay được trồng khoai lang rải rác, những vùng môn xanh ngút trên những khoảnh đất cao, đất thấp khiến cảnh quan làng xóm được sinh động, tươi tắn hơn. “Trồng môn tuy cực nhọc nhưng nhìn cây môn lên xanh tốt và cho thu nhập khá là bà con mình thấy sướng mắt lắm”, ông Sinh nói.

Cây môn chính vụ được người dân Vĩnh Linh bắt đầu trồng vào thời điểm tháng 7, tháng 8 hàng năm với những giống chủ yếu như môn sáp, môn nịch, môn trắng. Trồng môn đòi hỏi đất tơi xốp nên cần nhiều lần làm đất và lên luống thật cao.

Hiện nay môn đang được giá, thương lái nhiều khi phải đến tận nhà, tận nơi trồng để thu mua môn. Thông thường thì ra năm mới và đến tháng 2, tháng 3 mới thu hoạch môn, nhưng những ngày này thương lái đã đến gửi tiền trước cho những gia đình có diện tích môn nhiều. Giá môn củ hiện tại như môn sáp và môn nịch từ 20.000 – 25.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Hà, thôn An Đông, xã Vĩnh Thạch cho biết mùa rồi nhà bà trồng 1 sào giống môn nịch thu hoạch hơn 3 tạ môn củ, có củ nặng đến gần 1 kg, 5 sào môn cho thu hoạch đến gần 2 tấn. Khi bán mỗi kg có giá 20.000 đồng nên gia đình bà đã thu được khoản tiền không nhỏ. Về chi phí đầu tư trồng môn, chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Vĩnh Tân cho biết 1 sào môn nịch cần bón khoảng 1 tấn phân xanh, khoảng 20 kg lân, 20 kg đạm và kali. Ngoài ra, chi phí mua 500 mặt môn giống có giá 100 đồng/mặt.

Trong việc trồng môn khâu đầu tư quan trọng nhất là giống môn. Nhà nào giữ được giống môn là nhà đó thắng lợi trong SX. So với cây lúa, cây lạc, những cây ngắn ngày khác thì trồng môn lợi gấp nhiều lần. Cũng nhờ cây môn góp vô mà nhiều người ở đây vừa có thêm tiền nuôi con học đại học vừa sắm xe máy, nhà nào cũng hai, ba chiếc để chở môn xuống chợ. Chị Nguyễn Thị Hằng, một thương lái chuyên mua môn để nhập cho các thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cho biết giá môn phụ thuộc phần lớn vào thị trường, có năm được mùa thì giá môn hạ, năm nay mất mùa thì giá lại cao. Môn củ được trồng tại Vĩnh Linh rất được ưa chuộng tại các thị trường ngoài Bắc, trong Nam bởi chất lượng môn rất ngon và giá trị dinh dưỡng cao.

Nhiều người còn mua môn vùng này trộn lẫn môn các nơi khác rồi lấy thương hiệu môn Vĩnh Linh bán cho được giá hơn bình thường. Theo các tài liệu dinh dưỡng thì không kể tác dụng chữa được một số bệnh từ các bộ phận của cây môn khi dùng riêng hoặc nấu với các loại cây dược liệu khác, chỉ nói về dinh dưỡng khoai môn có giá trị cao hơn khoai tây gấp 1,5 lần, tinh bột mịn hơn các loại khoai, ngũ cốc khác, khi nấu chín sẽ là thực phẩm giàu năng lượng nhờ có đủ chất đạm, béo, các loại vitamin và chất xơ, dễ tiêu hóa nhờ enzym tiêu hóa amylose chiếm tới 14 – 19%. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Linh nói rằng nhiều hộ dân ở huyện này đổi đời nhờ trồng môn. Môn đã trở thành mô hình cây trồng chính có giá trị kinh tế cao trong tái cơ cấu SXNN của huyện. Môn là cây trồng ngắn ngày, vừa trồng thâm canh, xen canh, thu nhập từ trồng môn hơn 200 triệu đồng/ ha. Toàn huyện Vĩnh Linh hiện có gần 500 ha môn.

Hiện tại môn Vĩnh Linh chưa xuất khẩu, mới tiêu thụ thị trường trong nước nhưng cũng khá ổn định. Huyện xem môn là một thế mạnh trong những cây trồng ngắn ngày của địa phương.

Nguồn Báo Nông Nghiệp