Ớt mà tưởng ngà voi

Trong làng có tin đồn đại râm ran là có bầy voi trên rừng về phá phách làm cho nhiều người phải lo sợ. Tôi cũng lo cho vườn ớt của mình, từ lúc cha sinh mạ đẻ đến giờ, bữa ni tôi mới làm hàng xuất khẩu đây.

ot
Giống ớt mà tôi kiếm được từ nước úc Đại Lợi kia khó khăn lắm mới đem được về đây để làm hàng xuất khẩu. Năm nay cũng thuận trời, ớt của tôi phát triển khá tốt chắc sẽ được một vụ bội thu. Khi nghe tin đồn tôi rất lo lắng ngày đêm canh giữ không lơi.

Một buổi sáng tôi vác cái cuốc 5 răng từ trong nhà ra đến vườn ớt. Đứng ở đầu xa nhìn về phía vườn ớt thấy cả vườn  cây xao động, những cặp ngà voi cứ chổng chổng lên, ngó đã rợn người. Tôi nghĩ voi ở dâu mà lắm thế? Đây có cả đàn chớ không phải một vài con mô. Tôi định xông vào đuổi nhưng nghĩ lại thật là nguy hiểm  vì chỉ có tôi với cái cuốc 5 răng thì làm gì được nó. Nghĩ vậy tôi liền vòng ra phía sau dùng mõ, bất ngờ đuổi cho nó chạy. Đến phía sau tôi   thấy vườn ớt bốn bề im lặng. Tôi tiến lại gần thì chẳng thấy bóng dáng một con voi nào, mới tức thì đây mà cả đàn voi biến đi đâu nhanh thế? Hay là voi ma?

Đột nhiên một trận gió xô tới, những quả ớt cứ chổng chổng lên, khi đó tôi mới nhận ra: à đây không phải là ngà voi mà là quả ớt. Quả ớt to làm tôi nhận nhầm ớt là ngà voi  mới hoảng chớ.

Tôi vác cuốc ra về, trong bụng mừng thầm nhưng vẫn chưa hết hồi hộp.

     Hữu Chư.

Vì khoai mà bị xử oan

Đứa con tôi đi bới khoai từ sáng sớm mà chừ tối đên tối dậm mà vẫn chưa thấy về, không biết có bị tai nạn chi không? hay có bị sập đất sập đai mà đè chết người không? Nóng ruột quá, tôi đứng ngồi không yên, liền xách cây đèn chạy đi tìm. Ra đến vườn khoai. Tôi chẳng thấy hắn mô cả chỉ thay hầm hố hắn đào lên tô hô, tôốc hôốc, còn khoai thì hắn chất từng đống ngổn ngang. Tôi mới rọi đèn ra phía Quảng Bình, thấy nơi làng Sen có ngọn đèn lấp ló, tôi liền tìm đên hỏi thăm, dân ở đó họ cho biết con tôi đã bị dân quân bắt vè nhà thôn họ rồi.

khoai-lang-vinh-hoang
Tôi đến nơi thì thấy con tôi đang bị mấy người kiểm lâm thẩm vấn. Tôi hỏi: Hà cớ chi mà mấy chú bắt con tôi một ngày ni rồi mà không cho hắn về ăn cơm ?

-Bác biết không  ở đây đã có lệnh cấm tất cả mọi người không được đụng đến bom mình, gây nguy hiểm  mà con bác ngang nhiên đào bom lên, rồi sắp lại từng đống, may mà không nổ, giờ không phạt là may lắm rồi đó.

– Các chú nói mới lạ, con tôi hắn đi bới khoai, chứ có phải hắn hoang nghịch gì bom đạn mà máy chú bắt phạt hắn, không tin thì mấy chú hãy đi theo tôi.

Vào đến nơi họ lật từng củ khoai lên rồi bẻ mấu thì mới rõ đây là khoai lang.

– Rứa mà chúng tôi cứ tưởng bom chưa tháo ngòi, ai ngờ mô đây mà có khoai lang, bắt  nhầm phải con bác.

