Lưu trữ cho từ khóa: tran huu chu

Bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp

Hôm đó mấy anh em chúng tôi rủ nhau đi bứt tranh trên nguồn. Vừa lên đến nơi chúng tôi vô cùng sung sướng vì thấy một bãi tranh thật là tốt và đẹp. Chúng tôi rất ưng ý. Sắp xếp xong là chúng tôi người nào người nấy liềm sắc lẻm trong tay, sà vô bứt lia lịa. Tôi đang mãi mê bứt, bỗng có một tiếng “soạt” thiệt to ở đám tranh trước mặt, tranh bay lên tung tóe. Tôi bỗng thấy máu me phọt đầy tay chân, tôi tưởng mình bứt nhanh quá nên lỡ tay làm mình bị thương. Tôi sờ khắp người chẳng thấy mình thương tích chỗ nào cả.

nguon-goc-trang-vinh-hoang-quang-triBỗng từ bên tê đồi không xa lắm, có tiếng hổ thét gầm làm kinh thiên động địa. Tôi mới đoán ra: “à, té ra đực cọp bị thương, vì tôi say bứt quá mà không chú ý nên để liềm phang phải lạo, phọt cả máu ra, đau quá nên lạo mới bỏ chạy”. Nghĩ không có vấn đề chi nên tôi tiếp tục bứt nhanh để cho đủ tranh mang về lợp mái nhà.

Nhà mới lợp lại có khác, mùi tranh còn thơm lừng. Một buổi trưa, tôi còn đang say giấc ngủ thì bỗng ngoài sân con chó vàng sủa toáng lên làm tôi thức giấc, ngủ không được. Tôi mở mắt nhòm ra cửa thì không thấy có khách mô đến cả, bực mình vì bị đánh thức, tôi nạt con chó, sẵn chiếc dép tôi lia cho hắn một phát gần trúng. Càng nạt hắn càng sủa dữ hơn, mắt với mỏ hắn châu lên trên đông nhà. Tôi thấy lạ liền chạy ra xem thử, té ra gió nam mạnh làm cho mấy cái tranh cứ tốc ngược lên để bày ra cái đuôi cọp vằn vằn, vền vện, cứ vất qua vất lại mới ngạo nghễ làm sao, hèn chi con chó vàng sủa đai sủa hoi như rứa.

Tôi nhớ lại, hình như hôm bựa đi bứt tranh, tôi bứt nhầm đuôi của “Ông Ba Mươi” đem về lợp nhà mà không biết.

Trần Hữu Chư

Chữa trâu chọi

CHỮA TRÂU CHỌI

Ở làng tôi mỗi nhà đều có một đàn trâu, trong đó có một con đầu đàn thường là trâu đực nổi. Vào những lúc thời tiết mát mẻ, nó thường sổ mạch đú tìm đến để bạng (húc) nhau. Mỗi lúc như thế họ rất lo vì thế nào cũng có con bị què hoặc chết.

trẢnh minh họa. Nguồn: Internet

Hôm nọ có 2 con bạng nhau từ sáng đến chiều tối vẫn bất phân thắng bại. Dân làng tập trung đến vác đùi, lẻ xông vào can 2 con ra nhưng càng cản 2 con lại càng hăng máu hơn. Hắn càng bạng càng dữ. Họ không tài nào làm cho 2 con giang nhau ra được.

Hai anh em Trần Hữu đi qua thấy vậy liền bảo mọi người tản ra hết. Hai an hem Trần Hữu tiến đến. Ông anh túm đuôi một con, ông em túm đuôi một con. Hai anh em kéo 2 con trâu ra hai đường một cách khỏe re. Mỗi ông phát cho mỗi con một cái sau mông, rứa là con mô tìm về chuồng con nấy, khỏi phải mất công nhà chủ và dân làng đùi lẻ lôi thôi.

Kể từ đó, khi nào có cặp trâu mô bạng chắc là dân làng lại nhờ anh em họ Trần Hữu đi chựa giúp. Chỉ cần ông anh kéo một con, ông em kéo một con rứa là ra thôi.

Trần Hữu Chư

Làng 400 năm nói trạng, bắt “hổ đi cày thay trâu”

Ở miền quê lụt bão liên miên, trưa hè nắng rát, những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng (Quảng Trị) mang đến tiếng cười khỏe khoắn, giúp nông dân thêm yêu cuộc sống. Theo các bô lão, làng Vĩnh Hoàng được thành lập khoảng thế kỷ 17-18, nay là thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Từ ngày lập làng, những câu chuyện trạng bắt đầu được sáng tác và lưu truyền, tiếp nối cho đến nay khoảng 400 năm. Vĩnh Hoàng xưa có nghề trồng dưa đỏ nổi tiếng khắp vùng. Để nói về kích cỡ của quả dưa, người dân sáng tạo ra câu chuyện “bắt – bọp mỏi tay”. Chuyện kể rằng, một hôm nông dân ra đồng thăm ruộng dưa thì thấy yên ắng. Bỗng thấy quả dưa có lỗ đỏ, lại gần có nhúm lông chim thò ra. Người nông dân bịt lỗ lại, chậm rãi thò tay vào bắt ra không biết bao nhiêu là quạ, bọp (bóp) chết chim đến mỏi tay. Chỉ thoáng thả tay ra là quả dưa như như muốn bay lên trời. “Quả dưa đỏ to đến độ chứa được cả bầy quạ”, ông Trần Đức Trí, 77 tuổi, kể chuyện giọng luyến láy, đôi mắt bí hiểm gợi trí tò mò cho người nghe.