– Trước đây chỗ này là một vùng bom đạn nên chẳng có ai trồng trọt gì ở đây, chúng tôi có ngờ mô khoai trong bác mà bò ra thấu đây, có chi mong bác thông cảm.

– Thôi! Thôi! đã lỡ ra rồi, hơn nữa bụng đã đói, mấy chú hãy cho người khiêng một củ về ngoài đó luộc để anh em ăn cho vui.

                                                                            Hữu Chư.

Làng Trạng Vĩnh Hoàng Đất ‘đẻ’ trạng

Nếu miền Bắc có chuyện trạng Quỳnh, miền Nam có chuyện bác Ba Phi thì ở miền Trung, chuyện trạng Vĩnh Hoàng được nhắc đến nhiều nhất. Điều đáng nói là trạng Quỳnh hoặc bác Ba Phi đều là những nhân vật thì Vĩnh Hoàng cả làng đều là… trạng.

dat-de-trang-vinh-hoang

Bàu Thủy Ứ (thuộc xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) thường được nhắc đến trong chuyện trạng Vĩnh Hoàng – Ảnh: Nguyễn Phúc

Qua thời gian, làng trạng Vĩnh Hoàng (nay thuộc thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn tồn tại, người Vĩnh Hoàng vẫn tiếp nối truyền thống của cha ông mình, mang nụ cười cho thiên hạ.
Nông dân nói “tiếng ta” !

Truyện trạng Vĩnh Hoàng không phải ai nghe cũng hiểu, bởi nét đặc trưng làm nên “tên tuổi” làng trạng cũng chính là điều tạo nên sự khu biệt về vùng miền, ấy là từ địa phương cộng thêm sự nhấn nhá trong phát âm của người kể. Đơn giản như việc được đi ra nhà ga xe lửa, người Vĩnh Hoàng sẽ liến thoắng đủ kiểu: ga ni ga mô, ga mô ri eng, ga ni ga chi, o ni đi mô, o mô đi ra, o mô đi vô… Ra thủ đô, hỏi đường thì người Vĩnh Hoàng hỏi: Nhà hát nậy lộ mô eng, lộ chao cẳng mô eng? Sẽ có rất nhiều người không hiểu các cụm thổ ngữ trên. Biết vậy, nên muốn rong chơi ở làng Vĩnh Hoàng, muốn cười té ghế khi nghe người Vĩnh Hoàng kể chuyện, trước hết phải học cái thứ “bản ngữ” của họ cái đã.

Có cảnh trớ trêu của tên phi công Mỹ trong câu chuyện trạng rằng: Tên giặc lái bị một lão dân quân Vĩnh Hoàng bắt giữ, lão chĩa súng nói trọ trẹ với giặc lái: “Hen xơ ấp” (hands up: giơ tay lên). Tên giặc lái nói: “Tôi rành tiếng Việt, cứ nói tiếng Việt”. Lão dân quân liền xổ một tràng tiếng Việt”: Mi ngài nác mô? (mày là người nước nào?), bỏ lịp cời xuống (bỏ mũ ra), mi bay côi trời chộ bầy choa mần đi đưới ni khôông? (mày bay trên trời thấy chúng tao làm gì dưới này không?)… làm tên giặc lái “chết đứng”, không biết đó là tiếng nước nào.

Sử sách của người thôn Huỳnh Công Tây chép lại rằng, làng được lập nên cách đây 400 năm và những người họ Huỳnh (Hoàng) từ phía bắc vào khai khẩn đầu tiên, về sau mới đến những dòng họ Trần, Nguyễn, Tạ… Những năm 1940, 3 thôn Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam được gộp lại thành một xã, gọi là xã Vĩnh Hoàng (sau này mới đổi thành Vĩnh Tú), cái tên trạng Vĩnh Hoàng vì thế mà thành.

Theo cụ Trần Đức Trí (77 tuổi, một nghệ nhân làng trạng) thì lúc khởi sự, bản thân người Vĩnh Hoàng không gọi những câu chuyện quê mình là “chuyện trạng” mà nghĩ đó chỉ là những thứ tiếu lâm cho vui, xua tan cực nhọc ngày đồng áng, quẳng đi sự sợ hãi giữa chiến trường ác liệt, mang đến những nụ cười bình dị, tươi tắn và xốc lại tinh thần cho mọi người cùng vượt qua khó khăn.

Hòa bình lập lại, nhà văn Phùng Quán và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian – TS Võ Xuân Trang đã có công “nâng tầm” cho làng trạng khi trực tiếp về đây sưu tầm nhiều chuyện trạng và viết lại thành sách, trong đó TS Trang đã xuất bản cuốn Chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Cả làng mần trạng

Tôi về làng trạng như một cách để tìm chút thư thái, nhẹ nhàng ngày đầu năm. Lúc đi, mấy người bạn căn dặn rằng về Vĩnh Hoàng nhớ… cẩn thận, vì hầu hết người làng đều biết nói trạng. Gặp nhiều cụ cao niên trong làng mới biết “chất trạng” đã ăn vào máu thịt của những người dân quê nơi này, ai cũng lận lưng vài ba câu chuyện trạng làm vốn. Cá biệt, có những người dường như sinh ra để làm trạng, nên hễ mở mồm là người khác không nhịn được cười.

Nhiều người dù đã về với đất nhưng danh tiếng “nói trạng” vẫn còn vang cho tới ngày nay, như các cụ Trần Đức Hạnh, Trần Văn Thẹ, Trần Đức Đài, Võ Thị Nọn, Trần Thị May… Ngày nay, “báu vật sống” của làng trạng Vĩnh Hoàng là các cụ Trần Đức Trí, Trần Hữu Chư, Nguyễn Đình Sồ, Võ Nồng, Võ Thị Nương, Trần Thị Nghĩa, Trần Thị Liễu…

Bà Trần Thị Nghĩa (51 tuổi, thôn Huỳnh Công Tây 2), khi tôi vừa tìm được đến nhà thì đã bị bà “ra võ” ngay: “Ui chao chơ làng ni đực mô chả nói trạng được mà chú phải vất vả tìm về đây. Người làng ni con nít nhỏ như con tép đã biết nói trạng rồi mà”. Nói là nói vậy, nhưng khi được yêu cầu, dẫu quần đang ống xăn ống thả từ vườn sau vào, bà Nghĩa tỉnh rụi kể ngay chuyện Quả bí có hai cuống do chính mình sáng tác. Chuyện rằng: Ngày trước nhà bà nọ ở Vĩnh Hoàng trồng bí cạnh truồng (chuồng) heo.

Một ngày bà hốt hoảng không thấy đàn heo đâu liền túa đi tìm. Tìm một hồi thấy sau hè, có quả bí to, có một cái đuôi heo lòi ra (ban đầu tưởng quả bí có 2 cuống), bà mới biết: “à, đàn heo chui vào trấy (trái) bí ăn tròn bụng không ra nổi”. Nói đoạn bà lấy cái rìu đẹo bổ đôi quả bí thì mới giải thoát được đàn heo. Chưa hết, mỗi nửa trái bí của bà sau khi bổ đôi lớn đến độ sau này còn được sử dụng để… chở bộ đội vượt bàu Thủy Ứ.

Không chỉ những người kể chuyện “chuyên nghiệp” đã được kê ra như trên, đến một người Vĩnh Hoàng tôi gặp thoáng qua lúc ăn cơm trưa cũng “trạng” làm tôi suýt sặc. Lúc trà dư tửu hậu, tôi đánh bạo hỏi thăm: “Vĩnh Tú mình toàn động cát, chắc chỉ trồng được dưa. Dưa mình có ngọt không anh?”. Anh này quyết không ngẩng đầu, chỉ dừng đũa mà nói: “Không biết có ngọt không nhưng mỗi khi tui cắn một miếng dưa thì lát sau… đường khô dính đầy mẹng (miệng)”.

Nguồn Báo Thanh Niên