lang-noi-trang-vinh-hoangÔng Trí kể lại câu chuyện phóng đại về độ lớn của quả dưa làng Vĩnh Hoàng. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Trí là số ít người có năng khiếu kể chuyện còn sót lại của làng trạng Vĩnh Hoàng. Khoảng 10 năm trước, khi đôi tai chưa nghễnh ngãng, ông chuyên đi kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng khắp tỉnh Quảng Trị. “Cuộc sống vất vả, những câu chuyện trạng tiếu lâm giúp người dân quên đi cực nhọc, giải tỏa tâm lý để hăng hái lao động”, ông Trí nói.

Lão nông này kể, một bữa ông dắt bò ra đồng sớm, cày nhanh cho thoát cái nắng oi bức mùa hè. Chỉ trong chốc lát đã cày xong một luống khiến ông ngỡ ngàng. Đến khi trời tảng sáng, nhìn lại thì phát hiện một con hổ đang kéo cày. “Sẵn cây rựa trong tay, tui chặt phát đứt cày, hắn chạy mất. Thế là mất buổi cày”, ông Trí kể chuyện mất buổi cày.

“Cọp hung dữ ai cũng sợ, riêng quê tôi thì nó đi cày thay trâu”, ông Trí hóm hỉnh nói.

Cho đến thời kháng chiến và cuộc sống hiện đại sau này, chuyện trạng được sáng tạo thêm, biến thiên theo năm tháng. Ông Trần Hữu Chư kể câu chuyện trạng hơi hướng hiện đại: “Thức giấc trong hầm thì sờ thấy có thêm đứa con mô ra nóng hổi. Tỉnh giấc mới biết là quả bom giặc ném rơi trúng hầm. Trong kháng chiến gian khổ, người dân không còn sợ bom đạn nữa, sống chung với đạn bom mà sáng tác ra chuyện trạng”.

Kể chuyện trạng ở địa phương hiện nay chỉ còn trên mười người, trong đó có ông Chư. Nhằm phổ biến đến thế hệ sau, ông thường xuyên đi kể chuyện trạng ở các trường học trong xã, huyện. Lão nông 76 tuổi này đã dành gần 10 năm sưu tầm được khoảng 70 chuyện của cha ông. Những lúc rảnh rỗi, ông lại chuyển thể câu chuyện trạng thành những bức tranh để thêm phần sinh động.

lang-noi-trang-vinh-hoang-2Ông Trần Hữu Chư (bên trái) 10 năm sưu tầm chuyện trạng để lưu giữ văn hóa cha ông. Ảnh: Hoàng Táo

Những năm gần đây, trường cấp 1, 2 xã Vĩnh Hoàng thường đưa những câu chuyện trạng vào các tiết học ngoại khóa, những buổi văn nghệ. Nhờ đó, 3 em nhỏ của làng Vĩnh Hoàng được bồi đắp, nay có năng khiếu kể chuyện không kém ông cha.

Theo ông Chư, vùng quê Vĩnh Hoàng không được thiên nhiên ưu đãi, lụt bão liên miên, trưa hè nắng rát. Những câu chuyện trạng tiếu lâm Vĩnh Hoàng mang đến tiếng cười khỏe khoắn, hồn nhiên của người lao động.

“Những câu chuyện trạng đều có ít nhiều yếu tố thực tế cuộc sống, người dân nói phóng đại lên để mua vui. Người kể hư cấu, cường điệu một cách hợp lý để mang lại sự bất ngờ, khiến người nghe tưởng tượng mà cười. Cái cười ở đây ngạo nghễ, nêu bật điểm mạnh của mình để thắng mọi gian nguy từ thiên nhiên đến con người”, ông Chư nói về sự khác biệt của chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Khẳng định chuyện trạng Vĩnh Hoàng là nét đẹp văn hóa cần bảo tồn và phát triển. Ông Hoàng Kim Khanh, Phó chánh văn phòng huyện Vĩnh Linh cho hay, hàng năm huyện đều tổ chức ngày hội văn hoá, trong đó trạng Vĩnh Hoàng luôn được chú trọng. “Những năm gần đây, huyện đã quan tâm bồi dưỡng, phát triển trạng Vĩnh Hoàng trong giới trẻ, những câu chuyện mới gắn với cuộc sống hiện đại”, ông Khanh thông tin.

Hoàng Táo